Tết nhảy của người Dao
(LVH) - Trong khuôn khổ các hoạt động tháng 2 với chủ đề "Xuân quê hương”, sáng 2/2, Tết nhảy của người Dao được chính chủ thể văn hóa tái hiện tại Làng Vănhóa - Du lich các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Đây là một nghi lễ đặc biệt trong thờ cúng tổ tiên của người Dao Quần chẹt. Tết này thường được tổ chức từ rằm tháng Chạp trở đi, thường làm ở “Nhà cái” (con trưởng, trưởng họ) với khoảng thời gian vài năm một lần, nhưng không được lâu quá 12 năm, vì như thế là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, trời đất. Gia đình nào làm Tết nhảy được cả bản chung tay sắm sửa: Đàn bà nấu nướng làm cỗ, đàn ông chuẩn bị đao, kiếm bằng gỗ quý cùng nhiều loại vũ khí tượng trưng khác, sau khi đẽo xong thì tô mực màu xanh, đỏ và trang trí hoa văn lên. Thanh niên luyện múa hàng tháng trời.
 |
Những nghi thức đầu tiên của Tết nhảy được thực hiện sau khi trang hoàng ban thờ
|
Trong việc thực hành lễ, gia chủ phải mời 2 ông thầy cúng đến hướng dẫn và điều khiển cuộc lễ, một thầy làm chủ đám (Sliêu họ) chuyên phụ trách phần tế lễ và cúng bái, một thầy phụ trách phần múa (khoi tàn). Trước khi vào Tết nhảy, bàn thờ được quét dọn và trang trí bằng những mảnh vải đỏ. Gia chủ phải nhờ người làm các loại lễ cụ quan trọng không thể thiếu trong Tết nhảy như một số lá cờ; một số dao, rìu bằng gỗ tượng trưng cho những công cụ, vũ khí mà tổ tiên họ đã dùng để lao động và chống giặc giã, những đạo cụ này được trang trí hình hoa văn bằng mực xanh đỏ trông sống động như thật. Ngoài ra, thanh niên trong dòng họ phải ôn luyện lại các điệu múa truyền thống cho thật thuần thục để biểu diễn trong Tết nhảy.
 |
Thầy làm chủ đám (Sliêu họ) chuyên phụ trách phần tế lễ và cúng bái
|
Tết nhảy gồm các nghi thức chính.Mở đầu là lễ nhiàng chầm đao gồm 3 phần chính: Khai lễ; Chính lễ và Lễ tiễn đưa. Khai lễ, hai thầy cúng bắt đầu lập đàn cúng. Sau phép tẩy uế, thầy cúng thực hiện nghi lễ mở và treo các bộ tranh thiêng của người Dao là bộ Tam thanh, Hành sư lên xung quanh tường nhà. Tiếp đó, thầy sliêu họ bày biện các lễ vật thờ cúng, làm lễ khấn xin được làm Tết nhảy và kính mời các thần linh, Bàn Vương, gia tiên về dự lễ. Lễ này được thực hiện bằng các điệu múa mời đưa đường, bắc cầu để đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn tết.
Tiếp theo, chính lễ được bắt đầu từ lễ khai đàn và kết thúc bằng lễ chiêu binh. Nội nội dung chính của phần này là là các điệu múa, lời hát kết hợp với tiếng chiêng trống rộn ràng. Lễ khai đàn do thầy khoi tàn chủ trì với nội dung trình báo công việc chuẩn bị nhiàng chầm đao trước các chư vị thần linh nội ngoại lý và xin được chính thức cử hành nghi lễ. Lễnhiàng chầm đao được bắt đầu bằng các điệu múa nối tiếp nhau. Khởi đầu là điệu múa “tam nguyên an ham” với những động tác tung cờ, phất cờ tượng trưng cho sức mạnh của âm binh. Đây là điệu múa có tính chất dạo đầu của Tết nhảy.
 |
Nghi thức báo cáo Bàn vương của thày chủ lễ
|
Tiếp sau điệu múa “tam nguyên an ham” là điệu múa chính của nghi lễ - múa dao. Múa dao còn gọi là múa “ra binh vào tướng”, một điệu múa rất hùng tráng biểu dương cho tinh thần thượng võ của người Dao. Người múa với đạo cụ múa là con dao găm bằng gỗ thực hiện những động tác nhảy, quay, nhún, bật tung người rất nhanh, mạnh, dứt khoát, lướt đi trong tiếng trống, thanh la, não bạt trầm hùng như tái hiện lại những trang sử vẻ vang, oanh liệt của cha ông xưa trong quá trình đấu tranh chống lại giặc giã. Điệu múa phát nương (còn gọi là múa được mùa): diễn tả quá trình lao động của người Dao từ lúc phát nương cho đến khi thu hoạch với những động tác rất gần gũi trong sản xuất như phát cây, chọc lỗ, tra hạt, gặt, phơi, xay giã... Điệu múa bắt ba ba với đạo cụ 2 chuông nhỏ cầm 2 tay. múa miêu tả hành động tìm bắt ba ba. Tất cả các điệu múa trên rất độc đáo, mang tính hình tượng cao. Động tác múa được thực hiện chính xác, liên tục, khéo léo và tinh tế.
