Lễ mừng cơm mới - tết cổ truyền của người S’tiêng
(LVH) - Sáng 10/3, đồng bào dân tộc S’tiêng tỉnh Bình phước đã tái hiện lễ Mừng cơm mới - là một lễ hội lớn được coi là tết cổ truyền của người S’tiêng. Đây cũng là một trong điểm nhấn hoạt động tháng 3 “Ngày hội hoa Ban” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
"Sắc màu văn hóa truyền thống của dân tộc S’tiêng" tỉnh Bình Phước thu hút du khách
Trong hệ thống các nghi lễ và lễ hội của người S’tiêng,lễ Mừng cơm mới (lễ Crac Băr mêy) là một lễ hội lớn được coi là tết cổ truyền của người S’tiêng. Lễ hội ngoài việc cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt thì còn là dịp để bà con, dân sóc gặp nhau và chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống về quan hệ gia đình và cộng đồng. Trong dịp này những ai có hiềm khích, hiểu lầm nhau thì cũng xóa bỏ hết, mọi người tay bắt mặt mừng đoàn kết một lòng cùng nhau làm nên một cộng đồng buôn, sóc người S’tiêng ngày càng giàu mạnh.

Các lễ vật được đồng bào S'tiêng chuẩn bị đầy đủ
Lễ mừng cơm mới thường được tổ chức vào thời điểm nông nhàn, tùy theo điều kiện của dân làng trong buôn sóc, lễ vật phải được tính toán và chuẩn bị chu đáo theo sự phân công của chủ tế và già làng, đảm bảo lễ hội được diễn ra suôn sẻ, thần linh vui lòng không trách phạt.

Già làng và dân làng chuẩn bị tiến hành lễ cúng
Vào ngày diễn ra lễ hội, Ban tế lễ dưới sự chủ trì của chủ tế và già làng thức dậy từ sớm để tiến hành làm lễ dựng nêu, các thành viên được phân công sửa soạn chuẩn bị cho ngày hội vui của buôn sóc. Già trẻ, nam thanh nữ tú quây quần về khu tổ chức lễ hội, tiếng trống giục rộn rã, tiếng cồng, tiếng chiêng, nhạc hội vang lên báo hiệu lễ hội sắp bắt đầu.
Trong lễ hội, phần nghi lễ được đồng bào tổ chức tại hai nơi: Lễ cúng rước hồn lúa diễn ra tại kho lúa và lễ Mừng cơm mới diễn ra tại sân chính lễ hội.

Chủ tế và già làng sẽ thực hiện các nghi lễ cúng
Sau khi Ban tế lễ đi ra đến sân lễ hội, đội cồng chiêng đi vòng tròn quanh sân lễ, chủ tế đặt thúng lúa cắm cây nêu nhỏ tượng trưng hồn lúa vào vị trí đã định, già làng tiến lên phía cây nêu, thực hiện nghi thức hiến sinh và lấy huyết gà vấy lên cây nêu, khấn to:
"Ơ Yàng!
Hôm nay ngày lành tháng tốt, sóc tôi dựng nêu, giết heo, giết gà thiết đãi tạ ơn các thần. Mời các thần về đây làm lễ cúng cơm mới, có ăn heo, ăn gà, ăn vịt, có uống rượu cần; có nổi chiêng, nổi trống, múa cò, hát hội. Xin các thần về đây thụ hưởng. Sau khi nhận lễ vật hãy ban phép cho vụ mùa năm tới mưa thuận gió hoà, cây rừng đâm chồi nảy lộc, chim thú gọi bạn săn mồi, bà con trong sóc trỉa lúa lúa tốt, trồng bầu bầu leo, cho heo gà đầy sân, cho thóc gạo đầy bồ,… Nếu được như vậy năm sau chúng tôi chúng tôi sẽ cúng tạ lễ vật nhiều hơn, ăn heo, ăn gà, ăn trâu”.Ơ Yàng! Ơ Yàng! Ơ Yàng!".

Già làng thực hiện lễ cúng tại kho lúa
Khi vừa dứt lời khấn, hai nghệ nhân được chọn ngồi dưới cây nêu bắt đầu hát đối đáp. Trong lúc hát đối đáp, các thành viên trong Ban tế lễ dưới sự chủ trì của chủ tế và già làng quanh mâm lễ cúng và tiến hành thực hiện các nghi thức lễ với các bài cúng kết hợp múa cò cổ truyền độc đáo. Bà con dân sóc tạo thành hàng phía vòng ngoài khu vực Ban Tế lễ chứng kiến nghi thức cúng.

Già làng thực hiện lễ cúng tại sân lễ hội
Khi nghi thức cúng vừa dứt, chủ tế và già làng nhận lấy một ống lồ ô nước đã chuẫn bị té lên cây nêu lớn tắm mát cho những bông lúa tượng trưng cho hồn lúa, sau đó ba hồi trống được đánh rộn vang báo hiệu vào hội, Đội cồng chiêng đứng lên bắt đầu tấu bản mừng khách vòng quanh sân lễ. Già làng và chủ tế tiến về phía rượu cần, cầm ống hút rượu cần và ống bầu rượu cúng mời các thần linh, mời đại biểu, mời bà con dân sóc và du khách, đội văn nghệ và dân làng nối đuôi nhau múa theo nhịp cồng chiêng.

Dân làng quây quần xung quanh cây nêu tại sân lễ hội chứng kiến già làng và chủ tế thực hiện các nghi lễ
Sau phần lễ, phần hội với chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc và sôi nổi với sự tham gia của đông đảo đồng bào và du khách, cùng ăn cơm lam, thịt nướng, say trong men rượu cần trong tiếng cồng chiêng réo rắt, tiếng trống cổ trầm hùng vang vọng tại không gian làng dân tộc S'tiêng cùng chia sẻ niềm vui cộng đồng...
Nhiều đoàn du khách đã có mặt tại không gian làng dân tộc S'tiêng để theo dõi lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc S'tiêng
Thông qua lễ hội này, đồng bào S’tiêng muốn truyền tải những tâm tư, nguyện vọng và cầu mong cho cộng đồng các dân tộc tỉnh Bình Phước nói riêng và đại gia đình các dân tộc Việt Nam nói chung sẽ luôn no đủ, mạnh giàu cùng nhau bảo tồn những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp để đồng bào S'tiêng giới thiệu tới du khách tham quan văn hóa của dân tộc mình tại không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hải Yến (ảnh Tuấn Anh)