Nhịp sống của đồng bào tại “Ngôi nhà chung” trong mùa dịch

(LVH) - Nước ta đối phó với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng virus mới lây lan nhanh hơn, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đã tạm dừng hoạt động đón tiếp khách tham quan nhằm phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL.

Hiện tại, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có hơn 100 đồng bào của 13 dân tộc đang hoạt động hàng ngày gồm: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Ba Vì, Hà Nội); Mông (Hà Giang); Khơ Mú (Nghệ An); Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong những ngày này, không khí tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam im ắng hơn thường lệ. Tuy nhiên, tại không gian sinh sống của cộng đồng các dân tộc vẫn vang lên những âm thanh của nhạc cụ, của khung dệt vải, tiếng đan lát, tiếng cuốc đất chăm chút cho mảnh vườn,…tiếng trò chuyện của đồng bào giữa các làng xung quanh với nhau.

Các làng dân tộc ở gần nhau như làng dân tộc Tày, Dao, Nùng, Mông, rồi làng Mường, Thái, Khơ Mú hay Tà Ôi, Cơ Tu, Ba na, Xơ đăng, Ê Đê, Khmer lại cùng nhau diễn ra những buổi tập luyện văn nghệ của từng nhóm nhỏ với các làn điệu dân ca, dân vũ, các làng cùng nhau tăng gia sản xuất, học hỏi tìm hiểu lẫn nhau những nét văn hóa, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, hay trao đổi những thông tin liên quan đến dịch bệnh, những khó khăn chung do dịch bệnh gây ra…qua đó thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa cộng đồng các dân tộc ở “Ngôi nhà chung”.

Trong thời gian dịch bệnh, Ban Quản lý luôn quan tâm, động viên, hỗ trợ đồng bào, thường xuyên cập nhật thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cung cấp cho đồng bào nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, tổ chức cho toàn thể đồng bào tham gia tiêm vắcxin phòng ngừa Covid-19, ngoài việc hỗ trợ chi phí sinh hoạt theo cơ chế 2 triệu đồng mỗi người một tháng, hàng tháng, Ban Quản lý hỗ trợ cho mỗi khu làng là 50kg gạo; tạo điều kiện để cho bà con tăng gia lao động sản xuất như trồng rau, chăn nuôi gia cầm để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày để bà con an tâm "bám" Làng.

Trong thời gian này, đồng bào luôn giành thời gian trau chuốt lại không gian cảnh quan của làng dân tộc mình, chuẩn bị tập luyện các tiết mục dân ca dân vũ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình,…để phục vụ và giới thiệu tới du khách khi dịch bệnh được kiểm soát và Làng mở cửa đón khách trở lại.

Hải Yến (ảnh tổng hợp)