Nghi lễ chính Tết Chôl Chnăm Thmây tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Sáng ngày 15/4/2014 Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam Bộ với những nghi lễ chính đã diễn ra theo đúng nghi lễ cổ truyền tại không gian chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngày trước đó (14/4), tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các vị sư Phật giáo Nam tông và 02 vị Acha, tăng ni, phật tử Nam Tông cùng du khách thập phương đã tổ chức các nghi lễ của ngày thứ nhất (Chool sangkran) như: Lễ rước Đại lịch và Tứ đại Thiên Vương; Lễ dâng cơm và đắp núi cát...

Sáng ngày 15/4, các nhà sư, phật tử phái Nam Tông thực hiện những nghi lễ chính: Bắt đầu là nghi thức Nhiễu Phật xung quanh chánh điện, tiếp đó là nghi thức Tắm Phật tại chánh điện; Cuối cùng là nghi thức phóng sinh hòa bình và Đặt bát cúng dường. Phần hội tiếp nối sau đó với các tiết mục văn nghệ đón Tết và thưởng thức các món ăn truyền thống của người Khmer Nam Bộ.

Tham dự buổi Lễ có các đại biểu: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn; Đại sứ Myanma tại Việt Nam Thét-U và Phu nhân; Đại Sứ Xri-lanca Tại Việt Nam I-Van- A-Va-Sinh-Hơ; Các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Danh Út, Triệu Thị Nái; Phó ban Dân tộc, Ủy Ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Thanh; Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Dương Ngọc Tân; Phó Chính Ủy Trường Đại học Trần Quốc Tuấn Thiếu tướng Lê Viết Anh.

Bên cạnh đó còn có các vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nam Tông, các phật tử, lưu học sinh các nước: Lào, Campuchia và đông đảo du khách tham dự.

Bắt đầu vào lễ là nghi thức Nhiễu Phật xung quanh chánh điện. Đi đầu rước tượng Phật là Đại đức Thích Kim Tuệ, trụ trì chùa Khmer của "Làng", tiếp theo sau là các nhà sư, các đại biểu và phật tử. Nhiễu Phật 3 vòng chính là hình thức tôn vinh, kính trọng đến Đức Phật trước khi vào trong Phật điện làm lễ tụng kinh lễ bái Tam Bảo (Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo) với những vật trang trọng như đèn, nhang v.v… cầu mong sự tiến bộ, lợi ích, sự an vui lâu dài của con và các bậc có đức hạnh như là cha, mẹ v.v….

Tiếp đó là nghi thức tắm Phật tại chánh điện. Theo quan niệm, tắm Phật là việc làm cao đẹp với ý nghĩa tự nguyện làm tốt cho mình, gội rửa điều xấu, điều ác trong tâm và mong cầu sự mát mẻ, an lành, hạnh phúc cho mọi người. Nghi thức cuối cùng là nghi thức phóng sinh hòa bình và đặt bát cúng dường. Kết thúc Lễ là phần hội với các tiết mục văn nghệ đón Tết và thưởng thức các món ăn truyền thống của người Khmer Nam Bộ.

Nhấn mạnh về việc tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhà sư Thích Minh Thông, Quyền Trụ trì chùa Đức Hòa (Xã Đức Hòa, Sóc Sơn, Hà Nội) phát biểu: Dân tộc Khmer tự hào có một ngôi chùa mang nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer tại Hà Nội, đây cũng là nơi giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và đặc biệt, ngôi chùa Khmer tại "Làng" sẽ luôn là nơi đón tiếp, giao lưu với các phật tử Phật giáo Nam Tông tại các nước trên thế giới như Thái Lan, Myanma, Xri - lanca, Campuchia, Lào, Thái Lan.

Hòa với không khí đón Tết chung của cộng đồng người Khmer trong cả nước, Tết Chôl Chnăm Thmây lần đầu tiên được tổ chức tại không gian chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một hoạt động ý nghĩa, góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Khmer Nam Bộ.

Sau đây là một số hình ảnh:

Dai bieu tham du

Đại biểu tham dự Lễ khai mạc Tết Chôl Chnăm Thmây tại chùa Khmer,Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

  
Phat bieu

 Đại đức Thích Kim Tuệ, Trụ trì chùa Khmer của "Làng" (bên phải) và nhà sư Thích Minh Thông, Quyền Trụ trì chùa Đức Hòa (Sóc Sơn Hà Nội) phát biểu trong buổi lễ

Các đại biểu, phật tử tham gia nghi thức Nhiễu Phật 3 vòng quanh chánh điện

 

 Các đại biểu, phật tử tham gia nghi thức tụng kinh lễ bái Tam bảo bên trong chánh điện

 Nhà sư thực hiện nghi thức Tắm Phật

 

  Tiếp đó, các đại biểu thực hiện nghi thức Tắm Phật (Ảnh: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn (áo xanh) thực hiện nghi thức lễ)

Đại Sứ Xri-lanca tại Việt Nam I-Van- A-Và-Sinh-Hơ (bên phải) và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Triệu Thị Nái (bên trái) thực hiện nghi thức Tắm Phật

 

 Các sư và đại biểu thực hiện nghi thức phóng sinh hòa bình

Tiếp đó, các nhà sư thực hiện nghi thức Đặt bát 

 

 ....và cúng dường

Phần hội với các tiết mục độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ

Đào Loan