Sẽ tổ chức các hoạt động tháng 10 với chủ đề “Hương sắc miền Tây" khi Làng mở cửa trở lại

(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 10 được tổ chức từ ngày 01 - 31/10/2021 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc cụm làng IV và cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc thu hút khách du lịch đến các Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Du khách có thể tham dự, trải nghiệm, hòa vào nét văn hóa, cảnh quan thiên nhiên Nam Bộ qua đó hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào từ đó tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, phát triển.

Tiếp tục các công tác về việc phòng, chống dịch Covid - 19 quy mô các hoạt động tháng 10/2021 được xác định theo các phương án như sau:

- Phương án 1: Các hoạt động với quy mô phù hợp tình hình dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp chưa được kiểm soát
Nếu trong tháng 10 trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí: Các hoạt động thực hiện theo quy mô tập trung cho các hoạt động hàng ngày.

- Phương án 2: Các hoạt động tăng cường, đầy đủ như Kế hoạch khi dịch Covid - 19 được kiểm soát và văn bản cho phép của cấp có thẩm quyền
Nếu đến thời điểm tháng 10 có thông báo dịch Covid - 19 được kiểm soát và văn bản cho phép tổ chức các hoạt động của cấp có thẩm quyền thì thực hiện đầy đủ các nội dung hoạt động theo Kế hoạch.
Các hoạt động tháng 10 với sự tham gia của khoảng gần 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hàng ngày của các nhóm cộng đồng dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Ba Vì, Hà Nội); Mông (Hà Giang); Khơ Mú (Nghệ An); Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). 

A. NHÓM HOẠT ĐỘNG VỚI QUY MÔ KHI DỊCH COVID - 19 CHƯA ĐƯỢC KIỂM SOÁT

1. Hoạt động tháng 10 với chủ đề “Hương sắc miền Tây”

Hoạt động hàng ngày

Đồng bào các dân tộc thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid - 19 và tiếp tục cập nhật các văn bản của cấp có thẩm quyền để điều chỉnh các nội dung hoạt động phù hợp với điều kiện, an toàn phòng chống dịch:
+ Tái hiện cuộc sống hàng ngày tăng cường các hoạt động giới thiệu về văn hóa truyền thống, các hoạt động trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của các nhóm đoàn, phục vụ du khách tham quan tuyến điểm khi mở cửa trở lại, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid -19.
+ Tạo không gian, nội dung hoạt động gắn liền với những trải nghiệm gần gũi, thân thiện, tương tác giữa du khách và chủ thể trong các điều kiện vừa thụ hưởng giá trị truyền thống vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid -19 chăm lo sức khỏe của đồng bào các dân tộc và du khách.
+ Giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc.
+ Thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc…
+ Phục vụ du khách tham quan tuyến điểm.
+ Trò chơi dân gian: Nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ...

2. Điểm nhấn trọng tâm các hoạt động của nhóm đồng bào

* Tái hiện cuộc sống hàng ngày của nhóm dân tộc Khmer

- Hoạt động dân ca dân vũ: các làn điệu hát lâm thôn, hát múa Rom vông, xa za van, lâm lêu, trình diễn nghệ thuật Rô băm.
- Giới thiệu về nghệ thuật truyền thống Rô băm, nghi thức cúng Tổ nghề và trình diễn nghệ thuật truyền thống Rô băm như vở nàng Sê Đa, chàng Prem và khỉ Krongzep.
- Thao tác trình diễn các hoạt động đan lát, chế tạo trang phục sân khấu như các loại mũ dành cho các nhân vật kịch trong nghệ thuật Rô băm.
* Hoạt động tại chùa Khmer
- Trang trí không khí đón Tết ông bà tổ tiên theo truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ để mỗi người tới chùa Khmer có cảm giác mình được đặt chân tới ngôi chùa miền Tây, trải nghiệm nét văn hóa tâm linh tại miền Tây Nam Bộ.
- Các sư Nam Tông nói về vị trí ngôi chùa Khmer trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer, các lễ hội gắn với hoạt động phật sự tại ngôi chùa…
- Giới thiệu về ngôi chùa Khmer duy nhất giữa lòng thủ đô Hà Nội với những nét kiến trúc văn hóa độc đáo, tìm hiểu về cuộc đời đức Phật qua các bức tranh, phù điêu…về nghệ thuật điêu khắc độc đáo, tài hoa của người nghệ sĩ Khmer.

