Trải nghiệm với Lẩu then của người Tày tại "Làng"
(LVH) - Sáng 15/1, trong chuỗi các hoạt động “Bản làng vui Tết đón Xuân”, các nghệ nhân dân tộc Tày đến từ Lạng Sơn đã tái hiện trích đoạn Lẩu khao Sluông, khai Bjoóc (khao Phu đò và bán hoa) tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) .
Then là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc Việt Nam với thế giới tâm linh đa thần. Được nuôi dưỡng và phát triển trong dân gian nên Then phản ánh những tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào qua nhiều thế hệ. Đó là những mong muốn rất bình dị của người nông dân: có thóc gạo, trâu bò, gà vịt đầy nhà, cha mẹ già trường thọ, gia đình hoà thuận yên vui, con cái hiếu thảo trưởng thành. Đối với những người làm nghề cúng bái thì làm nghề được linh nghiệm, được dân làng tín nhiệm mang lại vẻ vang cho gia tộc.
 |
Mâm lễ trên bàn thờ Lẩu then
|
Những ước nguyện này được thể hiện chủ yếu qua lời cầu khấn và nội dung từng nghi lễ cụ thể, lẩu Then tạ ơn hay còn gọi là Khao Sluông và Khai Bjoóc được tái hiện (trích đoạn những nghi lễ chính) là những nghi lễ tạ ơn của thày Then đối với các thần linh đã độ trì.
Sluông tiếng Tày có nghĩa là người phu đò – người chèo thuyền chở các lễ vật của nhà Then lên Mường trời, đến thiên đình để trả lễ khi có đại lễ hay kỳ trâm, kỳ án.
 |
Thày Then (áo xanh) và người phụ cúng bắt đầu thực hành lễ tại bàn thờ Then
|
Trong Then có kể: Tại bến đò ấy, nơi gặp nhau của 12 dòng nước lớn, đã có câu chuyện chan chứa tình thủy chung, son sắt, tấm đẫm nước mắt đầy bi ai của người vợ tiễn chồng (phu lái đò) mỗi khi chàng vượt biển lớn chở lễ vật cho quan Then.
Theo quan niệm của đồng bào Tày, thuồng luồng là linh thần ẩn cư dưới nước, có phép màu biến hóa, biến thành Sluông báo hay anh lái đò rất mê hoa, thích hát chơi ghẹo với các khỏa (những người hát đối đáp giỏi ở trên hạ giới).
 |
Nghi thức khai quang, tẩy uế
|
Trước buổi làm lễ, mọi người trong nhà của Then được làm lễ quét dọn lại nhà cửa, trang trí lại bàn thờ, chuẩn bị bột nếp làm bánh, om để ủ rượu, gạo, giấy màu, đèn, hương, …và thông báo cho dân bản biết, mời mọi người đến chung vui. Gia chủ đi mời thầy cả, các bạn tràng, con tràng đến làm lễ. Ngoài ra, gia chủ còn cần thêm 2 người phục vụ việc châm hương, rót rượu. Đó phải là những người có cuộc sống gia đình hạnh phúc, con cái chăm ngoan, hiếu thảo. Các bà Then chuẩn bị đồ nghề, quần áo, đàn tính, …Đây là dịp để đại gia đình sum họp, làng xóm đến chung vui, mỗi người một việc để chuẩn bị cho cuộc Then.
 |
Nghi thức quét lẩu với cây mía
|
Đồ lễ dâng cúng cũng là những sản vật của mùa xuân đầy tinh khiết thể hiện được lòng thành của các Then dưới hạ giới dâng lên chúa trời. Lễ vật mà họ mang lên cúng tiến mường trời là những sản vật họ tự nuôi trồng, săn bắt hoặc hái lượm được mà qua đó đã phản ánh được phương thức lao động sản xuất của họ với thịt lợn, gà, xôi, bánh, hoa quả…
 |
Nghi thức cúng đệ tử của thày Then
|
Trong nghề nghiệp của mình, Then cũng hợp thành một thế giới riêng và bị kiểm soát bởi thần thánh và tuân theo những quy tắc riêng. Then luôn bao bọc bởi những điều được phép và không được phép. Thầy then Hoàng Văn Tâm (Then Hoàng) làm chủ lễ và hành nghề cúng Then tại địa phương đã vài năm. Thầy chia sẻ: Thông thường, lễ này được tiến hành trong 3 ngày và tùy theo khả năng và điều kiện của thày Then mà 3 năm thực hiện 1 lần và trước 7 hoặc 21 ngày làm Then, thầy Then phải ăn chay, giữ cơ thể sạch sẽ, tâm hồn thanh bạch để gặp thần linh. Khi chuẩn bị tiến hành lễ, thầy Then phải thực hiện những quy định kiêng rất khắt khe như: không được đi qua dây phơi quần áo của phụ nữ; Không ăn thịt trâu, bò, chó, mèo vì quan niệm những con vật này là bẩn thỉu, uế tạp; Không được nói tục…
 |
Trò diễn trèo ghẹo, mua bán hoa
|
Mở đầu, thầy then cầm chén nước, lá đào, cây than thảo để tiến hành giải hết các uế tạp trong bàn thờ Then, trong nhà để mọi thứ thanh sạch: “Giải đi bàn thờ hướng, bàn sơn thờ việc, giải (tẩy) quạt che hương, dàn ngâm khúc nhạc, giải ngựa 9 dây, giải hương cây thúc, giải mọi thức, giải đủ, giải mọi thứ đi”.
