Đến “Làng” tham dự Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer
(LVH) - Nằm trong hoạt động tháng 10 “Về với miền Tây qua nét đặc trưng văn hóa Khmer Nam Bộ”, sáng 21/10, đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Lễ Sen Dolta, một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Lễ được tổ chức trong ba ngày 29,30 tháng Phah trô bót (tháng 10) và mùng 1 tháng A sooch (tháng 11) âm lịch Khmer với ý nghĩa: Nhớ đến ông bà tổ tiên và cha mẹ đã khuất; Tập trung bà con thân thuộc, bạn bè trong phum, sóc để biếu quần áo, bánh trái cho những người có công ơn còn sống và làm lễ cầu siêu cho người quá cố; Đoàn kết giữa bà con thân thuộc, bạn bè trong phum, sóc; Tổ chức liên hoan văn nghệ với bạn bè hàng xóm thể hiện sự gắn bó thân thích giúp đỡ nhau cùng phát triển.
 |
Các sư tụng kinh cầu phước
|
 |
Đồng bào Khmer làm lễ tại chùa
|
Buổi lễ có sự tham gia của đồng bào dân tộc Khơ Mú, Tày, Dao, Mường đang hoạt động hàng ngày tại “ Làng”. Trong khuôn khổ buổi lễ, đồng bào dân tộc Khmer đã tái hiện một phần nghi thức trong Lễ Sen Dolta với hai phần:
Bun Phchum bin (Họp mặt), gia đình Khmer đi chùa cúng cơm cho sư sãi làm lễ cầu siêu cho ông bà mà người Khmer gọi là Dar. Các sư tụng kinh cầu siêu mời ông bà về chứng kiến, sau đó người thân đưa ông bà trở về nhà mình. Chun Đôn ta (Tiễn ông bà), lễ vật quan trọng không thể thiếu là thuyền bẹ chuối. Người Khmer dọn thức ăn, thức uống khấn ba lần, sau khi khấn gắp thức ăn và rót thức uống vào thuyền bẹ chuối được trang trí cờ phướn rực rỡ. Ngoài ra còn có túi gạo, mè, đậu, tiền bạc…đặt vào thuyền tiễn ông bà về nơi cũ để dành ăn lâu dài.
 |
Gia chủ thỉnh các sư về làm lễ tại nhà
|
 |
Các sư và gia chủ làm lễ cúng dâng cơm cho ông bà tổ tiên
|
Trước đó, tại không gian nhà sàn Khmer, đồng bào bày sẵn 2 mâm cơm tại vị trí giữa nhà để làm lễ dâng ông bà tổ tiên và 2 mâm cơm tại gian trưng bày hiện vật để dâng cơm cho sư. Sau đó, tất cả các thành viên của làng dân tộc Khmer sẽ tập trung tại chùa Khmer để nghe các sư tụng kinh cầu phước, cầu an. Sau khi tụng kinh xong, gia chủ sẽ thỉnh các sư từ chùa về nhà mình để cùng làm Lễ Sen Dolta. Các sư sẽ đi trước và gia chủ theo sau cùng các thành viên trong gia đình và khách mời.
 |
Sau khi làm lễ xong, gia chủ thả ghe đưa ông bà tổ tiên về cội nguồn
|
Khi mọi người đến cổng, dàn ngũ âm bắt đầu tấu lên như một lời chào mừng mọi người trở về.
Tại nhà gia chủ, vị Achard và gia chủ sẽ bắt đầu cúng dâng cơm cho ông bà tổ tiên. Bên cạnh mâm cơm sẽ là chiếc ghe nhỏ làm bằng bẹ chuối, bên trong là một ít gạo, một ít muối…
Vị Achard sẽ là người đọc lời khấn:“Đưa ông bà tổ tiên về cội nguồn, có thuyền, có cờ cắm hai bên đầu ghe, sau đó đạt cơm, gạo, muối, tiền vào ghe đem thả trôi theo dòng nước. Thứ nhất xin phù hộ mần ăn phát đạt, thứ hai xin cho cả nhà được sống lâu sống khỏe, yên vui, thứ ba xin cho cả làng vui vẻ và anh em sum họp một nhà”.
Sau khi cúng mời ông bà tổ tiên xong, chủ nhà cùng vị Achard sẽ tụng kinh để dâng cơm cho sư. Dâng cơm cho sư xong, ngũ âm xướng lên báo hiệu phần Lễ kết thúc. Tiếp đó, phần Hội diễn ra với các tiết mục biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa Khmer như hòa nhạc ngũ âm, các điệu múa truyền thống múa Dù kê, Rôm vông…
 |
Dàn nhạc ngũ âm biểu diễn
|
Buổi lễ đã giúp du khách được tiếp cận gần hơn với văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, cũng là dịp để du khách hiểu thêm về bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc khi đến với “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hải Yến