Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường (Hoà Bình) tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Sáng 8/10, Lễ mừng cơm mới đã được đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tái hiện, trong khuôn khổ hoạt động tháng 10 “Khám phá nét ẩm thực dân tộc”.
Lễ mừng cơm mới của người Mường (tỉnh Hoà Bình) thường được tổ chức vào tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm khi mùa màng đã được thu hoạch xong xuôi. Lễ mừng cơm mới còn được gọi là lễ mừng cơm non gạo mới. Dù được mùa hay mất mùa, các gia đình người Mường đều làm lễ cúng cơm mới để dâng lên ông bà tổ tiên.

Tại buổi lễ tái hiện, đồng bào Mường chuẩn bị đầy đủ năm mâm lễ vật cho năm nhóm thần linh: hai mâm cho 6 ông tượng trưng các vị thần bảo trợ nông nghiệp; một mâm cho các vị thần linh thổ công, bản thổ, thổ địa, bà Chúa Thác Bờ, các thần khác; một mâm cho gia tiên, Thành Hoàng, Bác Hồ và một mâm cúng thánh thần.
Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo Ban Quản lý Khu các làng dân tộc thuộc BQL Làng VHDL các DTVN và đại diện các nhóm cộng đồng dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại đây.
Theo quan niệm của người Mường, sau khi lúa được đưa về nhà, gạo mới nấu thành cơm phải đem cơm đó cúng ông bà tổ tiên trước, sau đó mới được ăn. Người Mường bắt đầu nghi lễ mừng cơm mới bằng việc đi rước vía lúa về nhà. Đến thời điểm lúa chín, người chủ gia đình chọn ngày tốt ra thăm ruộng, ngắt bảy hoặc chín bông nếp cái đẹp (tượng trưng cho bảy vía hoặc chín vía lúa) ở ruộng nhà mình tết lại thành một bó nhỏ đem về treo ở đầu cột cái trong nhà, nơi cạnh bàn thờ tổ tiên.

Thầy cúng Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh thực hiện nghi lễ mừng cơm mới
Sau nghi lễ đầu tiên này, mọi người trong nhà mới được ra đồng gặt lúa. Đến khi lúa được thu hoạch xong, họ bắt đầu làm lễ mừng cơm mới. Phụ nữ sẽ mặc trang phục truyền thống để giã gạo, và tiếng chiêng, tiếng trống âm vang trong lễ mừng cơm mới…

Mâm cỗ cúng cơm mới của người Mường nhất định phải có các món: cơm, cá, gà, thịt lợn, canh măng chua nấu cá hoặc gà. Cơm dùng để cúng phải được nấu từ gạo mới trong vụ mùa vừa gặt. Sau khi gia chủ chuẩn bị xong đồ lễ, công việc quan trọng là nhờ thầy cúng, người Mường rất coi trọng nghi lễ này, thế nên việc xem ngày và cúng thường phải nhờ đến các bậc cao niên, người có uy tín và am hiểu tục lệ. Thầy cúng cũng chính là chủ lễ, đại diện cho chủ nhà ăn mặc chỉnh tề bước lên bàn thờ tiến hành làm lễ.
.jpg)
Nội dung thầy cúng khấn với ý nghĩa: lúa gạo là tinh hoa của đất trời, là sản phẩm nuôi sống con người và hôm nay con cháu mang những gì ngon nhất, đẹp nhất cúng trời đất, mời tổ tiên, cảm tạ các vị thần đã mang đến cho gia đình, bản làng vụ mùa no ấm. Cầu tổ tiên, thần thánh phù hộ cho mùa màng tiếp theo được mưa thuận gió hoà.

Nhiều đoàn du khách đã dừng chân tại không gian làng dân tộc Mường theo dõi buổi lễ ý nghĩa này
Cuối cùng, khi đã hoàn tất phần nghi lễ, gia đình lựa chọn một vài bó lúa giống tốt để lên gác bếp để giữ vía lúa, với hy vọng một mùa bội thu mới đang đợi.

Kết thúc lễ cúng, thầy cúng Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh mời đại biểu, cộng đồng các dân tộc và du khách tham quan cùng uống rượu cần chung vui với lễ mừng lúa mới của người Mường đã được tái hiện tại "Ngôi nhà chung"
Lễ mừng cơm mới còn là dịp để người Mường tập hợp, giao lưu, gặp gỡ và cùng nhau tận hưởng niềm vui của một vụ mùa mới. Đây cũng là dịp để tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường trong xã hội hiện đại ngày nay.
Hải Yến