Tổng kết mô hình Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Hội nghị diễn ra vào sáng 11/1/2017 tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (số 51 -53 Ngô Quyền, Hà Nội). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì.
 |
Toàn cảnh Hội nghị
|
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc; Lê Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế; Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra; Hoàng Hữu Chính, Phó Chánh Văn phòng; Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức, Vụ Tổ chức Cán bộ; Phan Linh Chi, Vụ Kế hoach - Tài Chính cùng với Ban Lãnh đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Trưởng, Phó các đơn vị trực thuộc và đại diện 1 số cơ quan báo chí.
Tại Hội nghị, đồng chí Lâm Văn Khang, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã báo cáo tóm tắt Tổng kết mô hình Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
 |
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại hội nghị
|
Báo cáo đã chỉ rõ những vấn đề về: Sự cần thiết tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động mô hình làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Kết quả đầu tư phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giai đoạn 1997-2016; Kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 5 năm (2017-2021).
Theo đó, Ban Quản lý đã thực hiện dự án đúng mục tiêu đầu tư, bước đầu khai thác, vận hành có hiệu quả Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Các hoạt động đều hướng đến việc hình thành một "trung tâm hoạt động văn hoá mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân trong nước và khách quốc tế; đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ. Thông qua các hoạt động văn hoá, nghệ thuật có nội dung, hình thức phong phú, năng động, đa dạng, hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân tộc, tiến hành việc giáo dục tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, nâng cao dân trí và hoàn thiện con người theo hướng chân, thiện, mỹ..." như trong Quyết định 667/QĐ-TTg ngày 21/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
 |
Đồng chí Lâm Văn Khang báo cáo tổng kết mô hình Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
|
Về công tác tiếp nhận đất đai, đền bù và giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý đã thực hiện hoàn thành cơ bản diện tích đất được giao (đạt 99%). Ngày 19/9/2010, Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam đã Khai trương, chính thức mở cửa đón khách. Đây cũng là hoạt động mở đầu cho các hoạt động quản lý, khai thác, vận hành Làng.
Ban Quản lý đã phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành liên quan tổ chức hàng loạt các sự kiện văn hóa có ý nghĩa chính trị - xã hôi sâu sắc, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Thông qua các sự kiện này, đã giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Về công tác khai thác, vận hành sau Khai trương, Ban Quản lý đã huy động đồng bào các dân tộc về tham gia các hoạt động nhằm góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Thực hiện chủ trương "để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình", hàng năm BQL đã phối hợp với các địa phương trong cả nước huy động theo hình thức luân phiên, đón hàng nghìn lượt đồng bào các dân tộc về tham gia hoạt động tại đây. Đồng bào các dân tộc đã tổ chức hoạt động đời sống, tái hiện các lễ hội, trình diễn các nghề thủ công truyền thống... thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, từ năm 2015, các cộng đồng dân tộc đã về hoạt động thường xuyên tại đây và đã đem lại sức sống và là linh hồn của Khu các làng dân tộc.
Những năm gần đây, lượng khách tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng tăng, riêng trong năm 2016 đã đón hơn 500.000 lượt khách, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Ngày 25/12/2016 chính thức thu phí tham quan Làng là bước ngoặt lớn, mở ra một hướng mới trong sự phát triển và là động lực thúc đẩy hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa hoạt động, từng bước hướng tới sự chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động của Ban Quản lý.
Hiện nay đã có khoảng 20 công ty lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch đến Làng, như các công ty: IDP Travel, Newstarlight Travel, Tre Việt, Đông Nam Á, Du lịch đẳng cấp Việt, Du lịch trung tâm Việt, Du lịch Thiên đường nhiệt đới, Du lịch Tân Việt…
Về Kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2020: Vận hành khai khác ổn định Khu các làng dân tộc, thu hút các dự án đầu tư vào 2 khu chức năng (Trung tâm hoạt động văn hóa và vui chơi giải trí; Khu Dịch vụ du lịch tổng hợp). Thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) bao gồm cả hình thức đầu tư BOT, BT, BTO, BTL, O& M. Đến năm 2020, phấn đấu đưa Làng trở thành điểm đến du lịch thu hút đông đảo khách tham quan với 0,8-1,0 triệu khách tham quan/năm.
Trong đề xuất, kiến nghị, báo cáo đưa ra: Bộ VHTTDL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng mô hình Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2020
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến cho phần báo cáo Tổng kết mô hình Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đa số các đại biểu đều nhất trí việc duy trì ổn định mô hình này.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cảm ơn các đại biểu đã góp ý thẳng thắn và chân thành. Theo Thứ trưởng, đây là mô hình khu kinh tế - văn hóa đặc thù, chưa có tiền lệ, trong đó văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu. Vì vậy trong quá trình xây dựng, hoạt động, cần nghiên cứu kỹ và tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện và phát triển. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi kết nối cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, vừa thúc đẩy tình đoàn kết dân tộc, vừa tuyên truyền và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Mô hình Làng Văn hóa cần được tiếp tục được duy trì để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan.
Thu Loan