Tết Păng Katê của đồng bào Chăm tại “Ngôi nhà chung”
(LVH) - Păng Katê (hay còn gọi là Tết Cha) là lễ hội dân gian lớn nhất của người Chăm Bàlamôn và được đồng bào Chăm tổ chức vào đầu tháng 7 Chăm lịch hàng năm, để tỏ lòng tôn kính các vị Nam thần đã sinh ra con người, vạn vật và tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc đã có công với nước, cầu cho nhân sinh, vật thịnh, làng an bình, mong ước cho cuộc sống của mọi người luôn được an lành.
Sáng ngày 17/2/2014, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào Chăm Bà lamôn đến từ Bình Thuận đã tái hiện lễ hội Katê với nghi thức hành lễ và vui hội Katê.
Katê là một lọai hình tín ngưỡng Tôtem được hình thành khá lâu đời trong cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn. Trong thư tịch cổ Chăm, Katê được hình thành chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố văn minh nông nghiệp. Sau một mùa bội thu chuyển sang giao thời các mùa nông nghiệp, người Chăm đã ý thức tổ chức một nghi lễ tạ ơn các vị Thần nông cùng với những người có công khai sơn lập làng, nhằm để tỏ lòng tôn kính các vị “Vua Nam thần” đã sinh ra vạn vật, tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc, và cùng mang ý nguyện cầu mong cho nhân sinh, vật thịnh, làng palei yên bình.
Trước đây Katê chỉ tổ chức trong vòng 1 tuần đầu còn gọi là thượng tuần trăng và hiện nay thì tại 1 số làng Chăm ở Bình Thuận tổ chức lễ hội Păng Katê đến 2 tuần (biểu hiện cho dương tính), trước ngày trăng rằm.
Theo thuyết âm dương của người Chăm, đi đôi với Tết Cha còn có Tết mẹ, tiếng Chăm gọi là Chabul, thường được tổ chức vào tháng 9 Chăm lịch sau trăng rằm, gọi là tuần trăng (biểu hiện cho âm tính). Họ cho rằng đó là quy luật sinh tồn của tạo hóa, là cội nguồn của con người.
 |
Sư cả đang cúng lễ
|
Lễ vật để cúng gồm có 01 thôn Hala (Mâm trầu), cơm, rượu, thịt, hoa quả, bánh và các loại sản vật của người Chăm Bình Thuận.
.jpg) |
Cúng lễ
|
Sau khi lễ vật được chuẩn bị và bày trí xong, vị sư cả sẽ làm lễ, lần lượt khấn nguyện thỉnh mời các vị vua thần về tận hưởng lễ vật.
Cùng lúc, thầy Vỗ cất lên giọng hát (giai điệu Pô Dara) và vỗ nhịp trống paranưng trong điệu múa âm dương, tất cả mọi người đều vỗ tay theo nhịp trống rộn ràng, tạo nên không khí phấn chấn với quan niệm thần linh đã chứng giám.
 |
Sư cả cùng với đội hành lễ thỉnh mời các vị vua thần chứng giám lòng thành và hưởng lễ vật
|
Sau nghi thức lễ, là phần vui hội katê với các bài hát múa đặc trưng của người Chăm.
 |
Trống paranưng và kèn Saranai, những nhạc cụ không thể thiếu trong lễ hội của người Chăm
|
Là một loại hình tín ngưỡng dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa của người Chăm, lễ hội Katê là lễ hội lưu giữ những giá trị thẩm mỹ của nền văn hóa Chăm được biểu hiện qua những lễ vật cúng tế, trang phục, nhạc cụ, những lời hay ý đẹp của những bài thánh ca, những động tác múa đều hàm chứa tính phồn thực trong quy luật sinh tồn.
Đây cũng là dịp để những người tham gia hành hương được thưởng thức những tiết mục ca, múa, nhạc dân gian với phong cách hết sức đặc trưng độc đáo của những chàng trai, cô gái Chăm trong tiếng trống Ginăng thôi thúc, tiếng kèn Saranai da diết...
Lễ hội Katê là một minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
H.Huyền - Bá Ngọc - N.Bình