Giới thiệu di sản tri thức dân gian lịch Tre của người Mường

(LVH) - Ngày 16/2, đồng bào Mường đến từ tỉnh Hòa Bình đã giới thiệu di sản tri thức dân gian lịch Tre độc đáo của dân tộc mình, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

 Lịch Tre (Lịch Đoi/Roi) là tri thức dân gian đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử của người Mường tỉnh Hòa Bình từ khi chưa có nguyên liệu giấy và được lưu truyền đến ngày nay. Loại lịch pháp hội tụ tri thức dân gian độc đáo của người Mường đã được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ tháng 7/2022, góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống hôm nay.

 

Lịch Tre giới thiệu tại "Ngôi nhà chung" được phóng đại để du khách quan sát rõ hơn

Trong quá trình tồn tại và phát triển, dân tộc Mường (Hòa Bình) đã xây dựng cho mình tri thức dân gian Lịch tre độc đáo làm từ 12 thanh tre tương ứng 12 tháng. Tuy chưa phát triển thành hệ lịch chặt chẽ có tính mật xác cao để có thể tính trước được nhiều năm, nhưng rõ ràng nó là sản phẩm của quá trình quan sát lâu dài về các quy luật của vận động tự nhiên. Xác lập ra cách tính Lịch tre, người Mường đã có phương tiện để khám phá ra những quy luật tự nhiên, cũng như công cụ để hoạch định mùa vụ canh tác nông nghiệp riêng của mình. Hiện nay, tri thức dân gian này được ứng dụng trong đời sống hàng ngày của người dân, thể hiện sự trường tồn của tri thức dân gian.

Lịch tre giúp người Mường khám phá ra những quy luật tự nhiên

Từ xa xưa, dân tộc Mường Hòa Bình theo Lịch tre mà chọn ngày lành, ngày đẹp để làm những việc quan trọng như tổ chức lễ Khai hạ đầu năm, làm nhà, làm đám cưới... Theo cách tính Lịch tre, các ngày từ 1-10, người Mường gọi là “ngày cây”; từ ngày 11-20 gọi là “ngày lồng”; từ ngày 21-30 gọi là “ngày cuối”. Người Mường thường tổ chức những việc quan trọng vào những ngày đầu tháng (ngày cây), tránh những ngày kỵ. Theo thống kê hiện nay, trong toàn tỉnh Hòa Bình chỉ còn 5 bộ Lịch tre cổ của dân tộc Mường có từ hàng trăm năm và khoảng trên 100 bộ Lịch tre sao chép làm mới đang được lưu giữ, sử dụng trong nhân dân. Hiện, di sản văn hóa này vẫn còn nguyên giá trị, được một bộ phận nhân dân lưu giữ, sử dụng, đa số là bậc cao niên, các thầy mo, thầy cúng.

Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Minh, dân tộc Mường giới thiệu bộ lịch Tre

Bộ lịch tre của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình làm từ những thanh tre được dóc, vót và đánh bóng cẩn thận, sử dụng để khắc các khấc, vạch, chấm (gọi chung là các ký hiệu, biểu tượng) nhằm chỉ thị cho ngày, tháng và các hiện tượng, quy luật trong tự nhiên hàng tháng trong năm. Trong đó, 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi thanh tre được tạo hình chữ nhật, có 2 mặt rộng gọi là mặt lịch và 2 mặt hẹp gọi là sống lịch. Tất cả các thanh tre đều khắc 30 khấc tương đương với 30 ngày trong 1 tháng.

Lịch Tre có 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm

Người Mường quan sát sự vận động của mặt trăng, dựa vào đặc tính của trăng trong chu kỳ tháng, cũng như sự vận chuyển của sao Đoi, để phân định thời gian, ngày, giờ, tuần, tháng, năm và chế định ra 12 thẻ tre. Mỗi thẻ tre là một tháng, trong đó có số ngày trong tháng, ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt, xấu, ngày mưa, ngày gió, ngày cá, ngày thú, ngày đại cát hay ngày xích khẩu… để đi làm ăn, làm nhà mới, cưới vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong Mường.

Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Minh hướng dẫn cách tính lịch Tre

Người Mường có câu nói khái quát những đặc trưng dân tộc mình là: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”. Vì vậy tính theo người Mường thì lịch đoi chậm hơn lịch âm khoảng 15 ngày. Chính vì thế mà hiện nay người Mường ăn tết hai lần, một lần Tết Nguyên đán theo lịch âm, và một lần ăn tết theo lịch đoi. Đợt ăn tết thứ hai sau đợt Tết Nguyên đán khoảng 15 ngày gọi là ăn tết lại, tết đoi. Lịch đoi có ý nghĩa rất quan trọng đối với văn hóa Việt, thể hiện tài chiêm tinh của người Việt cổ thông qua việc quan sát trăng sao để dự báo thời tiết. 

Mười câu thơ về lịch khao roi: "Chớ đi cấy vào ngày khao roi mà chết rét; Chớ gieo mạ vào ngày khao roi mà chết sủ; Chớ trồng củ vào ngày khao roi nên dây không nên củ; Chớ là cối vào ngày khao roi được đâm không được gõ; Chớ trồng trầu trồng cau vào ngày khao roi nên bông không nên quả; Chớ cưới xin vào ngày khao roi có chồng không có vợ; Chớ làm nhà vào ngày khao roi Không kịp thấm lạt dang không kịp vàng lạt nứa; Chớ làm rượu vào ngày khao roi không chua cũng thối; Chớ dệt màn dệt chăn vào ngày khao roi mà nên chăn màn cho ma; Chớ thả lợn thả gà vào ngày khao roi mà vào miệng con cầy con cáo".

 Lịch tre - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2022

Có thể thấy, lịch Tre của người Mường tỉnh Hòa Bình có vai trò đặc biệt trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Mường, là khối tài sản về tri thức dân gian vô giá. Tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người, mỗi gia đình người Mường đều dựa vào cách tính cát hung của bộ lịch. Giá trị tri thức dân gian lịch tre của người Mường hiện nay vẫn còn được ứng dụng trong đời sống hàng ngày của người dân thể hiện sự trường tồn của tri thức dân gian.

Phạm Hương