Độc đáo nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp
(LVH) - Về tham gia các hoạt động trong dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội), các nghệ nhân, diễn viên quần chúng của tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức khu trưng bày “Không gian văn hóa, du lịch tỉnh Bắc Ninh trong lòng Hà Nội”, giới thiệu nghi lễ và trò chơi kéo co bằng tre có truyền thống gần 400 năm của xứ Kinh Bắc tới đông đảo du khách tham quan.
Nghi lễ kéo co làng Hữu Chấp được tổ chức hàng năm vào những ngày đầu xuân thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ công đức của 5 vị Thành Hoàng làng có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Lương xâm lược vào thế kỷ VI. Đây là hoạt động quan trọng mang tính cố kết cộng đồng, tôn vinh sức mạnh đoàn kết trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Các bô lão thực hiện nghi lễ trước khi vào trò chơi
Khác với trò kéo co ở những địa phương khác, người dân Hữu Chấp sử dụng thân cây tre làm dây kéo. Chính vì vậy việc lựa chọn tre làm dây kéo được người dân tiến hành hết sức cẩn trọng và tỉ mỉ từ trước Tết Nguyên đán khoảng 20 ngày. Những người được cử tìm tre phải đi khắp nơi chọn 2 cây tre phải thật thẳng, không quá già cũng không quá non, ngọn nở, lá bông, thân cây không bị kiến đục. Sau đó dóc mấu, cành gọn gàng rồi dùng mảnh sành cạo sạch tinh tre để lộ phần cật trắng. Hai đầu của hai cây tre được cắt vuông vắn không được dập gãy, tổng số đốt của 2 cây tre phải là số lẻ.
Ban nhạc và các bô lão cầm cờ lệnh đi trước
Để việc kéo co được tiến hành thuận lợi, người dân còn làm hai đòn tay ngang biểu trưng cho hai hướng Đông và Tây, làm điểm tỳ lực cho người chơi bám vào để kéo. Giữa điểm giao kết 2 gốc tre, có ba hình tròn xoắn trôn ốc tết bằng lạt, kích thước to nhỏ khác nhau, người dân địa phương gọi đó là hình con nhện. Khi làm xong, dây kéo tre được treo lên phía trước cửa nhà tiền tế của đình làng để báo cáo với Thành Hoàng việc chuẩn bị cuộc thi đã hoàn tất.
Các trai đinh trong làng thực hiện nghi lễ rước "dây kéo".
Hai cây tre được chọn phải không già, không non quá, gọi là tre bánh tẻ, dài, thẳng, không bị sâu kiến, cộc ngọn và số đốt của hai cây phải là số lẻ. Tre của gia đình nào được chọn là vinh dự và niềm may mắn của gia đình đó trong cả năm. Trải qua nhiều công đoạn chuẩn bị, khi dây kéo được làm xong, sẽ được treo lên phía trước cửa nhà tiền tế của đình làng để báo cáo với Thành hoàng việc chuẩn bị cuộc thi kéo co đã hoàn tất
Tham gia kéo co là các chàng trai khỏe mạnh và gia đình không có "bụi".
Theo truyền thống, nghi thức kéo co làng Hữu Chấp luôn phải vận hành theo hướng Đông - Tây. Trong đó đội hình kéo co là những thanh niên khỏe mạnh trong làng, chia làm hai bên Đông và Tây, mỗi bên 35 người nam tuổi từ 30-37, không đau ốm, bệnh tật và gia đình không có tang bụi. Cùng với ban nhạc là các bô lão đánh chiêng trống, 4 ông Hóa cầm cờ lệnh và 4 ông Vè làm nhiệm vụ cầm trịch. Trò chơi diễn ra sôi động, đông vui, náo nhiệt. Hai đội kéo 3 keo, người dân đứng xung quanh hò reo, cổ vũ chờ đến keo thứ ba thì ùa vào kéo cho đội bên Đông giành phần thắng với niềm tin bên Đông thắng thì Thánh sẽ phù hộ cho mùa màng bội thu.
Trước khi trò chơi bắt đầu là nghi lễ phất cờ ba vòng quanh dây kéo
Tất cả các trai đinh đều cởi trần, mặc quần trắng, thắt lưng nhiễu điều, bên Đông trên đầu thắt khăn màu đỏ, bên Tây thắt khăn màu xanh. Trước khi thi đấu, các quan đám thực hiện công đoạn phun rượu để tẩy uế và khích lệ thành viên hai đội.
Nghi lễ phun rượu tẩy uế để khích lệ tinh thần các đội
Khi cờ hiệu phất đủ ba lượt vòng quanh cây dây, cuộc thi đấu chính thức bắt đầu. Hai đội bên Đông, bên Tây ra sức kéo cây dây dài bằng tre về phía mình trong tiếng hò reo, cổ vũ vang dội của dân làng và tiếng trống hội thúc liên hồi.
Thành viên hai đội vật tay trước khi vào trận đấu
Theo tục lệ, hai bên phải kéo tất cả 3 keo, bên nào thắng hai keo thì thắng cuộc. Tuy nhiên, điều đặc biệt của trò chơi này không phải bên nào kéo khỏe sẽ thắng mà đến keo thứ ba dân làng sẽ vào giúp để bên Đông chiến thắng. Theo quan niệm của địa phương nếu bên Đông thắng cuộc, cả năm lúa chiêm sẽ được mùa, làng trên, xóm dưới bình yên, hòa thuận.
Hai đội sẵn sàng chờ lệnh
Hai đội quyết liệt dồn hết sức cho trò chơi kéo co
Như nhiều lễ hội ở Bắc Ninh, nghi lễ kéo co làng Hữu Chấp là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn liền với đời sống tinh thần của người dân làm nông nghiệp với những nghi lễ, tin ngưỡng nông nghiệp. Thông qua trò chơi dân gian góp phần giáo dục cho người dân về tính tập thể, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức khoẻ dẻo dai và sức chịu đựng giúp người dân ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, thẩm, mỹ tăng, cường sức mạnh đoàn kết.
Mỗi đội đều có bô lão cầm cờ chỉ huy
Ban Tổ chức trò chơi kéo co đã trao giải cho đội chiến thắng
Nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp một di sản độc đáo mang nhiều ý nghĩa tốt lành của nhân dân địa phương và cũng là nét đẹp trong văn hóa của người Kinh Bắc. Nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa đa quốc gia năm 2015.
Thúy Nga