Lễ tạ ơn Yàng Xứ của đồng bào Cơ Tu tại Làng VHDL các DTVN

(LVH) - Nằm trong các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2018, sáng 22/4, đồng bào Cơ Tu đã tổ chức tái hiện Lễ tạ ơn Yàng Xứ - Lễ tạ ơn các vị thần linh nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của dân tộc Cơ Tu (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đến du khách tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Trong nếp sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu, sau khi thu hoạch mùa vụ xong và bắt đầu một mùa gieo trồng mới bà con anh em đồng bào dân tộc Cơ Tu lại nô nức chuẩn bị ngày Lễ tạ ơn Yàng Xứ. Lễ thường tổ chức vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, được tổ chức bên trong nhà Gươl (nhà cộng đồng của buôn làng) và sân lễ hội của buôn làng đồng bào người Cơ Tu.
Đây là lễ hội truyền thống, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của đồng bào đến Yàng Xứ (các vị thần linh: Yàng Trời, Yàng đất, Yàng sông suối, Yàng núi rừng...) cảm ơn Yàng trong suốt một năm qua đã phù hộ cho bà con dân bản được mùa màng bội thu, thóc đầy bồ, gà đầy chuồng... và cầu mong Yàng Xứ vụ mùa năm nay lại phù hộ, chở che bà con buôn làng dồi dào sức khỏe, mưa thuận gió hòa , mùa màng tốt tươi, no ấm, đủ đầy. Đây cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ, trao đổi học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tham gia vào các điệu múa, câu hát , các trò chơi dân gian...truyền thống của dân tộc.

Đồng bào chuẩn bị mâm lễ

Người Cơ Tu quan niệm rằng, mọi vật có thể tồn tại và phát triển được là nhờ có linh hồn và số phận con người phụ thuộc vào lực lượng siêu nhiên, thế giới siêu linh. Những yếu tố vô hình thiêng liêng này quyết định cuộc sống trên trái đất và người Cơ Tu gọi là Yàng Xứ (các vị thần linh: Yàng trời, Yàng đất, Yàng sông suối, Yàng núi rừng...). Vì thế việc thờ cúng các vị thần linh thiện nhiên xung quanh gắn bó mật thiết với đời sống của người Cơ Tu.

Gìa làng tiến hành lễ cúng tại nhà Gươl

Tối hôm trước khi diễn ra Lễ tạ ơn Yàng Xứ thì bà con buôn làng tập chung để làm lễ báo tin đến Yàng Xứ. Lễ vật gồm: 1 con gà trống, 1 chai rượu, 1 bó hương, hoa quả. Già làng đứng tại trung tâm nhà Gươl nơi có cây cột thiêng (chi râng mâng) có treo những vật linh thiêng (chiêng, tấm Dèng thổ cẩm, bó lúa...)
Sau khi chuẩn bị xong vật lễ thì già làng bắt đầu cúng:
“Ơi Yàng ơi, ơi Yàng ơi, Ơi Yàng Xứ, ơi hỡi các vị thần linh. Hôm nay buôn làng Cơ Tu chúng báo tin cho ngài biết: Ngày mai dân làng chúng con làm lễ tạ ơn đến Yàng Xứ đến các vị thần linh : Yàng trời, Yàng đất, Yàng sông suối, Yàng núi rừng... để cảm ơn Yàng trong một năm qua đã phù hộ che chở bảo vệ chúng con, ban tặng cho buôn làng dòng sông, con suối mát rượi, con cá ngọt lành, gió mát mẻ điều hòa khí hậu, đất đai màu mỡ,cây cối tốt tươi nặng bông trĩu hạt, lửa sưởi ấm mùa đông, nấu chín thức ăn, thiêu rụi cây cỏ tạ lớp tro thổ nhưỡng, hạt lúa hạt ngô hội tụ vị tinh túy, thơm lành Xin Yàng Xứ (các vị thần linh) tham dự đầy đủ lễ hội với chúng con! Ơi Yàng ! ơi Yàng ơi!”. Sau đó, Già làng sẽ rót rượu mời Yàng sau khi mời Yàng xong thì già làng sẽ uống chén rượu đầu tiên, tiếp theo là mời bà con trong buôn làng đến dự lễ báo tin.

Lễ cúng chính ngoài sân lễ hội của buôn làng

Sau lễ báo tin, Phần lễ chính thức diễn ra tại chính giữa sân lễ hội của buôn làng. Lễ vật gồm có: 01 con lợn sống ( sau khi được Yàng Xứ đồng ý nhận lễ vật sẽ mổ thịt), 04 con gà trống ( 01 con gà trống cúng báo cáo Yàng Xứ, 03 con gà trống dùng cho lễ chính), Cá nướng cả con, cá nướng ống lồ ô, Cơm lam, 03 ché rượu cần, Rượu trắng, Hương( nhang), thuốc lá, Bánh a cuốt (Bánh sừng trâu), Gạo nếp, cây Mía, Tấm Dèng, chiêu được làm từ cây rừng, Nải chuối, 01 con chuột rừng. 02 cái A săm ( A Soom) dùng để mời Yàng. Được làm từ cây tre nứa có ở trong rừng.

