Giới thiệu nghệ thuật Bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tỉnh Phú Yên

(LVH) - Trong các ngày 19, 20/11, tại không gian Quảng trường Đại đoàn kết, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đoàn nghệ nhân tỉnh Phú Yên về tham gia sự kiện Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” năm 2022 đã giới thiệu nghệ thuật Bài chòi - loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Nếu như miền Bắc nổi tiếng với các loại hình nghệ thuật như ca trù, quan họ, chầu văn, hát sẩm. Miền Nam được biết đến với đàn ca tài tử, với những câu hò, điệu lý. Thì miền Trung tiêu biểu và phổ biến nhất chính là Nghệ thuật Bài Chòi. Và Phú Yên vinh dự là 1 trong 9 tỉnh, thành khu vực Trung Bộ Việt Nam đang thực hành và giữ gìn Nghệ thuật Bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014.  

Bài chòi được biết đến là một trong những loại hình nghệ thuật giải trí đặc trưng của dân gian của vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt là ở Phú Yên. Đây là loại hình nghệ thuật thú vị bao gồm: thơ, ca nhạc, hát, diễn xướng rất đỗi sinh động và vui nhộn. Ban đầu loại hình giải trí này đơn giản được dùng để truyền tin, dần về sau mọi người bắt đầu cải tiếng biến bài chòi thành loại hình giải trí cho dân lao động. Đặc biệt, qua quãng thời gian sau khi hầu hết mọi người đã dần biết đến cách chơi và cách hò, hát chòi này, thì những cuộc chơi nhỏ dần trở thành những lễ hội lớn của đất nước. Từ đó, bài chòi trở thành một loại hình văn hoá đặc thù và là niềm tự hào của miền Nam Trung Bộ nói chúng và người dân Phú Yên nói riêng.

Với người dân Phú Yên, Bài chòi đã thấm sâu vào trong tâm thức và gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây. Hội đánh bài chòi Phú Yên thường diễn ra trong mấy ngày tết, bắt đầu từ ngày mồng Một và chấm dứt vào ngày mồng Bảy hạ niêu. Đây là khoảng thời gian bắt đầu một năm mới với nhiều ước mơ và hy vọng trong công việc làm ăn cho suốt một năm tiếp theo của người lao động nông thôn. Nhưng trước đó, có khi từ ngày 25 tháng Chạp, bà con nhân dân trong làng chuẩn bị vật liệu và nhân lực dựng chòi.

Tuy nhiên, do đặc tính của hội đánh bài chòi không phụ thuộc vào thời vụ nên tổ chức lúc nào cũng được. Người Phú Yên tổ chức hội đánh bài chòi trong dịp Tết như một nét văn hóa bản xứ độc đáo, tạo dấu ấn riêng của vùng đất và con người xứ nẫu. Trong cuộc chơi, người thắng hay người thua đều được cười thỏa thích. Đó chính đó là phần thưởng tinh thần vô giá cho những ai tham gia vào hội đánh Bài Chòi.

Về tham gia sự kiện Đoàn Phú Yên mô phỏng 9 chòi gồm 8 chòi được tính theo Bát quái (Khảm, Chấn, Ly, Đoài, Cấn, Tốn, Khôn, Càn) và một chòi trung tâm.

Phần lễ là các nghi thức của người lớn tuổi trong hội bài chòi, khấn xin khai hội. Gồm có: 8 Mô hình Chòi nhỏ, 1 Mô hình chòi trung, 1 Bàn hương tế, 9 cờ lớn ngũ sắc vuông, 11 thẻ bài chòi lớn, 8 đạo cụ múa quạt hình bài chòi, đế trụ gắn thẻ bài chòi, 4 ống thẻ đựng thẻ bài chòi và cờ ngũ sắc, 1 Chân đế móc ống thẻ.

Đại diện một bậc cao niên trong làng, mặc áo dài đen khăn đóng đen, đi guốc gỗ thực hiện nghi thức Khai hội Bài chòi cùng đội Hô hát Bài chòi gồm: Hiệu chính, hiệu phụ, 2 người chạy hiệu, 1 người phụ hát hô, bưng khay có trầu cau, bầu rượu, ống thẻ, cờ ngũ sắc….xếp thành hàng ngang, nghiêm trang.

Hát nói:
Hôm nay ngày xuân Tết đến
Qua một năm mưa thuận gió hòa
Dân làng ta vui Hội đánh Bài chòi
Xin khấn vái đất trời
Xin Thần nông, Thổ địa
Xin các vị Thành Hoàng
Che chở cho dân làng
Hạnh phúc an khang
Đời đời luôn no ấm
Xin được phép! Mở hội Bài chòi.

Tiếp đó một hồi trống chầu dài và tấu một đoạn nhạc lễ hội. Đội hô Bài chòi tiến lại sàn tre - nhà Hội, cúi đầu chào các bậc cao niên trong làng, sau đó quay mặt lại đi đến chòi trung cúi đầu chào.

Sau phần lễ đến phần hội với các tiết mục biểu diễn loại hình văn hóa dân gian độc đáo của Phú Yên giới thiệu về hội đánh bài chòi, hô bài chòi, bát bổng, xuân nữ, tam quan, hò quảng, cổ bàn... Đây là dịp để người dân cùng thưởng thức vui chơi, cũng là dịp để du khách có cơ hội đươc tìm hiểu thêm về một nét văn hóa đặc sắc của Phú Yên. 

Phạm Hương (Ảnh Thu Lê)