Đến "Làng" đón Tết Nguyên Đán truyền thống của dân tộc Mường

(LVH) - Chiều ngày 10/02/2015 (tức ngày 22 tháng 12 năm Giáp Ngọ), trong khuôn khổ các hoạt động Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc", đồng bào Mường đến từ tỉnh Hòa Bình đã tái hiện phong tục đón Tết Nguyên Đán của dân tộc mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Theo quan niệm truyền thống của người Mường, Tết không bắt đầu vào ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Công, ông Táo như người Việt. Ngày Xuân của người Mường thực sự bắt đầu từ ngày 27 tháng Chạp. Đối với người Mường, Tết Nguyên Đán là cái tết quan trọng nhất, to nhất trong một năm.

 

Đồng bào chuẩn bị đồ lễ

Ngay từ sáng sớm, đồng bào đã thực hiện những công việc cần thiết để đón Tết như: trồng cây nêu trước cửa nhà, mổ lợn, rửa bát đũa, nồi xoong, dọn dẹp nhà cửa, lau rửa công cụ sản xuất… Đây là hình thức tẩy sạch những bụi bẩn để đón năm mới hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn, an lành.
Bàn thờ của người Mường không thể thiếu mâm ngũ quả và đặc biệt là hai cây mía được dựng 2 bên bàn thờ với ý nghĩa là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới...

 

Đồ lễ được bày lên bàn thờ

Mâm lễ cúng tổ tiên bao gồm một con gà luộc, bánh chưng, bánh ống, rượu, cơm nếp, thịt luộc, tiền, một bát nước lã, trầu cau, mắm muối. Đặc biệt đồng bào chọn đủ các phần trong một con lợn để bày vào mảnh lá chuối theo hình tròn kiểu dẻ quạt gọi là lá thịt. Trong một mâm lễ, thờ mấy vị thần thì được bày từng ấy lá thịt chồng lên nhau và ngần ấy đôi đũa. Mâm cỗ đã soạn đủ món được đặt lên bàn thờ. Bàn thờ tổ tiên đặt ba mâm: Mâm ngoài cùng thờ bố mẹ, mâm thứ hai thờ ông bà, mâm trong cùng thờ các cụ, kỵ. 

 

Gia chủ xin phép thần linh, thổ công thổ địa để mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Ảnh: Thanh Hà

Khi các mâm lễ được đặt vào vị trí, trước tiên gia chủ thắp hương xin thần linh, thổ công thổ địa để mời ông bà tổ tiên về cùng ăn Tết với con cháu, xướng tên và nơi ngự của các vị được thờ và lạy từng vị một; tiếp đó là phần trình bày lý do mời và dắt các vị về tận nhà chủ thờ.

 

Gia chủ thắp hương lên bàn thờ

Sau khi vào nhà, gia chủ thắp hương và cùng tất cả con cháu trong nhà lạy chào tổ tiên và thần thánh và khấn xin tổ tiên, thần linh, thổ địa phù hộ, đem đến cho gia chủ những điều tốt lành và một năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu… Sau đó gia chủ bắt đầu khấn dâng, dâng đủ 10 tuần cơm rượu thì được coi là các vị đã thật sự no say, tiếp đó mời các cụ về nơi ngự và con cháu xin được hưởng lộc của các cụ.

 

Gia chủ cùng con cháu quây quần 

Trước khi ăn, con cháu xếp hàng lạy kính các bậc cha mẹ, ông bà, các cụ. Người già đứng lên nói lời chúc cho con cháu sang năm mới mạnh khoẻ, làm ăn giàu có để nuôi nấng, cung phụng người già. Sau khi đã ổn định chỗ ngồi các mâm - tiếng Mường gọi là “buông cỗ” là thủ tục chào chúc tốt lành, mọi người mời nhau uống rượu, mời ăn các món lần lượt từ món rau đắng đồ đến món thịt luộc. Sự mời mọc diễn ra liên tục suốt cả bữa cỗ, gần như là mỗi lần gắp là một câu hát thường dang, bọ mẹng, hát ví, mo, kể chuyện… làm bữa ăn thêm hoan hỉ. Sự nhiệt tình của mọi người đem lại niềm vui cho các thành viên trong gia đình. Tất cả đều thể hiện một ước vọng mong muốn một năm mới nhiều hạnh phúc và may mắn cho mọi người.

 

 Gia chủ cùng đồng bào Thái, Tày, Nùng và du khách thưởng thức rượu cần

Sau phần lễ, là các trò chơi truyền thống ở sân bên cạnh nhà như ném còn, ném cù, đi cà kheo,… Chủ nhà và du khách cùng thưởng thức những món ăn truyền thống trong không khí ấm áp ngày Xuân.

 

 Trò chơi truyền thống ném cù không thể thiếu trong dịp năm mới của đồng bào Mường

Tết Nguyên đán của người Mường (Hòa Bình) là phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả. Đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu nét phong tục tốt đẹp của người Mường tại “Ngôi nhà chung” và cũng là cơ hội để đồng bào Mường quảng bá những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình lưu giữ và truyền lại cho mai sau. Đón tết mừng Đảng, mừng Xuân cho dù có khác nhau ở tục lệ mỗi dân tộc nhưng lại đều giống ở tinh thần nhân văn, ở khát vọng ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng, đoàn kết của 54 dân tộc Việt Nam.

Phạm Hương (Ảnh: Phạm Lự)