Tái hiện Nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con của người Chăm Islam

(LVH) Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022, chiều ngày 19/11, tại không gian Làng dân tộc Chăm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội), đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang đã tái hiện Lễ cắt tóc vàđặt têncho con của người Chăm Islam 

Nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con là một nghi lễ đặc biệt của người Chăm Islam, mỗi đứa trẻ sinh ra đều phải thực hiện nghi lễ này. Người Chăm Islam lấy tên của 25 vị thánh để đặt tên cho đứa trẻ và tên này sẽ theo đứa trẻ đến suốt đời, không được thay đổi, nếu có thay đổi phải sửa soạn lễ vật tương đương như lúc đặt tên ban đầu để đãi khách thì mới được đổi tên.

Vì người Chăm Islam tin rằng, sau khi tận thế đến ngày phán xét cuối cùng, họ sẽ được gọi dậy bằng tên thánh đó. Nếu tín đồ Hồi giáo mang một tên khác, họ sẽ vĩnh viễn không được thánh Ala gọi tới. Chính vì thế đây là một nghi lễ không thể thiếu đối với một đứa trẻ của đồng bào dân tộc Chăm Islam được sinh ra

Trước khi đặt tên cho con, người Chăm Islam luôn có sự lựa chọn tên, theo giới tính của trẻ, hoàn cảnh gia đình, cũng như dòng họ và ước vọng của cha mẹ. Bởi vì nghi lễ đặt tên cho một đứa trẻ vừa chào đời, không chỉ là một nghi thức đánh dấu bước chuyển tiếp của đứa trẻ đó, mà còn là sự gia nhập tôn giáo của một thành viên mới trong cộng đồng người Chăm Islam, với tên mới được đặt theo tiếng Arab và được xác nhận như một tín đồ Hồi giáo.
Thông thường khi đứa trẻ được sinh ra 7 ngày cho đến 40 ngày, gia đình người Chăm Islam sẽ làm Lễ cắt tóc và đặt tên cho con. Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà nghi lễ này được tiến hành sớm hay muộn. Nhưng đứa trẻ thực hiện nghi lễ này tính từ khi sinh ra đến khi thực hiện nghi lễ thì không quá 03 tuổi.

Khi đứa trẻ được sinh ra, Cha mẹ sẽ chọn ngày để tiến hành nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con mình. Thời gian thường được diễn ra từ 9 giờ hoặc 13 giờ trưa tùy theo chủ gia lựa chọn.Chủ gia sẽ mời những vị Giáo cả (Hakim), chức sắc, chức việc trong làng và dòng họ, xóm làng đến tham dự và chứng kiến Lễ cắt tóc và đặt tên cho con của mình.

Trước khi tiến hành nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con, chủ gia dọn dẹp và sửa soạn mọi thứ trong nhà. Đứa trẻ bên trong được thay quần áo mới và bà của đứa trẻ sẽ chuẩn bị khăn, dầu thơm và cây kéo để trên một chiếc mâm nhỏ để thực hiện nghi lễ.

Em bé đã được bà và mẹ thay đồ, chuẩn bị mọi thứ cho buổi lễ

Đến ngày thực hiện Nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con, chủ gia sẽ tiếp đón các vị Giáo cả, chức sắc và những người đàn ông, phụ nữ trong làng đến dự và từng người một tặng cho đứa trẻ những món quà nhỏ như áo quần sơ sinh, tiền lì xì, xà phòng,…

Sau khi mọi việc đã chuẩn bị hoàn tất thì các vị Giáo cả, chức sắc và những người đàn ông, chỉnh tề trang phục và ngồi ngay ngắn để chuẩn bị làm Lễ

Các vị Giáo cả, chức sắc và những người đàn ông đã đến để thực hiện nghi lễ

Chủ gia sẽ bế đứa trẻ và cùng một thanh niên khác bưng chiếc mâm gồm cây kéo và chai dầu thơm, bưng ra đặt trước mặt các vị giáo cả, chức sắc

Vị Giáo cả sẽ thì thầm những câu kinh nhằm cầu nguyện cho đứa trẻ. Tiếp đó, vị Giáo cả sẽ hỏi chủ gia tên của đứa trẻ được đặt là tên gì? Rồi ông công bố cho toàn thể mọi người có mặt được biết (Đợi chú Vách Gia hỏi và công bố).

Em bé được bố bế đến cạnh vị Giáo cả (người mặc bộ xanh, ngồi thứ 3 từ phải sang)

Vị Giáo cả dùng kéo cắt một đoạn tóc tượng trưng của đứa trẻ và sức dầu thơm lên người đứa trẻ. (Nếu có thể cạo đầu đứa trẻ, thì lấy phần tóc đó, đem cân với vàng hoặc bạc, rồi qui đổi ra tiền, và đem tiền đó phân phát cho những người cơ hàn với ý nghĩa chia sẽ niềm Ân sũng mà Thượng Đế ban cho,nhưng đây là nghi thức xa xưa được Ông bà nhắc đến, hiện nay chỉ còn hiện diện ở một số gia đình).

Sau đó, những người đàn ông khác đến dự cũng làm tương tự nhưng không cắt tóc mà chỉ lấy tay sờ vào đầu đứa trẻ

Và sau đó mọi người sẽ cùng nhau Du’a (tức cầu nguyện) với mong muốn đứa trẻ được phúc lành, bình an, nhiều điều may mắn.

Như vậy tên được đặt, sẽ gắn với đứa trẻ cả đời trong niềm vui và chúc phúc của mọi người. Sau đó chủ gia mời mọi người dùng các món ăn như cà ri, súp,… và các loại bánh như: Ha paykarah (bánh 3 lỗ); Hachok (bánh gế); Hapùm (bánh bông lan); Hati (bánh ga ti); Cram (bánh kẹo đường)

Chủ gia mời mọi người dùng các món ăn, chung vui cùng gia đình

 

Mọi người cùng vui mừng chúc phúc cho em bé

Ánh Ngọc