Tái hiện Lễ hội ăn đầu lúa mới của dân tộc Raglai

(LVH) - Sáng 21/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã tái hiện Lễ hội ăn đầu lúa mới của dân tộc Raglai đến từ xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Già làng chuẩn bị đồ lễ để cúng ngoài trời

Người Raglai tổ chức Lễ hội ăn đầu lúa mới với ý nghĩa cảm tạ thần Núi, thần Rừng, Thổ thần và Atuw Muk Kei đã ban cho gió thuận mưa hòa, mùa màng tốt tươi và để cho hồn lúa ở mã với gia đình, dòng tộc của họ, để cho con cháu làm được nhiều lúa bắp và các sản vật khác cho cuộc sống ấm no.

Lễ ăn đầu lúa mới diễn ra theo 5 năm, 7 năm hoặc 10 năm 1 lần, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Thông thường lễ hội này diễn ra trong vòng 3 ngày sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất trong năm, rơi vào tháng 3, tháng 4 âm lịch hàng năm. Khi lúa bắt đầu chín, chủ nhà tuốt 2 - 3 gùi lúa và ngắt 01 bó bông lúa nhỏ về nhà.

Già làng và con cháu trong dòng họ thực hiện nghi lễ cúng ngoài trời cầu xin sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu

Những mánh lúa chín được treo lên cột nhà nơi thờ phụng thần linh, ông bà hay để trên mâm, trên khay cỗ cúng. Sau khi giã lúa mới tuốt về, chủ nhà dùng gạo lúa mới nấu cơm để tiến hành làm lễ ăn đầu lúa mới.

Lễ ăn đầu lúa mới của người Raglai gồm có: gà, gạo, trầu cau, chén cơm, rượu cần... Lễ vật được bài trí xong, thầy cúng ngồi đối diện, mặt quay về hướng Nam. Để khai lễ, thầy cúng xông chai rượu trên khói trầm, rót rượu vào chén con, và chắp tay trước trán khấn:

"Kính lạy bái chúa thần! Lạy bái chúa thần từ ngày xưa đến ngày nay; Lạy bái mời chúa thần sấm sét, không trung biến hoá, thần trời cao, thần thú dữ, thần chúa sơn lâm… Xin giàng hãy chứng giám và và báo tin mùa màng, sứa khỏe cho cả nhà, gia đình, dòng tộc và buôn làng trong thời gian này và sau này, tiếp tục có mùa màng tốt tươi, sức khỏe, hạnh phúc, bình an qua là trầu này. Tránh mọi điều tai hoạ từ vật hung, thú dữ, bệnh hoạn đưa đến. Sau đó phần mời rượu cần; Lạy bái chúa thần từ ngày xưa đến ngày nay; Lạy bái mời chúa thần sấm sét, không trung biến hoá, thần trời cao, thần thú dữ, thần chúa sơn lâm…Xin mời giàng uống rượu cần cùng con cháu, chứng giám sức khỏe con cháu, và phù hộ một mùa bội thu cho vụ sản xuất tiếp theo, cho con cháu được uống cùng với các vị giàng để cầu mong sự bình an, hạnh phúc, mùa màng."

Thực hiện nghi thức cúng lúa mới 

Sau khi thầy cúng đã dâng lời cầu khấn sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu, những bát rượu được người Raglai chuyền tay nhau uống cạn. Rượu phải cạn thì người trong gia đình mới khỏe mạnh, cuộc sống hạnh phúc, mùa màng tốt tươi.

Phần cúng trong nhà cúng rước hồn lúa mới: "Xin cho được phép chúa thần từ nay về sau tránh mối đe doạ tai ương. Nay không dám làm quá mà thất lễ vô phép, xin mời chúa thần ăn trước, ta ăn sau và cầu mong mùa màn tốt tươi, làm ăn sung túc, sức khỏe cho cả nhà. Lạy bái của thần hãy dùng cơm lúa mới, uống rượu cho đủ khắp nhau, đủ khắp mọi người… Một, hai, ba, bốn, năm, sáu … cho qua mọi điều xui xẻo. Hãy ban cho đầy đủ sức khoẻ gấp đủ bảy lần cuộc sống hiện tại."

Sau khi cúng ngoài trời xong già làng đưa đồ lễ vào cúng trong nhà 

Khi tổ tiên đã nhận lễ vật xong, tiếng mã la được đánh lên, người Raglai mang cây nêu từ trong nhà ra ngoài nhà lễ để tiễn đưa tổ tiên về với thế giới của ông bà theo quan niệm của người Raglai.

Phần hội đội mã la tấu lên những giai điệu rộn ràng...

 

... Đồng bào và du khách phấn khởi chung vui cùng điệu múa

Sau phần nghi lễ là phần hội, cơm rượu thịt được dọn ra, tiếng mã la nổi lên và mọi người cùng hòa nhịp vào lễ hội với không khí vui tươi, mừng cho gia đình có một mùa bội thu, gia đình hạnh phúc.

Lễ hội ăn đầu lúa mới là phong tục truyền thống văn hoá lâu đời, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự mong muốn mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng Raglai. Người dân tộc dù ít người, dù cuộc sống nghèo khó nhưng tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt lên mọi khó khăn, cùng làm ăn và phát triển được thể hiện rất rõ. Đây còn là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu phong tục tốt đẹp của người Raglai tại “Ngôi nhà chung” và cũng là cơ hội để đồng bào Raglai quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình tới du khách khi đến tham quan "Làng".

Thúy Nga