Nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Mường tại “Ngôi Nhà chung”

(LVH) - Phát huy những giá trị văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc mình, những năm gần đây, đồng bào Mường ở vùng cao đã khôi phục và bảo tồn nghề thủ công truyền thống, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Qua đó đồng bào dân tộc Mường đang sinh sống và hoạt động hàng ngày Làng Văn Nam hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) đã đem nét đẹp cuộc sống hàng ngày của dân tộc mình giới thiệu tới du khách tham quan một cách giản dị và chân thật nhất.

Nhóm nghệ nhân dân tộc Mường đan những sản vật chủ yếu như Thúng (còn gọi là bâm) đựng cơm nếp, các loại to, nhỏ khác nhau để đựng hoa quả, bánh kẹo, trái cây…

Theo các Nghệ nhân dân tộc Mường đang hoạt động hàng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội); Chia sẻ, với những món đồ thủ công được đan từ mây tre có từ xa xưa, cuộc sống của người Mường hoàn toàn dựa vào tự nhiên. Từ những vật liệu sẵn có như tre, gỗ mà người Mường chế tác hoặc đan thành những vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Đan lát trở thành một nghề khá phổ biến của người Mường nhưng chỉ là nghề thủ công mang tính thời vụ, chủ yếu làm vào lúc nông nhàn, tranh thủ lúc rỗi rãi trong ngày, chưa đạt tới trình độ chuyên môn hóa. Những sản phẩm của nghề đan lát thủ công chỉ đáp ứng cho sản xuất và sinh hoạt hang ngày nhằm đảm bảo tính tự cấp tự túc trong phạm vi gia đình, làng bản, địa phương.

Đan lát trở thành nghề khá phổ biến của người Mường.

Các Nghệ nhân cho biết từ nhỏ khi ấy ở quê đan lát hầu như không đem lại thu nhập, mà chỉ phục vụ cho các nhu cầu gia đình, ai cũng biết đan nhất là các đồ thô sơ. Nghề này có từ khi nào không ai biết rõ, các cụ bảo cứ cha truyền con nối, nhưng muốn giỏi nghề phải chăm chỉ, chịu khó và phải có năng khiếu. Từ nhỏ, trẻ con Mường đã phải tập đan lát một cách tự nhiên. Bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như giúp cha mẹ đan bờ rào bờ dậu, đan phên…

Các nghệ nhân dân tộc Mường đang đan đồ thủ công truyền thống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội)

Xưa kia, để có đồ dùng trong gia đình, người Mường đã tận dụng những cây tre, cây nứa, cây vầu, mây... để làm ra các vật dụng có tính thiết thực trong đời sống hằng ngày. Nghề đan lát của người Mường ở Hòa Bình rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt, trang trí, đến phương tiện sản xuất: rương, đồ đựng xôi, bánh kẹo hoa quả, chiếu, nong, nia, rổ… Những sản phẩm này có thể dùng hàng chục năm không bị hỏng. Nếu những món đồ dùng này khá đơn giản, hầu như ai cũng có thể làm được thì người Mường có nhiều món đồ cần phải có tay nghề rất cao, phải đan hàng chục năm mới đạt được.

Vật phẩm còn là chõ (cuốp) đồ xôi và các dụng cụ thông thường khác.

Các sản phẩm đan lát của người Mường là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo và cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Được làm ra dựa trên các tiêu chí đơn giản, tiện dụng và bền chắc. Đến nay, nhiều gia đình người Mường ở vùng cao vẫn còn giữ được những vật dụng bằng tre đan có tuổi đời vài chục năm, vì vậy những năm qua, dù nghề đan lát tốn nhiều thời gian, thu nhập không cao nhưng bà con người Mường ở Hòa Bình vẫn miệt mài gìn giữ và tận tâm truyền dạy cho con cháu. Nghề đan lát không những tạo ra sản phẩm vật chất mà còn tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt của người dân tộc nơi đây. Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà còn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, miền núi, nơi tạo ra những nét đặc trưng riêng có của đồng bào các dân tộc.

Nghề đan lát không những tạo ra sản phẩm vật chất mà còn tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt của người dân tộc nơi đây

Để tìm hiểu thêm nét đẹp văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, du khách hãy đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) cùng trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của đồng bào tộc Mường nói riêng cũng như 15 cộng đồng dân tộc khác đang sinh sống hàng ngày tại nơi đây nhé.

Thúy Nga (Ảnh: Đinh Lương)