Người Mường Hòa Bình cầu mưa tại Làng
(LVH)- Sáng 14/5 chủ thể văn hóa đến từ huyện Tân Lạc đã tái hiện lễ Cầu mưa - một nghi lễ cúng quan trọng trong các nghi lễ nông nghiệp của mình tại làng dân tộc Mường, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Đây là một hoạt động trong chuỗi sự kiện tháng 5 “Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam” hướng tới kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt đồng giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang tổ chức các hoạt động thường xuyên tại Làng.
 |
Mâm lễ trong lễ Cầu mưa
|
Nhìn chung, lễ hội của đồng bào Mường ở Hòa Bình gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội đồng bào từ lâu đời. Dù không có những lễ hội quy mô, đồ sộ với sự tham gia của đông người, trang phục, lễ vật, đồ tế khí phức tạp nhưng luôn mang trong đó tính nhân văn sâu sắc và mơ ước thuần hậu về một đời sống bình an, mưa thuận gió hòa.
 |
Thày mo tiến hành nghi thức cúng trước mâm lễ với 1 chiếc quạt
|
Cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Lễ được tổ chức sau khi gieo hạt, trồng lúa và các loại hoa màu, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu mong sự che chở của thần linh và ước muốn về cuộc sống no đủ hạnh phúc.
Theo quan niệm của đồng bào từ xa xưa, tháng tư âm lịch sau khi gieo trồng các loại hoa màu xong chính là “mùa sấm mọc”, dân làng đợi nước làm ruộng nhưng trời vẫn không cho mưa, lễ Cầu mưa sẽ được tiến hành.
 |
Nghi thức vẩy nước cầu mưa
|
Theo truyền thống, mâm lễ ít nhất phải có thịt gà trắng (ngày nay thay vào đó là thịt con gà trống). Con gà trắng thường hay ở đầu nguồn con nước, theo quan niệm của đồng bào, đó là nơi có mó nước chảy từ núi ra. Đồng bào vốn thờ ma núi, với quan niệm, ma ngủ quên không nghe thấy tiếng sấm nên không dậy lấy nước cho dân chúng làm mùa. Vì thế, cần đánh thức bằng lễ Cầu mưa.
Tại Làng, đồng bào đã chuẩn bị lễ vật cúng theo truyền thống như xô nước, tượng trưng cho nguồn nước, mó nước chảy từ trong núi ra; Gáo múc nước (dùng để múc nước té lên trời cầu mưa); Gậy tre (Lấy gậy chọc lên trời để đánh thức ma nước dậy).
3 mâm lễ vật không thể thiếu cũng được chuẩn bị (mâm bản mệnh của thầy mo; mâm chủ lễ của đồng bào Mường và mâm đất trời để dâng lên đất trời, thần linh). Trong mỗi mâm cúng gồm: Gà trống 1 con được luộc chín; Các món ăn chế biến từ thịt lợn (thịt hấp, chả bưởi, thịt xiên nướng, lòng dồi...); Ép xôi; Một chai rượu; Oản hương; Hoa quả; Tiền vàng; Trầu cau; Vòng bạc; Vải thổ cẩm…
 |
Nổi chiêng mừng đón mưa về
|
Đầu tiên thầy mo Đinh Công Chửng gọi thần đất (thổ công) dậy và gọi thần gió, thần mưa... về để kêu than tình hình hạn hán do thiếu mưa và cầu mong các thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, nước đầy sông đầy đồng, gia súc gia cầm sinh sôi, thóc lúa đầy kho…
Sau khi cầu khấn, tế lễ xong và được sự đồng ý của thần linh, thầy mo múc nước té lên trời. Tiếp theo, thày mo, đồng bào lấy gậy chọc lên trời, tượng trưng cho việc đánh thức ma nước, cùng nhau đánh trống chiêng và hô to:“Trời đã cho nước rồi, cho mưa rồi, bà con gọi nhau dậy đi ra đồng ra nương để làm đất, cày cấy làm mùa màng...”.
Kết thúc nghi thức cúng, du khách tham dự được mời thụ lộc để mừng trời mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi.
Tiếp sau lễ Cầu mưa, chương trình giao lưu văn nghệ giữa các cộng đồng dân tộc tham gia các hoạt động hàng ngày tại Làng đã lôi cuốn du khách cùng hòa nhịp.
Một nét văn hóa đặc trưng của người Mường đến từ huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình được giới thiệu thông qua một nghi lễ nông nghiệp, đem đến cho du khách tham quan Làng những trải nghiệm lý thú. Đây còn là dịp để các cộng dân tộc gặp gỡ, trao đổi học hỏi kinh nghiệm sản xuất và thắt chặt tinh thần đoàn kết dân tộc.
Một số hình ảnh khác:
 |
Du khách và các cộng đồng dân tộc cùng tham gia vòng xoang
|
 |
Cộng đồng dân tộc Tà Ôi tham gia tiết mục diễn tấu nhạc cụ và xoang
|
 |
Du khách tham quan và dự lễ Cầu mưa tại làng dân tộc Mường
|
Thu Loan