Làng dân tộc Mường

Làng dân tộc Mường - Khu các làng dân tộc I - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Làng dân tộc Mường tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có diện tích 0,9ha, trong đó, diện tích xây dựng là 468,69m2, bao gồm 03 nhà sàn và 01 nhà phụ.

Một góc làng dân tộc Mường tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: ĐK

Nhà ở: 03 nhà sàn của người Mường tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có tổng diện tích 466,53m2 và là dạng nhà sàn 4 mái. Thang chính thường đặt ở đầu hồi bên phải. Thang phụ dành cho nữ giới đặt ở đầu hồi bên trái. Khung nhà được hình thành trên cơ sở trung gian giữa vì cột và vì kèo, bộ kèo chỉ gá vào đòn tay cái, chân khớp vào đầu cột con. Vì có bốn cột: 2 cột cái, đầu cột vào quá giang và đội đòn tay cái, 2 cột con ở bên ngoài hai cột cái. Bộ kèo gồm hai kèo đơn, đầu ngoàm vào nhau, hai chân doãng ra giống hình chữ A. Dưới bụng kèo, nơi giáp đòn tay cái có ngạnh gác lên đòn tay cái để kèo khỏi tụt. Lưng kèo được đóng một hàng đinh tre nhô cao để đỡ các đòn tay. Nhà được làm bằng các vật liệu gỗ, tre, nứa, lá.
Trong nhà chia làm 2 phần theo chiều ngang: Phần thứ nhất dành cho sinh hoạt của nam giới, là nơi tiếp khách nam và có bàn thờ tổ tiên. Phần này gọi là bên ngoài. Phần thứ hai, bên trong dành cho bếp và sinh hoạt của nữ giới. Nhà còn được chia theo chiều dọc: bên trên và bên dưới. Sự phân chia này có tính ước lệ không liên quan gì đến độ cao thấp. Bếp đặt trong nhà.

HH