* Các làng đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng

- Đề cao các hoạt động trải nghiệm kết nối giữa nhóm đồng bào và du khách, các nhóm phát huy thế mạnh của mình theo cụm đồng bào gần nhau theo hướng tương hỗ.
- Tăng cường bổ trợ cho các hoạt động theo Hướng dẫn số 18/HD-KCLDT gắn thế mạnh của đồng bào phù hợp với tính vùng miền, tuyến điểm và đặc trưng văn hóa của nhóm theo địa phương.
- Các làng tăng cường các hoạt động trải nghiệm để giới thiệu tới du khách; Tăng cường màu xanh của bản làng, buôn sóc và sắp xếp không gian thoáng mát tạo cảm giác dễ chịu cho du khách.
- Điểm nhấn của các dân tộc với các trò chơi dân gian truyền thống, biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng: Thổi Đing Năm, hát ay ray, thực hành, trải nghiệm các nhạc cụ bộ gõ từ tre nứa, đàn Tính hát Then, hát những ca khúc về Tây Nguyên, âm hưởng của cồng chiêng Tây Nguyên tại Làng…
- Tăng cường hoạt động giới thiệu, truyền dạy về nhạc cụ truyền thống của các nhóm đồng bào dân tộc.
- Đẩy mạnh phong trào “Làng bản xanh - sạch - đẹp” tại mỗi bản làng của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày, tạo ra mỗi làng là một sản phẩm trải nghiệm đặc thù mang giá trị truyền thống văn hóa của nhóm đồng bào đó.
- Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ...
- Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao…của dân tộc Ê Đê; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi…của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Thái, các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam…
* Đối với các nhóm đồng bào có thế mạnh về dân ca dân vũ: Giới thiệu dân ca dân vũ, diễn xướng dân gian của các dân tộc như hát ví, hát Then, hát Sli, điệu múa chuông, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, loại hình kịch Rô băm, các điệu múa Rom vông, lâm lêu, xa ra van…nhưng không tập trung đông người thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19.

* Đối với các nhóm đồng bào có thế mạnh về nghề thủ công truyền thống: Tăng cường đến du khách các nghề thủ công truyền thống từ thao tác chọn nguyên liệu, các khâu hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu cho du khách cách thực hiện, cùng tham gia các công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Hình thành các sản phẩm đa dạng, có tính ứng dụng cao. Tăng tính chủ động, linh hoạt của các nghệ nhân đồng bào trong cách tiếp cận tương tác với du khách, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19.

* Đối với các làng có cảnh quan đẹp, phong trào lao động sản xuất được phát huy: Hướng tới các sản phẩm rau củ quả, không gian mỗi làng đều có các sản phẩm rau sạch, đẹp để phục vụ cho đời sống hàng ngày cũng như giới thiệu cho du khách.

B. NHÓM CÁC HOẠT ĐỘNG THEO PHƯƠNG ÁN 2 KHI DỊCH COVID - 19 ĐƯỢC KIỂM SOÁT VÀ VĂN BẢN CHO PHÉP CỦA CẤP CÓ THẨM QUYỀN

1. Tái hiện Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng theo truyền thống

Lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian cũng như Vu Lan báo hiếu của đồng bào Kinh, đồng bào Khmer Nam bộ cũng có chung nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống đó, ngày lễ Sen Dolta - lễ cúng ông bà tổ tiên ghi ơn sinh thành nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ, là một trong những lễ lớn trong năm, Sen Dolta dịch ra có nghĩa là “cúng ông bà”.