Người xem không nhận thấy sự thay đổi giữa các điệu múa mà có cảm giác như đang xem một tổ hợp các điệu múa cổ truyền vừa kỳ ảo vừa tưng bừng đến bất tận của dân tộc Dao. Trong suốt thời gian diễn ra Tết nhảy, các điệu múa được biểu diễn lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi người phải nhảy múa hàng trăm lượt liên tục cả ngày cả đêm trong tiếng chuông, tiếng trống giục giã. Vừa múa họ vừa hát những bài hát cổ xưa với nội dung kể về nguồn gốc dân tộc Dao, về quá trình chinh phục tự nhiênn và lao động, sản xuất, chống các thế lực ngoại bang…. Những câu hát, điệu nhảy huyền bí làm cho người xem có cảm giác mình đang được sống trong một thế giới khác, thế giới mà quá khứ và hiện tại đang giao hoà. Kết thúc phần chính lễ là lúc ông chủ đám (sliêu họ) mặc quần áo thầy cúng có thêu rồng đi ra ngoài sân thổi tù và, khấn Ngọc Hoàng thượng đế xuống chứng giám. Sau khi đã được Ngọc hoàng thượng đế công nhận, thầy Sliêu họ làm lễ cúng tiễn Ngọc hoàng thượng đế về thượng đình và bắt đầu làm các nghi lễ chiêu binh. Thầy sliêu họ khấn cúng các thần, Bàn Vương và gia tiên về ngự trên bàn thờ tổ.
Trước bàn thờ gia chủ, thầy sliêu họ cúng tạ kết thúc Tết nhảy. Nội dung chính của bài cúng là tạ ơn các thần linh, thổ địa, Bàn Vương đã về tiếp nhận và chứng kiến lòng thành của gia chủ trong Tết nhảy. Ngoài cúng tạ ơn, bài cúng cũng cầu xin các thần linh xá tội cho nếu trong Tết nhảy gia chủ có điều gì sơ xuất; cầu mong các thánh thần, Bàn Vương, gia tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ, thôn bản sang năm mới được mạnh khoẻ, bình an, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát đạt. Cuối cùng là lễ hoá vàng để tiễn đưa hương hồn tổ tiên trở về với quê cha đất tổ ở Dương Châu, Trung Quốc. Các thầy cúng làm phép thu hồi thánh tướng và âm binh của mình trở về nhà.
 |
Nghi thức múa với cái chuông nhỏ không thể thiếu trong phần lễ
|
Trong khoảng hơn 2 h, chủ thể văn hóa đến từ xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội đã thực hiện tóm tắt những nghi thức chính trên, giới thiệu môt nét văn há độc đáo của mình với du khách tham quan.
Tết nhảy không chỉ là nghi lễ thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ tới tổ tiên mà còn là nghi lễ cầu phúc, cầu may, với mong muốn tẩy trừ hết những điều bất hạnh, rủi ro của năm cũ; cầu xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho do gia đình, dòng họ, làng bản một năm mới dồi dào sức khoẻ, cầu cho mưa thuận gió hoà, công việc làm ăn thuận lợi. Đây cũng là dịp để người Dao ôn lại lịch sử gia đình, lịch sử của dân tộc; ôn lại vốn văn hoá truyền thống của người Dao thông qua nội dung những bài khấn, những lời ca, điệu múa. Qua Tết nhảy, bản sắc văn hoá của người Dao được thể hiện một cách sâu sắc. Những bộ trang phục truyền thống với đường thêu tinh tế có dịp được khoe sắc. Các bài cúng bằng chữ Nôm Dao, các điệu múa, lời ca, các món ăn truyền thống... có dịp được ôn lại để trao truyền cho thế hệ con cháu mai sau, góp phần giữ gìn hồn thiêng của dân tộc.
Tết nhảy của người Dao do chính chủ thể thực hiện đã tạo thêm sức hút cho “Làng” đối với du khách trong các hoạt động đầu năm mới.
Từ ngày mai đến cuối tháng, sẽ còn có nhiều hoạt động hấp dẫn, gồm: tái hiện các lễ hội độc đáo của 1 số cộng đồng dân tộc; các chương trình dân ca dân vũ; Trò chơi truyên thống... do chủ thể văn hóa thực hiện và nhiều hạt đọng lý thu, bổ ích khác đang chờ đón du khách thưởng thức, khá phá và trải nghiệm.
Một số hình ảnh khác:
 |
Thổi tù và báo cáo bàn vương của chủ lễ
|
 |
|
 |
Chủ lễ thực hiện nghi thức quan trọng nhất: cúng Bàn Vương với con lợn to được làm sạch
|
 |
Múa dao còn gọi là múa “ra binh vào tướng”, một điệu múa rất hùng tráng biểu dương cho tinh thần thượng võ của người Dao
|
 |
... Những động tác biến hóa nhanh, mạnh của các nghệ nhân
|
 |
Người xem bị cuốn hút vì những nghi thức độc đó của tết nhảy
|
Thu Loan