Già làng đọc bài cúng mời Yàng Xứ:
“Ơi Yàng ơi!ơi Yàng ơi! Hôm nay chúng con dâng lễ vật tế sống lên Yàng các Yàng các vị thần linh hãy về đây nhận lễ vật của chúng con, các ngài nhận rồi thì chúng con sẽ làm thịt và dâng lên Yàng nhưng món ăn ngon nhất, những ché rượu ngon nhất, ơi Yàng ơi, ơi Yàng ơi! Xin hãy nhận lễ của bà con buôn làng dâng lên tạ ơi ngài! ”. Già làng sẽ rót rượu mời Yàng và sau khi mời Yàng xong thì già làng sẽ uống chén rượu đầu tiên, tiếp theo là mời bà con trong buôn làng đến dự Lễ.

Sau phần lễ, phần hội với những tiết mục dân ca dân vũ truyền thống của người Cơ Tu

Tiếp đó, dân làng sẽ bày ra ba mâm cỗ đặt trước bàn thờ Yàng giữa sân lễ hội của buôn làng với ý nghĩa: Mâm thứ nhất, dâng lên Yàng Xứ để tạ ơn các vị thần linh một năm qua đã phù hộ, che chở, bảo vệ cho buôn làng một năm đầy đủ, ấm no. Mâm thứ hai, Cúng cây nêu còn gọi là xi nur (là cây linh thiêng để linh thông lời cảm ơn, và cầu mong ước nuyện của bà con buôn làng đến với Yàng Xứ. Mâm thứ ba: Dâng lên Yàng Xứ để cầu mong vụ mùa năm tới được bội thu, bà con buôn làng được mạnh khỏe, thóc đầy nhà , gà đầy chuồng... nhà nhà ấm no hạnh phúc.

Du khách tham dự thưởng thức rượu cần

Sau đó, già làng cúng mời Yàng xuống và thưởng thức.
Nội dung lời cúng như sau: "Hỡi các vị thần linh thổ địa, các vị Yang cai quản. Đây là máu, là tim của con vật cúng được dân làng chúng tôi dâng lên các Yang…Dân làng đã dâng lên các vị thần những món ngon nhất, ché rượu ngon nhất xin thần hãy chấp nhận lời khấn của dân làng. Hôm nay buôn làng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, xua đuổi con chim rừng con chuột núi không ăn mất hạt lúa giống trên rẫy, con kiến không tha, cho hạt lúa nảy mầm tươi tốt; trồng mỳ thì được tốt tươi nhiều củ, trồng gì được nấy, không bị thú rừng phá hoại để dân làng có vụ mùa bội thu để mọi nhà no ấm; vật nuôi đầy nhà; con cháu sức khỏe, bình an” Hỡi các vị Yang! Yang ơi… chỉ có Yang là lớn nhất trên đời, Yang ơi chỉ có Yang mới có nước để chúng con trồng cây lúa. Yang ơi mưa xuống cho mang mía, măng tre mọc nhiều, cây bắp trên rẫy tốt tươi. Ơi yang, yang ơi mau mưa xuống cho đụn nếp dân làng ăn đến tháng 5, đụn lúa to ăn đến tháng 10. Yang hãy mưa xuống cho lũ làng tay múc nước thành hoa, tay múc nước thành bông, con cá dưới suối quẩy bun bun… Xin Yang nhìn xen dân làng, Đều có đủmặt chào Yang, Xin yang cho nước trên trời rơi xuống".

Du khách tham quan giao lưu cùng đồng bào 

Lúc này già làng sẽ rót rượu mời Yàng. Dùng cây A Soom cung kính mời Yàng xuống thưởng thức( vật linh thiêng để mời kết nối âm dương). Tung hai cây A soom lên khu vực chạm vào cây nêu thì có nghĩa là Yàng đã đồng ý. “Hú Giàng đã chứng giám xin cảm tạ Giàng. Nào hỡi dân làng hãy nổi trống chiêng chào đón những cơn mưa, những mùa vụ lớn từ Yang….Yang ơi”. Sau đó, già làng sẽ thưởng thức trước các món ăn, đồ uống trên mâm cúng, tiếp theo chia cho mọi người đến tham gia dự Lễ cầu tạ ơn, cùng với đó là tiếng trống chiêng nổi lên rộn rã, bà con dân bản vui mừng nhảy múa.

Hải Yến