Pôồn Pôông - lễ hội đặc sắc của người Mường xứ Thanh
(LVH) - Sáng 26/11, đồng bào dân tộc Mường đến từ huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tái hiện trích đoạn lễ hội Pôồn Pôông - nét văn hóa đặc sắc của người Mường được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là một trong hoạt động của đồng bào các dân tộc tham gia Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” năm 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Tại Thanh Hóa, vùng nào có người Mường ở là có Lễ hội Pôồn Pôông, bởi Pôồn Pôông chính là “hồn cốt”, nét văn hóa không thể thiếu của người Mường.

Cây bông đặt giữa sân không gian làng dân tộc Mường
Pôồn Pôông là lễ hội có từ xa xưa, trong tiếng Mường “Pôồn” có nghĩa là chơi, nhảy múa còn “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa. Pôồn Pôông có nghĩa là nhảy múa bên cây bông (hay còn gọi là cây hoa).

Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng - Chủ trì cuộc Pôồn Pôông
Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy với mong muốn mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Pôồn Pôông là loại dân ca nghi lễ, thần linh vừa mang tính nghi lễ cầu phúc, cầu an vừa mang tính chất giao duyên nam - nữ.
Đồng bào Mường cùng nhảy múa xung quanh cây bông và thực hiện các trò diễn xướng mô phỏng đời sống lao động sản xuất, tâm linh...
Cây bông là trung tâm của lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hoá đã ban cho con người. Trên cây bông bằng tre cao 3 mét treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa bằng gỗ bấc nhuộm xanh, đỏ, tím, vàng.

...dưới sự chủ trì của Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng
Người Mường gọi các nhân vật chính trong lễ hội Pôồn Pôông là các Ậu Máy - người chủ lễ, người tổ chức, chủ trì cuộc Pôồn Pôông. Lễ hội Pôồn Pôông gồm phần lễ và phần diễn trò, các trò diễn xướng đều xoay quanh cây bông, mô phỏng lại toàn bộ các phong tục tập quán, phản ánh đời sống tâm linh, văn hoá tinh thần của đồng bào Mường.
Diễn trò đi cày
Trong buổi tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chủ trì cuộc Pôồn Pôông là Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng, là một trong các bà Ậu Máy nổi tiếng khắp các bản Mường xứ Thanh.
Trò đi bừa
Sau khi làm lễ cúng báo cáo thần linh, tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên cũng là lúc Ậu Máy Phạm Thị Tắng vừa đi vừa nhảy múa và hát Đang, đoàn người cũng vừa đi vừa diễn các trò mô phỏng cuộc sống hàng ngày xung quanh cây bông. Xen lẫn những điệu múa, lời ca là tiếng cười sảng khoái của Ậu Máy Phạm Thị Tắng như giục giã, mời gọi mọi người nhanh chóng tụ hội về quanh cây bông.
Trò đồ xôi
Trong tổng thể 48 trò của Lễ hội Pôồn Pôông, tại buổi lễ Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng và Đoàn Nghệ nhân dân gian tỉnh Thanh Hoá trích diễn các trò gồm: Chia đất - chia nước, phát nương - phát rẫy, cày, bừa, cấy, làm cỏ, gặt, gánh lúa, đạp lúa, xáy lúa, giã gạo, xảy, sàng gạo, đồ xôi, đánh cá, chọi trâu, chọi gà, bắt hổ giữ, ném còn, mời bản ăn cơm dam và uống rượu cần.

Trò đánh cá
Bên cạnh nét đẹp tâm linh, lễ hội cũng là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc Mường, góp phần cùng các dân tộc anh em xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cũng như sẻ chia về cuộc sống hàng ngày…
Đại biểu, cộng đồng các dân tộc và du khách bị cuốn hút bởi những trò diễn xung quanh cây bông của ghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng và đoàn nghệ nhân dân gian
Buổi lễ cuốn hút người xem bởi tài nghệ diễn xuất của Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng và đoàn nghệ nhân dân gian với những trò diễn sinh động, vui tươi gần gũi với cuộc sống đời thường, qua đó du khách có dịp được theo dõi nét văn hóa đặc sắc của người Mường xứ Thanh.
Hải Yến