2. Không gian điểm nhấn “Hương sắc miền Tây” qua nét văn hóa đặc trưng Khmer Nam Bộ

2.1. Giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng dân tộc Khmer tại Làng

Người Khmer vừa là thành viên của phum sóc, vừa là tín đồ của Phật giáo tiểu thừa bên cạnh sự quản lý của bộ máy phum sóc họ còn chịu sự quản lý của hệ thống tổ chức nhà chùa. Cơ chế quản lý xã hội của người Khmer là sự kết hợp giữa tổ chức tự quản cộng đồng với sự tham gia của bộ máy quản lý của Phật giáo tiểu thừa. Đối với đồng bào dân tộc Khmer thì ngôi chùa có một vai trò vô cùng ý nghĩa trong các hoạt động của bà con dân tộc Khmer với các giá trị về kiến trúc, điêu khắc, hội họa đã thể hiện hài hòa kết tinh truyền thống và sáng tạo của người Khmer. Các giá trị tâm linh của mỗi ngôi chùa đã ăn sâu vào mạch nguồn, cốt cách của người dân Việt Nam Khmer Nam Bộ và sự kết nối văn hóa từ ngôi làng người Khmer đến quần thể chùa Khmer đã tạo nên một xã hội Khmer đặc tính riêng so với nhiều dân tộc khác và những nét văn hóa đặc trưng riêng. Với ý nghĩa đó tại “Ngôi nhà chung” chủ thể văn hóa đồng bào dân tộc Khẻm tái hiện một số hoạt động như giới thiệu trang phục dân tộc, nhạc cụ, các thể loại biểu diễn nghệ thuật truyền thống của đồng bào nhằm giới thiệu “hương sắc miền Tây” qua nét văn hóa Khmer Nam Bộ.
- Tái hiện không gian điểm nhấn tại bãi cỏ cạnh chùa Khmer với những hình ảnh gợi nhờ và gắn kết với văn hóa Khmer, miền Tây như thuyền hoa, cầu khỉ…giới thiệu những điệu múa đã trở thành cảm hứng cho rất nhiều ca khúc về quê hương miền Tây, các loại hình nghệ thuật Rô băm - một loại hình sân khấu kịch truyền thống.
- Giới thiệu ẩm thực Khmer Nam bộ qua món bánh xèo, bánh Tét…
- Mời khoảng 10 nghệ sĩ, diễn viên nhà hát Cải lương Việt Nam hỗ trợ giới thiệu sắc màu văn hóa miền Tây sông nước qua nghệ thuật Đờn ca tài tử.

2.2. Giới thiệu bộ ảnh “Hương sắc miền Tây”

Giới thiệu bộ ảnh khoảng 50 bức ảnh đẹp về chợ nổi Nam Bộ, những vườn trái cây sum xuê, trĩu quả, những dòng sông chở nặng phù sa, ắp đầy tôm cá, những cánh đồng thẳng cánh cò bay yên bình của miền Tây sông nước, những bông sen phủ hồng cả đồng - Đồng Tháp Mười; các lễ hội đặc trưng miền Tây sông nước, những ngôi chùa Khmer đầy màu sắc, những cô gái miền Tây xinh đẹp, đảm đang, dịu dàng bình dị trong chiếc khăn rằn.

3. Chương trình biểu diễn “Ân tình miền Tây” của Nhà hát Cải lương Việt Nam

- Tổ chức chương trình văn nghệ, Đờn ca tài tử, dân ca Nam bộ, các ca khúc về miền Tây do các nghệ sĩ nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn.
- Huy động khoảng 10 nghệ sĩ, diễn viên nhà hát Cải lương Việt Nam.

