Độc đáo Cồng chiêng trong đời sống dân tộc Mường
(LVH) - Cồng chiêng là nhạc cụ mang giá trị văn hóa quan trọng trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường. Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật trong ngôi nhà của mình và giữ gìn qua các thế hệ.
Video sưu tầm (Nguyễn Anh Dũng)
Khám phá những nét đặc sắc trong cồng chiêng người Mường
Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời và được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Từ xa xưa, người Mường đã thổi hồn cho cồng chiêng và sáng tác ra những điệu nhạc mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình và được tạo dựng hoàn thiện trên nền văn minh nương rẫy cộng với văn minh lúa nước; lấy núi đá, hang động và âm thanh từ những thanh thạch nhũ là điểm khởi nguyên. Và khi cồng chiêng có mặt trong đời sống cộng đồng thì nó là nhạc khí, là sản phẩm văn hóa sở hữu chung của tầng lớp bình dân, được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Một bộ cồng chiêng của người Mường có 12 chiếc, chia ra làm 3 bộ gồm: chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé. Người Mường có 24 lễ hội sử dụng cồng chiêng như: lễ mừng nhà mới, thành hôn, Lễ hội Khai Hạ , Lễ hội xuống đồng...
 |
Dàn cồng chiêng dùng trong lễ hội của người Mường được tái hiện tại "Ngôi nhà chung"
|
Theo các cụ cao tuổi ở bản Mường, dàn chiêng dùng trong lễ mừng đám cưới để động viên tinh thần cô dâu về nhà chồng. Theo tiếng chiêng ngân vang, không chỉ người trong bản này biết đã có một người con gái được gả chồng mà nó báo cho cả mường người - mường ma - mường trời biết để chứng kiến ngày lễ trọng đại của đôi trai gái và cũng không thể thiếu trong các ngày vui như lễ chúc thọ, lễ mừng nhà mới… hoà tấu cồng chiêng để xua đi những điều xấu, đón những điều tốt đẹp. Đối với đồng bào các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên, người đánh cồng chiêng chủ yếu là nam giới thì với đồng bào Mường lại là nữ giới. Ngoài ý nghĩa âm nhạc, bộ cồng chiêng còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm.
 |
Đồng bào dân tộc Mường biểu diễn màn hát múa Pồn Pông với bộ cồng chiêng trong chương trình giao lưu tại "Làng"
|
Tiêng trống đồng được coi là như uy quyền của tầng lớp lang đạo lớn xưa thì cồng chiêng lại lan tỏa trong đời sống người dân. Cồng chiêng in sâu trong tâm trí của mỗi người dân, gia đình và dòng tộc. Ngay từ thế kỷ thứ 11 đến nay, âm nhạc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường đã phát triển không ngừng nghỉ. Văn hóa cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Người Mường quan niệm cồng chiêng là biểu tượng của dân tộc và mang giá trị rất lớn".
 |
Những bộ cồng chiêng của dân tộc Mường không thể thiếu trong những lễ hội đặc biệt của dân tộc minh (hình ảnh được biểu diễn tại không gian làng Mường, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam)
|
Với ý nghĩa như vậy, cho chúng ta thấy văn hoá cồng chiêng của dân tộc Mường đang được truyền lại cho những lớp trẻ. Nó cho chúng ta niềm tin, rồi đây theo thời gian, văn hoá Mường, tiếng chiêngMường sẽ được bảo lưu và còn ngân vang mãi trong đời sống của lớp lớp những thế hệ người Mường. Bởi cồng chiêng chính là hồn vía không thể mất của bản Mường. Văn hóa cồng chiêng là điểm tựa tinh thần của dân tộc Mường và là di sản văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Có nhà nghiên cứu đã viết “cồng chiêng là nhịp sống, là tiếng lòng của người Mường giúp họ giao hòa với thiên nhiên, với cộng đồng dân tộc”. Cồng chiêng Mường được coi là vật thiêng, của báu, biểu tượng cho của cải, vật chất của cả bản. Người Mường coi cồng chiêng như vật thiêng, của quý trong nhà. Ngoài việc sử dụng tạo ra âm thanh, cồng chiêng là đồ có linh khí thiêng lành, xua đuổi tà ma đem lại sự yên lành cho gia đình.
 |
Tiếng cồng chiêng của đồng bào Mường được vang lên trong những dịp đặc biệt tại "Ngôi nhà chung"
|
Văn hóa cồng chiêng Mường là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Cùng với cồng chiêng Tây Nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng Mường cũng là di sản văn hóa kiệt tác của dân tộc. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy là điều vô cùng ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của bà con dân tộc. Vào những dịp cuối tuần, du khách đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) để cùng nhau trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường cùng các cộng đồng dân tộc đang hoạt động luân phiên tại “Ngôi nhà chung”.
Thúy Nga