Chương trình giao lưu “Sáng mãi tên anh” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Sáng ngày 26/7/2015, chương trình giao lưu với chủ đề “Sáng mãi tên anh”, gặp gỡ chứng nhân lịch sử, tri ân các thế hệ anh hùng, liệt sĩ đã diễn ra tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), thể hiện truyền thống tốt đẹp, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” tri ân công lao lớp lớp thế hệ cha anh đã dâng hiến tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do, vì Tổ quốc, Dân tộc.

|
Quang cảnh chương trình giao lưu
|
Chương trình được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2015), do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức với sự tham gia của các Anh hùng lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân Việt Nam: Đại tá, AHLLVT La Văn Cầu, AHLLVT Phùng Văn Khầu, Thiếu tướng, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, AHLLVT Lê Mã Lương, đại diện mẹ Việt Nam anh hùng: mẹ VNAH Vương Thị Lý; các đồng chí đại biểu: Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Công đoàn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lâm Văn Khang, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Ngọ Duy Hiểu, Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, các cán bộ, chiến sĩ trường Đại học Trần Quốc Tuấn, đại diện Hội cựu chiến binh các huyện, xã lân cận, cộng đồng dân tộc Tày, Nùng (Lạng Sơn) cùng đông đảo phóng viên báo chí, truyền thông, nhân dân và du khách.
 |
Đ/c Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Công đoàn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ VHTTDL thăm hỏi, trao quà mẹ Việt Nam anh hùng Vương Thị Lý
|
Tại buổi giao lưu, với tấm lòng và tình cảm sâu sắc, đại diện cho Công đoàn, Hội Cựu chiến binh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Nguyễn Hữu Giới đã thăm hỏi, trao quà, động viên mẹ Việt Nam anh hùng Vương Thị Lý. Mẹ Lý năm nay 94 tuổi, hiện đang ở thôn Muôn, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội. Mẹ có hai con là liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới Tây Nam.
 |
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu
|
Ở độ tuổi 84, là người con của quê hương cách mạng Cao Bằng, người dân tộc Tày, là một trong 7 người thuộc thế hệ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, khi được hỏi về những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời người lính, anh hùng La Văn Cầu đã xúc động chia sẻ về những ngày tháng không thể nào quên khi tham gia trận đánh Đông Khê (1950), có nhiệm vụ phá lô cốt lớn nhất trong hệ thống lô cốt của cứ điểm Đông Khê, một cứ điểm quan trọng mở màn cho chiến dịch Thu Đông (1950). Tại trận đánh này, đồng chí bị thương, nhưng với tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đồng chí vẫn ôm bộc phá quyết phá lô cốt trọng yếu của địch. Trận đánh Đông Khê toàn thắng.
 |
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Văn Khầu
|
Cũng là một người con của quê hương Cao Bằng, anh hùng LLVT Phùng Văn Khầu, người thường được nhắc đến với mệnh danh “anh hùng sơn pháo”, đã chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động của ông trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là những ngày đánh giặc trên đồi E1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Anh hùng Phùng Văn Khầu tâm sự: “Chúng tôi, dù đã về hưu, nhưng luôn mang một tinh thần: còn sức còn phải đóng góp, cống hiến cho địa phương, theo như Di chúc của Bác: xây dựng đất nước ta ngày càng to đẹp và đàng hoàng hơn”.
 |
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương
|