4. Tái hiện Lễ cúng cơm mới (Chôm kháu mớ) của đồng bào dân tộc Thái

Đây là nét văn hóa độc đáo rất riêng và cũng là một trong những lễ hội lớn của bà con dân bản với ước mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Lễ hội với nguyên vẻ đơn sơ, hồn hậu không thể lẫn với bất cứ nơi nào.
Hội mừng cơm mới không chỉ có nghi thức cúng lễ, mà còn là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Lễ hội mừng cơm mới được người Thái coi trọng và gìn giữ từ này sang đời khác bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang tính nhân văn sâu sắc. Đồng thời, đây cũng là dịp để anh em trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn và thắt chặt thêm tình đoàn kết bản làng hướng về một cuộc sống đủ đầy.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chương trình tổng thể

Thời gian

Nội dung hoạt động

Địa điểm

Hoạt động của các cộng đồng dân tộc hàng ngày tại Làng

Từ 01/10/2021 đến 31/10/2021

Hoạt động hàng ngày: Tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của các làng dân tộc với qui mô phù hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 trong tình hình mới.

Tại không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer.

Dịp cuối tuần (02,03; 09,10; 16,17; 23,24; 30,31)

 (các thứ Bảy, Chủ Nhật).

Đồng bào các dân tộc tại Làng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác, kết nối cùng du khách theo chủ đề “Hương sắc miền Tây”:

- Trải nghiệm nét văn hóa miền Tây Nam Bộ qua nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer, chùa Khmer.

- Trải nghiệm các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào cùng với các chủ thể văn hóa tại Làng.

- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, xôi màu, khau nhục, cá om măng chua, thịt gác bếp, măng nhồi…

 - Chương trình dân ca, dân vũ: Các tiết mục văn nghệ, các loại hình văn nghệ, diễn xướng dân gian truyền thống, di sản văn hóa của cộng đồng...

- Các trò chơi dân gian: đánh mảng, ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo, nhảy bao bố, đánh quay, tu lu, bập bênh ...

- Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công...

- Trải nghiệm các không gian lao động sản xuất mang tính đặc thù tại các làng dân tôc.

- Chương trình du lịch theo các gói sản phẩm du lịch an toàn.

“Các hoạt động đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID - 19 trong tình hình mới)

Tại không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer.

(không gian làng Khmer, chùa Khmer là điểm nhấn)

CÁC HOẠT ĐỘNG
(Khi dịch Covid - 19 được kiểm soát và có văn bản thông báo của các cấp có thẩm quyền)

Ngày 10/10/2021 (thứ Bảy)

09h00 - 10h00

Tái hiện Lễ Sen Đolta của đồng bào Khmer, tỉnh Sóc Trăng

Không gian làng Khmer, chùa Khmer, Khu các làng dân tộc III

Ngày 30/10/2021 (thứ Bảy)

09h00 - 10h00 và

14h30 - 16h00

Chương trình biểu diễn “Ân tình miền Tây” của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam

Khu vực bãi cỏ chùa Khmer, khu các làng dân tộc III

Ngày 31/10/2021 (Chủ Nhật)

09h00 - 10h00

Chương trình biểu diễn “Ân tình miền Tây” của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam

Khu vực bãi cỏ chùa Khmer, khu các làng dân tộc III

09h30 - 10h30

Tái hiện Lễ cúng cơm mới (Chôm kháu mớ) của đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Sơn La

Không gian làng dân tộc Thái, khu các làng dân tộc I.

14h30 - 16h00

Chương trình biểu diễn “Ân tình miền Tây” của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam

Khu vực bãi cỏ chùa Khmer, khu các làng dân tộc III

Các ngày 16,17; 30,31/10/2021 (thứ Bảy, Chủ Nhật)

09h00 - 10h00 và

14h30 - 16h00

Giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer tại Làng.

Khu vực bãi cỏ chùa Khmer, khu các làng dân tộc III

Phạm Hương