Tái hiện Lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường tại “Ngôi nhà chung”

(LVH) - Về tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), ngày 16/2, đồng bào dân tộc Mường (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã tái hiện Lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tới đông đảo du khách tham quan.

Lễ vật dâng cúng thần linh

Trong những lễ hội cổ truyền tổ chức vào dịp đầu xuân, thì Lễ hội Khai hạ có một vị trí đặc biệt trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Lễ hội khai hạ là sự khởi đầu cho một năm mới, cầu cho mùa màng một năm may mắn, thịnh vượng. Đồng thời việc thực hiện những nghi lễ cúng mùa cũng là dịp để người Mường nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và bày tỏ những ước vọng của mình về một cuộc sống tốt đẹp, bình yên.

Đội tế lễ được giao cho người có uy tín đảm nhận

Theo thông lệ hàng năm, Lễ hội Khai hạ Mường Bi được tổ chức ở xóm Lũy xã Phong Phú huyện Tân Lạc tỉnh Hòà Bình nơi có miêu thờ Đức Mẹ Hoàng Bà - Người có công truyền dạy cho dân Mường biết cày bừa, cấy hái lúa nước, trồng dâu, chăn tắm, dệt vải, khai mương mở nước, dẫn thủy nhập điền. 

Với quang cảnh tái hiện bàn thờ mẫu và Thành hoàng xóm Luỹ, Mường Bi xã Phong Phú đại diện cho đất Mường tỉnh Hòa Bình là một bàn thờ gồm ngai, bát hương, bát nước mưa. Mâm lễ cúng gồm: bánh trái, rượu cần, hoa quả và một bình cá chép. Phía trước là hai chiếc kiệu bát công và tứ công, hai bên là đội hình bát bửu, kế tiếp là 02 Thầy Mo (Trượng) ngồi khoanh chân, tay cầm quan măng áo chùng mũ lưỡi rìu, bên tay trái già làng, đằng sau là đội chiêng và đội hình cờ cùng dân làng triển khai đội hình.

Thầy mo, các thày cúng và các vị chức sắc già làng trưởng bản thực hiện nghi lễ

Cỗ lễ đã bày biện xong, chức sắc già làng trưởng bản, đại biểu dân làng đã tề tựu đầy đủ, ông mo trong trang phục áo chùng đầu đội mũ mo, tay cầm quạt cùng ông trượng phụ lễ áo chùng khăn đóng đọc bài cúng ướm hỏi Đức Mẹ Hoàng Bà đang rong ruôi bôn phương trời, mười phương đât đã về núi Tản Viên nơi người ngự chính chưa để được đón Người cùng các vị thần linh về dự lễ Hội khai hạ Mường Bi.

Thầy Mo cùng một vài vị chức sắc trong làng đứng trước ban thờ. Thầy cúng đứng phía trước, các quan viên đứng đăng sau. Đội chiêng đứng ở hai bên và dân làng đứng phía sau. Ba hồi chiêng vang lên, sau khi thắp hương, thầy cúng cùng các chức sắc kính cân nghieng mình vái 3 vái trước ban thờ. Sau đó các quan viên lui ra phía sau để thầy cúng ở lại một mình.

Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Minh, dân tộc Mường thực hiện nghi lễ

Thầy cúng bắt đầu đọc bài khấn: Khấn trình; Khấn Thâu; Khấn bộ; Khấn trảy, Khấn đa rốc (Các bài khấn trình báo với Ngọc hoàng, Thành hoàng, Tổ tiên, Khấn mời ăn, Khấn đưa và Khấn các vong hồn)

Nghi thức gọi chiêng vào hội

Sau đó, đoàn đã rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà ra chứng kiến nghi lễ xuống đồng. Đây là lễ hội xuống đồng lúc dân làng xuống cày cấy, Vua bà xuống chứng kiến phù hộ cho dân bản một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Phần hội diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian

Sau phần lễ đến phần hội diễn ra tưng bừng các hoạt động văn nghệ dân gian như: thi đánh chiêng, hát ví đối, đâm đuống, ném còn, đánh mảng,… dân làng thoa thích vui chơi, xung quanh sân hội có các người mời nhau uống rượu cần, cỗ lá, chúc nhau một năm may mắn, dân làng vui chơi cho đến tan hội.

Sau phần hội, các thày cúng cùng dân bản vui uống rượu cần 

Lễ hội Khai hạ là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu phong tục tốt đẹp của người Mường tại “Ngôi nhà chung”, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, qua đó tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; quảng bá sản phẩm du lịch của tỉnh Hoà Bình đến với du khách trong và ngoài nước.

Phạm Hương