Khai mạc các hoạt động Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I
(LVH) - Sáng 18/11, tại Sân Lễ hội làng III, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra Lễ Khai mạc các hoạt động Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I. Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022.

Các đại biểu tham dự Khai mạc Liên hoan
Liên hoan với chủ đề "Sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển”. Liên hoan có sự tham gia của 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng đến từ 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL phát biểu Khai mạc
Tham dự Lễ Khai mạc có Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Tổ chức; Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban BQL Làng VHDL các DTVN, Phó Trưởng ban Thường trực BanTổ chức; Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL; Các đồng chí đại diện các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Các đồng chí lãnh đạo Sở VHTTDL các địa phương có đồng bào tham gia hoạt động; Cộng đồng các dân tộc tham gia sự kiện cùng đông đảo du khách, các phóng viên báo chí truyền thông.

Đồng bào các dân tộc tham dự Khai mạc Liên hoan
Phát biểu Khai mạc, bà Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh: Liên hoan là dịp để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị trang phục và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam, khơi dậy khát vọng, lòng tự hào về các di sản văn hóa quý báu của mỗi dân tộc. Tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Liên hoan cũng nhằm mục đích cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số. Tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc khu vực phía Bắc trong nền văn hoá đa dạng mà thống nhất của cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam.

Các đại biểu cắt băng Khai mạc Liên hoan
Trong khuôn khổ Liên hoan có nhiều hoạt động như: Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; Không gian Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và Trình diễn thêu, dệt thủ công trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc; Triển lãm trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc; Trưng bày, triển lãm ảnh về trang phục các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc; Tổ chức tái hiện không gian Chợ phiên khu vực miền núi phía Bắc; Hội nghị “Gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc”; Hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
Sau Lễ khai mạc, Liên hoan chính thức hoạt động từ ngày 18/11 đến hết ngày 20/11. Đây là cơ hội quý báu cho du khách khi đến tham quan Làng trong dịp này sẽ được tìm hiểu các trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc, đồng thời chung tay góp phần gìn giữ những giá trị tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh Trình diễn trang phục ngày thường, lễ hội, lễ cưới của 6 đoàn tham gia Liên hoan trong ngày 18/11:

Các thiếu nữ người Hà Nhì đen ở Lào Cai diện trang phục truyền thống được làm bởi vải dệt bằng sợi bông và nhuộm màu chàm đen. Nếu như khăn đội đầu nổi bật với bộ tóc giả đồ sộ thì chiếc áo của nữ nhân Hà Nhì đen được khâu thêu những hình hoa văn màu xanh, trắng nổi bật. Cổ áo là phần dễ được chú ý nên thường được khâu ghép vải bằng một dải màu khác. Bên cạnh đó, phụ nữ Hà Nhì đen còn mặc thêm yếm. Yếm càng đẹp càng thể hiện sự tinh xảo, khéo léo của người tạo nên nó, tạo duyên dáng cho người mặc - Ảnh: HÀ QUÂN

Một thiếu nữ trẻ người dân tộc Lào khoác lên mình bộ trang phục truyền thống do phụ nữ Lào tự thu bông, kéo tằm, nhuộm vải, dệt và tự thêu hoa văn theo hoa tay của mình. Để hoàn thành một bộ trang phục gồm váy, áo, khăn trước ngực, khăn đội đầu phải mất ít nhất hai tháng vì làm thủ công hoàn toàn - Ảnh: HÀ QUÂN

Bạn Nguyễn Thị Minh Ánh mang đến cho du khách bộ trang phục của thiếu nữ dân tộc Mảng (Lai Châu) - Ảnh: HÀ QUÂN

Nam thanh nữ tú người Mông xanh ở Lào Cai diện trang phục truyền thống đầy sắc màu khoe sắc với đất trời. Những gia đình nào có điều kiện kinh tế sẽ đeo 2-3 chiếc vòng bạc trên cổ để khẳng định sự giàu có. Trang phục của người Mông xanh được thiết kế từ vải lanh. Phụ nữ Mông tự trồng lanh, dệt vải, nhuộm chàm rồi thêu, may bằng tay. Đặc biệt, phụ nữ Mông xanh còn có chiếc xà cạp quấn chân để giữ ấm cũng như bảo vệ khỏi cỏ sắc khi làm nương, tránh muỗi và vắt rừng - Ảnh: HÀ QUÂN

Thiếu nữ các dân tộc tham dự Liên hoan
Phạm Hương