Con đường lên mường trời của họ được ước lệ, hiện lên như mường đất nơi mà họ sinh sống như là sự lộn ngược của thế giới trần gian. Nó cũng bao gồm cảnh vật, rừng núi, chim muông, sông suối, chợ búa buôn bán làm ăn..
 |
Nghi thức nhảy múa trong Lẩu Then
|
Nhiều chương đoạn trong lời hát Then đã miêu tả khá sinh động về một không gian miền núi đầy chất hoang dã thuở trước: Núi rừng thâm u rậm rạp nhiều thú hoang, rắn rết, ve kêu vượn hót, đường đi khúc khuỷu, lên thác xuống ghềnh, v.v...
 |
Phần hội với hát Then cùng đàn tính
|
Tiếp theo, nghi thức quét lẩu, quét tạm bjoóc (quét trạm hoa nhà Then) được thày Then và các đệ tử tiến hành với việc sử dụng cầm cây mía - tượng trưng cho cây gậy thần thong, đi từ bàn thờ đến trạm binh mã (nơi để lễ vật bách gia trăm họ cung tiến) để quét, với mong muốn mọi thứ thanh sạch để lên Mường trời, khao binh khao mã nhà tướng. Thày Then và các đệ tử thực hành hành trình tiễn lễ lên các cung cửa từ tổ công, thành hoàng trong tưởng tượng với các đồ vật tượng trưng, họ sẽ phải vượt qua rừng vầu, tre, trúc đến nơi rừng già, săn hươu nai, mua trâu ở xứ lạ để tế ông Khuông ông Khắc, vượt qua biển cả, lên Mường trời tiễn lễ vật lên nhà tướng ở cung tiền, tiến hương hoa lên Phật tổ, Bồ tát, Tây Vương Mẫu, cuối cùng se đại trâm, đại kỳ lên thiên đình, vào cửa vua.
Thầy Then tiến hành nghi thức cùng với lời then, có đoạn sau, tạm dịch: “Hôm nay, nhờ bách gia trăm họ mười phương, nhà Then đây lập được đại trâm kỳ án, trước là để tạ thánh cả trên cung tiên, tạ Phật tiên ở Mường phương Tây Trúc, tạ Mẫu để nhà nhà an vui, sau nhờ các khỏa quan tiến lên thiên đình, Ngọc Hoàng ở thượng chấp lễ chấp trâm”.
Trong nghi lễ khao Sluông, thầy Then sẽ thỉnh ông Sluông Báo về nhập vào bản thân mình, bước đi uốn lượn như con thuồng luồng để trèo ghẹo, mua bán hoa – khai bjoóc với các khỏa ở dương thế. Những người tham gia lễ cùng thày Then sẽ nhập vai để đối đáp kiểu trò diễn bằng lời hát then:
“Thỉnh Sluông Báo Bích Hoa
Thỉnh Sluông Báo Bích Vân
Thỉnh Sluông Báo Hung Nô
Các Sluông có đỉ cả lên thiên giới chơi hoa
Lên cảnh thượng hạ chơi xuân
Lễ này lễ Đại lễ Mùa xuân
Đại trâm tăng chức
Đại lễ về thiên giới muôn phúc trăm phần con cháu an vui
Nhà nhà bình an, hạnh phúc”
Sluông nhập về hỏi:
Hôm nay có lễ gì mà đông vui. Có kỳ trâm gì đông đủ?
