Trải nghiệm làm bánh sừng trâu của đồng bào dân tộc Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên Huế

(LVH) - Tiếp tục giới thiệu hoạt động trải nghiệm văn hoá truyền thống với chủ đề “Mỗi làng một sản phẩm” trong hoạt động tháng 7 “Làng với tuổi thơ”, cuối tuần vừa qua, tại làng dân tộc Cơ Tu, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam du khách và các em thiếu nhi đã được tham gia trải nghiệm làm bánh sừng trâu do chính đồng bào dân tộc Cơ Tu, tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu, hướng dẫn.

Tại không gian làng Cơ Tu, đồng bào Cơ Tu đã giới thiệu về tên gọi, nguyên liệu, ý nghĩa của bánh sừng trâu và hướng dẫn cách gói, cách buộc và luộc bánh.

Ngoài tên phổ biến là bánh sừng trâu, người Cơ Tu gọi bánh này là Avị Acuốt hoặc C’cót, bánh đót...Bánh sừng trâu được làm từ loại gạo nếp nương có tên proong, thơm dẻo, vị béo bùi và gói bằng lá đót.

Nhiều đoàn khách đã tới tham quan và tham gia trải nghiệm làm bánh sừng trâu cùng đồng bào Cơ Tu tại không gian làng dân tộc Cơ Tu

Đồng bào Cơ Tu đã hướng dẫn các em thiếu nhi cũng như du khách cách gói bánh sừng trâu chỉ cần khum chiếc lá đót theo hình sừng trâu, đổ gạo vào và khéo léo uốn đầu bánh còn lại thành đầu nhọn, rồi dùng lạt buộc lại là đã xong phần gói bánh. Hai chiếc bánh sừng trâu sẽ buộc lại thành cặp, sau đó đem ngâm trong nước lạnh khoảng hai giờ đồng hồ cho gạo nếp ngấm nước, mềm hơn, bánh sừng trâu không cần phải ngâm gạo trước khi gói và không cần nhân bánh.

Các em thiếu nhi hào hứng tham gia gói bánh sừng trâu dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân dân tộc Cơ Tu

Không chỉ biết cách gói bánh sừng trâu, mà qua đó du khách và các em thiếu nhi còn biết thêm về ý nghĩa của bánh sừng trâu, với người Cơ Tu, bánh sừng trâu không chỉ đơn thuần là loại bánh ăn chơi ngày thường, mà còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn, luôn có trong các dịp lễ tết quan trọng. Trong nhà, dù giàu nghèo thế nào, mâm lễ cúng dâng lên Giàng, các vị thần và ông bà, tổ tiên mỗi dịp lễ tết của đồng bào đều phải có bánh sừng trâu. Bánh sừng trâu cũng được đồng bào dùng để mở hội mừng lúa mới, đám cưới, đám hỏi, đãi khách, khi đi xa.

Các em vui mừng khoe thành quả

Vì bảo quản được lâu, nhiều gia đình người Cơ Tu cũng làm bánh sừng trâu để mang lên nương rẫy, quà cho trẻ con trong nhà hay gói làm thức ăn cho con mang đi học. Khi đó, món bánh có thể chỉ cần thêm chút muối tiêu rừng ăn kèm để thêm vị đậm đà.

Bánh sừng trâu sau khi đã luộc, khi ăn chấm cùng một chút muối rừng sẽ đậm đà hương vị

Hoạt động đã tạo sự thích thú cho các em thiếu nhi khi được tự làm những chiếc bánh và thưởng thức hương vị của món bánh, đem đến chuyến đi ý nghĩa cho các em, qua đó bồi đắp thêm cho các em nét văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến (Ảnh: KCLDT)