Nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực dân tộc Mường Hòa Bình

(LVH)- Văn hoá ẩm thực Dân tộc tộc Mường được tạo nên từ những món ăn đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, là nét văn hoá ẩm thực mang đặc trưng nông nghiệp, lao động sản xuất.

Nói đến văn hoá ẩm thực của Người Mường Hoà bình là nói đến một câu nói nổi tiếng từ xa xưa: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui tháng tới”, vì thế đối với cư dân Mường với nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nghề canh tác lúa nước, thì cơm nếp đồ là thứ không thể thiếu, là món ẩm thực mang ý nghĩa lớn để cảm ơn đất trời cho mùa màng bội thu.
Người Mường đồ cơm nếp bằng “Cuốp”.(Cuốp được khoét từ thân cây), loại cây mềm dẻo, không độc, có nơi dùng cuốp thân cây cọ, cây bương. Chiều cao của cuốp khoảng từ 40 đến 50 cm, đường kính 25 đến 30 cm, chứa được chừng 3 kg gạo nếp/mẻ. Cơm đồ bằng cuốp sẽ giữ được hương thơm của gạo, cơm dẻo và ráo, không bao giờ bị bết cơm. Khi cơm chín đổ cơm ra “Bâm” (có nơi gọi là thúng), quạt ráo cơm.

Những mâm ngày thường hoặc mâm lễ, tết đều được bày biện đúng nghi thức cổ truyền của Người Mường. 

Cơm nếp Mường còn được chế thành các màu như: Hồng, tím, xanh, vàng. Cách dùng màu cơm nếp của Người Mường còn phụ thuộc vào tính chất của các lễ. Ví dụ như lễ mát nhà, lễ đắp bếp, lễ giải hạn (làm ngoại-vía)...Cùng với cơm nếp đồ, người Mường vẫn duy trì các món ăn bày trên “Mâm cỗ lá” theo truyền thống và phát triển rất đa dạng,có đến hàng chục món đồ, cùng nhiều món nướng như “cá cắp náng” tức là cá nướng với câu ca nổi tiếng:” Cơm đếp cá náng mạng cười hê nhê”, các món luộc, xào, nấu, nướng, nộm, dưa ...Các món ăn điển hình như: Thịt gà nấu măng chua, gà nướng( Gà chặt miếng gói lá chuối, vùi tro bếp), Thịt trâu nấu lá lồm, thịt trâu táp giềng, chả lá bưởi, cá ốt rau đáu, nhộng ong rang nước măng chua, ốc suối nấu bôn, da trâu khô nấu các gia vị chua đắng theo sở thích lâu đời của Người Mường (ta tru khế khựa), thịt lợn muối chua, thịt lợn ướp…Người Mường cho rằng các món ăn được bày trên lá chuối mới giữ được hương vị của món ăn. Mâm cỗ ngon phải là mâm có đủ các vị chua, mặn, chát, cay, đắng, ngọt, bùi ... Khi ăn phải ngồi nơi thoáng, sáng sủa, phải có bạn hiền thì mâm cơm mới có ý nghĩa đậm đà bản sắc Mường. Mặc dù người Mường thích ăn các vị đắng, chát, cay, chua ... nhưng đều chế ra các món đó riêng biệt chứ không để chung các món đó như kiểu thập cẩm (phân món rõ ràng). Ngoài những món ăn kể trên, người Mường còn có các thứ ẩm thực khác như rượu trắng, rượu ngâm rễ cây, ngâm các loại củ, quả…Đặc biệt hơn nữa là rượu cần (mặc dù rượu cần không đưa vào mâm cỗ). Các loại bánh điển hình như bánh ốc (gói lá chít), bánh tréo kheo, bánh ống, bánh trôi. Văn hoá ẩm thực của người Mường Hoà bình đã góp phần quan trọng trong việc tôn vinh văn hoá dân tộc Mường trong việc thường xuyên bảo tồn, lưu giữ và phát triển các món ẩm thực đậm đà bản sắc của dân tộc Mường. Du khách muốn khám phá những món ăn đặc sắc này hãy ghé tham ngôi Làng dân tộc Mường, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) để cùng nhau khám phá những nét ẩm thực độc đáo này với những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đang sinh sống và hoạt động hàng ngày tại ‘Ngôi nhà chung”.

Thúy Nga