Khỏa quan (thấy khóa biết ăn nói) trả lời:
Các Sluông có đủ cả lên thiên giới chơi hoa. Lên cảnh thượng hạ chơi xuân. Lễ này Đại lễ Mùa xuân. Đại trâm thăng chức.
Sluông trèo ghẹo: hỏi hoa gì?
Hoa này hoa ở đâu lấy về. Nhìn thấy hoa héo, hoa tàn đến thế?
Khỏa quan trả lời:
Hoa này hoa ở trần thế lấy sang. Hoa ở dương Đông lấy về. Hoa này hoa kim quý, hoa xuân. Hoa rừng tươi sắc thắm.
Sluông trèo ghẹo: hỏi hoa bán bao nhiêu?
Hoa kim quý thật sao, hoa mùa xuân là thật? Hoa này bán bao nhiêu? Hoa này giá thế nào?
Khỏa quan trả lời:
Hoa này bán đắt lắm có dám mua? Hoa trả giá nghìn lạng, trăm nén. Sluông có mua thì trả giá
Sluông bảo:
Bán đắt lắm, không có tiền mua. Nghìn lạng trăm nén không mằng một thứ tình than kết bạn. Vậy kết tình bạn có được chăng?
Khỏa quan trả lời:
Hoa già nghìn lạng trăm nén, kết bạn với dương gian cũng được, thả hoa, bán cho Sluông cầm lấy.
Sluông hỏi: bạn ở đâu về?
Khỏa trả lời: ở dương thế Lạng Sơn
Sluông: Kết bạn nhưng vội về dưới thủy cung có việc. Hẹn ngày nào sang năm lại tới. Khi mùa hoa nở rộ tứ phương. Bách vật trăm đường tìm đến bạn. Hẹn khi nào cất tiếng đàn lại lên chơi.
Các khỏa nhắn nhủ cùng bạn xuân:
Nhắn tâm cùng bạn hiền. Nhớ đến đại lễ kỳ trâm. Đạ trâm về tăng chức. Đại lễ về phủ về dinh, cầu bách gia trăm họ an bình. Cầu muôn dân an khang thịnh vượng.
Như vậy, đây là một cuộc diễn xướng nghệ thuật tổng hợp,có múa, hát, trò diễn,… Với giai điệu Then, lúc trầm lúc bổng, khi trang nghiêm, khi rộn ràng, khi thanh tao, khi lâm li, thống thiết…, cuốn hút người hát, người múa và cả du khách tham dự vào một thế giới ước lệ tưởng chừng không bao giờ dứt.
Những nghi thức trên đã phản ánh được trong nó nhiều nét đẹp trong truyền thống văn hoá của người Tày, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” trong tâm lý người Việt Nam nói chung. Ở đó còn hội tụ những tài hoa nghệ thuật trong dân gian. Những thầy Then bằng công việc của mình đã góp phần đắc lực vào việc phổ biến và lưu truyền nghệ thuật biểu diễn thông qua các hình thức biểu diễn như múa, diễn trò, nhập đồng... Đặc biệt người xem được thưởng thức vẻ đẹp tinh tế, sự phong phú và cuốn hút của các điệu múa dân gian Tày.
Thông qua sự không gian tín ngưỡng này được tổ chức tại làng dân tộc Tày, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân Tày tỉnh Lạng Sơn đã khắc họa sinh động sắc thái văn hóa tâm linh của mình. Đó là một thế giới hàm chứa sức tưởng tượng sinh động của dân gian về mối quan hệ giữa trời và đất, giữa cõi nhân gian và cõi người, giữa cõi đời thực và một thế giới siêu phàm ở bên ngoài. Qua đó, phần nào nó đã thể hiện được một phần sự trong trẻo, hồn nhiên và nguyên sơ trong thế giới tâm hồn của đồng bào, góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng của người Tày tại “Ngôi nhà chung”.
Một số hình ảnh khác:
 |
Già, trẻ gái trai cùng trải nghiệm với Lẩu Then của người Tày
|
 |
Hát lượn (hát đối) giữa chàng trai trẻ người Tày Lạng Sơn với nghệ nhân Tày Thái Nguyên trong phần hội
|
 |
Các nghệ sỹ đoàn Chèo Hà Nội tham gia hát giao lưu
|
 |
Sản vật của người Tày Lạng Sơn và Thái Nguyên bày bán tại không gian nhà Tày
|
 |
 |
 |
Khách tham quan tại không gian nhà Tày
|
Thu Loan