Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN:
Phê duyệt Đề án tổ chức dịch vụ và khai thác kinh doanh tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Theo đó, nội dung bản Đề án nêu rõ việc xác định phạm vi tổ chức, mục tiêu, nguyên tắc, hình thức khai thác các loại hình dịch vụ, kinh doanh và phương án, cách thức tổ chức thực hiện. Hai đơn vị: Ban Quản lý Khu các làng dân tộc và Văn phòng trực thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được giao là đầu mối để thực hiện.
 |
Chương trình nghệ thuật tại sân khấu nổi 19/4 trong Lễ khai trương Làng VHDL các DTVN, ngày 19/9/2010
|
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được khai trương từ 19/9/2010 và mở cửa đón khách tham quan. Sau gần 5 năm hoạt động, đến nay lượng khách tham quan chưa cao, mặc dù Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã nhiều lần làm việc với các công ty lữ hành về việc đưa khách tham quan lên với “Làng” nhưng do chưa có đủ các dịch vụ, lại chưa có nguồn thu nên toàn bộ chi phí huy động đồng bào về tham gia tổ chức các hoạt động tại “Làng” đều chi từ ngân sách nhà nước (NSNN) cấp hàng năm. Với nguồn NSNN có hạn nên các hoạt động tổ chức tại Khu các làng dân tộc phần nào còn hạn chế và chưa hấp dẫn du khách.
Trong khi đó, một số công trình được đầu tư bằng nguồn NSNN cần được khai thác để phát huy hiệu quả như: các nhà dịch vụ, khu chợ vùng cao, sân khấu, quảng trường,… các công trình này, nếu được khai thác sẽ không chỉ tạo nguồn thu mà còn được bảo dưỡng thường xuyên, nâng cao tuổi thọ công trình. Chính vì thế, căn cứ vào các văn bản quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý, căn cứ vào nghị định về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, cũng như căn cứ vào các thông tư hướng dẫn về pháp lệnh phí và lệ phí, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí tham quan, các quy định khác có liên quan và dựa trên tình hình thực tế đầu tư, khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc, Trưởng Ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phê duyệt Đề án tổ chức dịch vụ và khai thác kinh doanh với các nội dung: phạm vi, mục tiêu, nguyên tắc tổ chức dịch vụ và khai thác kinh doanh, danh mục và nội dung các loại hình dịch vụ, kinh doanh, phương án và cách thức tổ chức thực hiện.
.JPG) |
Quảng trường Khu các làng dân tộc II, Làng VHDL các DTVN
|
Theo Đề án, định hướng tập trung tổ chức dịch vụ và hoạt động kinh doanh dựa trên cơ sở khai thác lợi thế mang tính đặc thù, riêng có của “Làng”, kết hợp giữa việc khai thác các điều kiện hiện có để đáp ứng ngay các nhu cầu thiết yếu của du khách với việc đầu tư thêm để có các dịch vụ và các sản phẩm chất lượng cao, có chiều sâu, phù hợp với nội dung văn hóa dân tộc. Phạm vi tổ chức dịch vụ và khai thác kinh doanh được xác định trong toàn bộ Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với mục tiêu nhằm từng bước phục vụ nhu cầu của khách tham quan, tạo nguồn thu bổ sung cho NSNN, dựa trên nguyên tắc các hoạt động tổ chức dịch vụ và kinh doanh phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và phù hợp với Quy hoạch chung, Quy hoạch chi tiết, tuân thủ các quy định của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng nguồn thu, đảm bảo công khai, minh bạch. Đặc biệt, các phương án tổ chức đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng tới các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, hoạt động phù hợp với tính chất, không gian kiến trúc, cảnh quan chung của “Làng”.
Các hình thức khai thác kinh doanh về cơ bản gồm có: 1- Các hoạt động do Ban Quản lý “Làng” tự thực hiện như: bán vé tham quan, khai thác dịch vụ tại một số công trình đã xây dựng như Nhà công vụ, Khu chợ phiên, Quảng trường Khu các làng dân tộc, Sân khấu nổi 19/4, Lầu Vọng cảnh, Nhà dịch vụ Làng III, Đảo Thông, trông giữ phương tiện…; 2- Các hoạt động khai thác kinh doanh một số địa điểm công trình để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan như: cho thuê một số công trình dịch vụ, nhà hàng… có quy mô nhỏ đã được đầu tư để tổ chức các dịch vụ ăn, nghỉ, đáp ứng nhu cầu của du khách; cho khai thác tận thu diện tích đất hiện chưa sử dụng tại các khu chức năng để các nhà đầu tư tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp; kinh doanh hoạt động vận chuyển trong “Làng” như xe điện, xe đạp, xe ngựa…
 |
Sân khấu nổi 19/4, Làng VHDL các DTVN. Ảnh: Hoàng Lan
|
Về phương án bán vé tham quan “Làng” được thực hiện theo Thông tư số 64/2014/TT-BTC ngày 19/5/2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan tại “Làng”. Dự kiến, việc bán vé bắt đầu thực hiện trong Quý III, Quý IV năm 2015.
Việc khai thác các địa điểm có sẵn cũng như cho thuê địa điểm để các chủ đầu tư kinh doanh các dịch vụ ăn, nghỉ, đáp ứng nhu cầu của du khách cũng được xác định rõ. Đặc biệt, việc cho thuê địa điểm để các chủ đầu tư kinh doanh sẽ được thực hiện theo phương án tổ chức một số nhà hàng (khoảng 05 nhà hàng) phục vụ ăn, uống với quy mô trung bình (dưới 300 người) và khoảng 15 không gian bán các loại đồ uống, cà phê, đồ ăn nhanh và bán đồ lưu niệm. Ngoài ra, việc kinh doanh trên cơ sở khai thác tận thu tại một số địa điểm đang trong thời gian chờ các dự án đầu tư theo Quy hoạch chung đã được phê duyệt như: khu vực đảo Vải, khu vực từ Mốc 1-Mốc 10 và một số vị trí khác được thực hiện theo phương án cho khoán khai thác kinh doanh, chủ đầu tư xây dựng phương án kinh doanh, tự bỏ vốn đầu tư sau khi phương án kinh doanh được Ban Quản lý chấp thuận, thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước và đúng quy định của pháp luật...
 |
Nhà dịch vụ Làng III, Làng VHDL các DTVN
|
Để tổ chức thực hiện dịch vụ và khai thác kinh doanh tại “Làng”, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giao cho hai đơn vị: Ban Quản lý Khu các làng dân tộc và Văn phòng là đầu mối thực hiện. Theo đó, Ban Quản lý Khu các làng dân tộc thực hiện các hoạt động khai thác kinh doanh phát sinh trong diện tích đất thuộc Khu các làng dân tộc và Văn phòng thực hiện các hoạt động khai thác kinh doanh phát sinh ngoài diện tích đất thuộc Khu các làng dân tộc, bao gồm cả diện tích mặt nước hồ Đồng Mô. Về lâu dài, Ban Quản lý sẽ xây dựng Đề án tổng thể khai thác kinh doanh trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt thành lập Trung tâm Khai thác kinh doanh Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trực thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tổ chức thực hiện.
 |
Quang cảnh không gian một số làng dân tộc tại Làng VHDL các DTVN từ góc nhìn trên cao
|
Hoàng Huyền