Tái hiện nghi lễ đặt tên họ Hồ của đồng bào Tà Ôi tại “Ngôi nhà chung”
(LVH)- Nghi lễ đặt độc đáo này được chính chủ thể văn hóa tái hiện hết sức thiêng liêng vào sáng ngày 25/6/2016. Đây là 1 trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động "Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc vùng Bắc Trung Bộ" được tổ chức nhân “Ngày Gia đình Việt Nam” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

|
Toàn cảnh tái hiện Nghi lễ đặt tên họ Hồ của cộng đồng dân tộc Tà Ôi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
|
Nghi lễ được chinh chủ thể văn hóa tái hiện đúng như tinh thần nghi lễ vốn được tiến hành trong thực tế khi dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới nghe tin Bác Hồ kính yêu ra đi vào năm 1969, giản dị nhưng hết sức trang trọng và thiêng liêng, thu hút sự theo dõi của các cộng đồng tham gia các hoạt động tại “Làng” và du khách tham quan.
Mở đầu, ông Hồ Hoài Nam, già làng Pa ring, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế đọc diễn văn về tâm nguyện của đồng bào A Lưới được mang tên họ Hồ dưới chân dung Bác Hồ và trước nhóm cộng đồng dân tộc Tà Ôi.

|
Ông Hồ Hoài Nam, già làng Pa ring, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đọc diễn văn về tâm nguyện của đồng bào A Lưới được mang tên họ Hồ.
|
Trong diễn văn này, già làng đã ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc cũng như của bà con các dân tộc miền Tây Thừa Thiên - Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như lòng biết ơn sâu sắc, lòng kính yêu của bà con đối với Đảng và Bác.

|
Cộng đồng dân tộc tà Ôi lắng nghe diễn văn
|
Sau bài diễn văn, tất cả nhóm cộng đồng dân tộc Tà Ôi đã nắm chặt tay đưa lên trên đầu cùng hô vang : “Xin nguyện mang họ Hồ”, thể hiện tâm nguyện của mình. Kết thúc nghi lễ là những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc của người Tà Ôi.

|
Toàn cảnh buổi giao lưu
|
Cũng trong buổi sáng, sau tái hiện nghi lễ đặt tên họ Hồ còn diễn ra buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử, những người mang họ Hồ tiêu biểu của dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Buổi giao lưu có sự tham gia của những nhân chứng lịch sử: ông Lê Ánh Miêng, Ủy viên Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo huyện A Lưới; ông Hồ Ngọc Hải, Trưởng Ban liên lạc họ Hồ Việt Nam; ông Hồ Sông Hậu, Phó Trưởng Ban liên lạc họ Hồ Việt Nam kiêm Trưởng Ban liên lạc họ Hồ Hà Nội; ông Hồ Quốc Toản, đại tá, bà Hồ Thị Thanh Xuân, nguyên Phó bí thư thường trực huyện A Lưới; Các già làng, ông Hồ Hoài Nam, ông Hồ Văn Hạnh, ông Hồ Văn Rải, ông Hồ Viền Pưa.

|
Già làng Hồ Hoài Nam chia sẻ trong buổi giao lưu
|
Trong buổi giao lưu, các nhân chứng lịch sử đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc của bản thân khi được đặt tên họ Hồ và những tình cảm với Bác Hồ kính yêu.

|
Bà Hồ Thị Thanh Xuân đã không giấu được sự xúc động, nghẹn ngào khi nhớ lại giây phút được mang họ Hồ
|
Bà Hồ Thị Thanh Xuân đã không giấu được sự xúc động, nghẹn ngào khi nhớ lại giây phút được mang họ Hồ cũng như khi nghe tin Bác ra đi. Già làng Hồ Hoài Nam chia sẻ “Từ khi có Đảng, có Bác, đồng bào có muối, có cơm ăn, áo mặc… Tôi và bà con nguyện lấy họ Hồ để ghi lòng tạc dạ công ơn với Người”.

|
Ông Hồ Ngọc Hải, Trưởng Ban liên lạc họ Hồ Việt Nam chia sẻ trong buổi giao lưu
|
Đặc biệt, trong buổi giao lưu, ông Hồ Ngọc Hải, Trưởng Ban liên lạc họ Hồ Việt Nam đã chia sẻ về niềm tự hào của người con mang họ Hồ. Ông cũng bày tỏ mong muốn được kết nối chặt chẽ với bà con họ Hồ dân tộc Tà Ôi cũng như tất cả những người con Việt Nam mang họ Hồ.
Nghi lễ đặt tên họ Hồ và buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử là hoạt động ý nghĩa, ôn lại truyền thống lịch sử của người Tà Ôi cũng như của các cộng đồng dân tộc đối với Bác Hồ kính yêu tại "Ngôi nhà chung". Tham dự các hoạt động trên của cộng đồng dân tộc Tà Ôi đến từ huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế có các cộng đồng dân tộc đang sinh sống và tham gia các hoạt động thường xuyên tại "Ngôi nhà chung" như: dân tộc Mường, Thái (tỉnh Hòa Binh), Khơ Mú (tỉnh Điện Biên), Khmer (tỉnh Sóc Trăng), cộng đồng dân tộc Ơ - Đu (tỉnh Nghệ An); Các sinh viên 1 số trường Đại học tại Hà Nội và đông đảo du khách tham quan. Những hoạt động này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những người tham gia cũng như tham dự.
Các cộng đồng dân tộc cũng như du khác tham dự được hiểu thêm một nét văn hóa độc đáo trong truyền thống của công đồng dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là nguồn gốc họ Hồ trong các gia đình của đồng bào. Tự nguyện mang họ Hồ là 1 sự đột phá vượt qua mọi khuôn khổ quy định của luật tục, đứng trên luật tục, như sự bổ sung vào những điều khoản mới thiêng liêng vào hệ thông luật tục di sản văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Đây cũng là một nét đẹp trong truyền thống gia đình của người Tà Ôi, tỉnh tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đời đời con cháu trong gia đình họ sẽ mang họ Hồ và được giáo dục, nhắc nhở về tấm lòng của người Tà Ôi đối với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc.
Tiếp nối các hoạt động của chủ đề hoạt động “Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc vùng Bắc Trung Bộ”, sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa và sinh động trong chiều ngày 25 và cả ngày 26/6.
Một số hình ảnh khác:

|
Già làng Hồ Văn Rải trao đổi trong buổi giao lưu
|

|
Một tiết mục văn nghệ của cộng đồng dân tộc Tà Ôi trước khi tiến hành tái hiện nghi lễ đặt tên họ Hồ
|

|
Du khách tham quan làng dân tộc Tà Ôi, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
|
|
Thu Loan