Thuộc lớp thế hệ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, được phong anh hùng ở độ tuổi còn rất trẻ, anh hùng trẻ nhất trong Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 21 tuổi, Thiếu tướng, AHLLVT Lê Mã Lương, ở độ tuổi 65, ông thực sự xúc động khi nói về thế hệ cha anh đi trước: “Đó là một thế hệ tuyệt vời. Tôi lên 2 tuổi, anh La Văn Cầu được tuyên dương anh hùng, tôi 5 tuổi, anh Phùng Văn Khầu được tuyên dương anh hùng. Chúng tôi là thế hệ con cháu của các anh hùng, con cháu của một thế hệ thần thánh, được minh chứng bằng chiến thắng đỉnh cao - chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Với thế hệ chúng tôi, thực sự rất tự hào tiếp nối và chúng tôi đã tiếp nối thế hệ cha anh thành công”.
Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời câu nói nổi tiếng của mình "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù", Thiếu tướng, anh hùng Lê Mã Lương xúc động kể lại: “Vào năm 1967, khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ đưa lên tới đỉnh cao, cũng là thời điểm tôi gác lại mơ ước ngồi trên ghế giảng đường Đại học để gia nhập quân đội. Sau một thời gian huấn luyện, chúng tôi vào chiến trường. Ngày 17/12/1967, ở làng Cự Nẫm - tuyến giao liên cuối cùng của bộ đội ta vượt đông Trường Sơn sang tây Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu tôi có viết trong nhật ký của mình và gạch chân dòng chữ: “Chiến đấu là cao quý nhất. Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”...
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng ác liệt của chiến tranh, những kỷ niệm chiến đấu vào sinh ra tử của những người cựu binh anh hùng năm xưa vẫn vẹn nguyên trong những câu chuyện được chia sẻ của các anh hùng với thế hệ trẻ hôm nay. Trong chương trình giao lưu, các anh hùng đã nhận được nhiều câu hỏi của các chiến sĩ, các bạn trẻ. Trả lời câu hỏi của học viên Lê Anh Chiến, trường Đại học Trần Quốc Tuấn về động lực lớn nhất để vượt qua những phút giây sinh tử trên chiến trường ác liệt, tàn khốc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, anh hùng Phùng Văn Khầu khẳng định: “Động lực lớn nhất của chúng tôi trong thời kỳ kháng chiến là những lời kêu gọi của Bác Hồ: Thà hi sinh tất cả chứ nhất định ko chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Tim còn đập, chúng tôi còn chiến đấu. Đó là động lực lớn nhất”.
 |
Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội) Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại chương trình giao lưu
|
Phát biểu đại diện cho lớp thế hệ trẻ hiện nay tại buổi giao lưu, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội) Ngọ Duy Hiểu đã bày tỏ sự vinh dự, tự hào được gặp gỡ, giao lưu, ngưỡng mộ và kính trọng các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, thậm chí hi sinh cả tính mạng vì độc lập tự do cho dân tộc. Đối với thế hệ trẻ hôm nay, một trong những trách nhiệm lớn lao là phải không ngừng vươn lên, lo phát triển kinh tế, đời sống theo tinh thần “Thực túc binh cường”, theo mong ước của Bác Hồ: xây dựng đất nước Việt Nam to đẹp hơn và đàng hoàng hơn.
Chương trình giao lưu khép lại trong những lời ca tiếng hát, nối vòng tay đoàn kết, trao truyền thế hệ trong các ca khúc cách mạng hào hùng do chính các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, đồng bào tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh:
 |
Các đại biểu làm lễ chào cờ

Các chiến sĩ trẻ tại chương trình giao lưu

Đ/c Lâm Văn Khang, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban BQL Làng VHDL các DTVN tặng hoa và chụp hình lưu niệm cùng các anh hùng tại chương trình giao lưu

Những lời ca tiếng hát, nối vòng tay đoàn kết, trao truyền thế hệ trong các ca khúc cách mạng hào hùng do chính các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, đồng bào... thể hiện

Các đại biểu tại chương trình giao lưu chụp hình lưu niệm cùng các anh hùng, các chiến sĩ trường Đại học Trần Quốc Tuấn, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN

Các hoạt động "Uống nước nhớ nguồn" càng trở nên ý nghĩa hơn đối với cán bộ, nhân viên BQL Làng VHDL các DTVN tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam
|
Hoàng Huyền