Hội thảo chuyên đề Đa dạng và nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục giá trị văn hóa thông quan tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên tại Làng VHDL các DTVN 

(LVH) - Ngày 05/3/2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Đa dạng và nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục giá trị văn hóa thông qua tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam” với sự tham dự của nhiều chuyên gia nghiên cứu trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục,… nhằm trao đổi, góp ý, bổ sung làm phong phú hơn nội dung hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

 

Quang cảnh Hội thảo

Trong những năm gần đây, đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen của bối cảnh toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên định, giữ vững quan điểm theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014: “Phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hoá. Trong xây dựng văn hoá, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về kết hợp giữa Văn hóa - Giáo dục, hiện thực hóa tinh thần của Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ 2, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp đồng chủ trì với Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Văn hóa Việt Nam (VinITC) tổ chức Hội thảo.

Ban Chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo gồm có: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; Về phía Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban; Về phía Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Văn hóa Việt Nam có ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT; Ông Vũ Mạnh Quyền, Tổng Giám đốc; Ông Hoàng Tùng, Phó Tổng Giám đốc; Ông Nguyễn Thái Hà, Phó Tổng Giám đốc cùng các đồng chí đại diện các Cục, Vụ, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ VHTTDL; Lãnh đạo các Ban chuyên môn của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; các thầy cô, nhà khoa học Trường Đại học Khoa học, xã hội và Nhân văn và các chuyên gia đến từ những lĩnh vực nghiên cứu: Văn hoá, Giáo dục và các lĩnh vực liên đới với Văn hoá.

Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban BQL Làng VHDL các DTVN phát biểu tại Hội thảo

Theo đó, báo cáo đề dẫn tại Hội thảo liên quan đến các nội dung: Triển khai chương trình nghiên cứu chuyên biệt dành cho học sinh, sinh viên thông qua tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn cao đẹp của con người Việt Nam, đặc biệt là số đối tượng học sinh, sinh viên; Tăng cường công tác quản bá, tuyên truyền Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Tăng cường và cụ thể hóa mối liên kết thiết chế văn hóa nhà trường với mục tiêu: tiêu chuẩn hóa nội dung, tăng tần suất hoạt động giáo dục trải nghiệm, giáo dục ngoài nhà trường, các thiết chế văn hóa.

Phó Giáo sư,Tến sĩ Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số chủ đề chính: Sự phù hợp của hoạt động văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với hoạt động giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh, sinh viên; Đa dạng phương pháp học tập trong hoạt động giáo dục trải nghiệm, áp dụng các phương pháp hấp dẫn, sử dụng công nghệ, cập nhật xu thế quốc tế, các hoạt động đều có kết nối đến các giá trị văn hóa Việt Nam; Sự cần thiết của công tác thuyết minh, diễn giải và xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa cho học sinh, sinh viên thông qua hoạt động trải nghiệm tại không gian ngoài nhà trường; Quan điểm và nhu cầu của các trường phổ thông trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm (gắn với chủ đề văn hóa Việt Nam); Xây dựng chương trình hoạt động trải nghiệm nhằm triển khai mô hình phối hợp: Thiết chế Văn hóa - Nhà trường - Công ty Du lịch Văn hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Văn Nam phát biểu tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, ông Trịnh Ngọc Chung trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý, trao đổi thẳng thắn, chân thành, tâm huyết của các đại biểu, ông Trịnh Ngọc Chung cũng nhấn mạnh tính đa dạng và nội dung văn hóa phong phú trong các hoạt động văn hóa của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thể hiện tiềm năng ứng dụng, chuyển hóa thành các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa lấy hoạt động trải nghiệm làm trung tâm. Các tiêu chí để phân tích (dựa vào tiêu chí thiết kế chương trình hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nằm trong Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT gồm: Mục tiêu chương trình hoạt động trải nghiệm; Yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất; Nội dung học tập; Phương thức tổ chức; Loại hình hoạt động; Đánh giá kết quả học tập) và kết quả được thể hiện đều đạt ở mức hoàn toàn phù hợp, một số có tiềm năng đáp ứng và có khả năng nâng cấp thành các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa thông qua hoạt động trải nghiệm (và tích hợp liên môn). Từ đó kết luận Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là cơ sở lý tưởng để triển khai hoạt động giáo dục trải nghiệm về văn hóa Việt Nam theo quan điểm của Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT. Các hoạt động phong phú nói trên là tiền đề cho việc đánh giá kết quả giáo dục một cách hiệu quả. Học sinh sẽ nhận đươc đánh giá chuyên môn từ số lượng và chất lượng các sản phẩm hoàn thành được dựa vào nền tảng các hoạt động văn hóa đa dạng và có chiều sâu mà Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức.

Phạm Hương (Ảnh: Trần Nhật)