Tái hiện Lễ cúng bến nước của dân tộc Ê Đê tại "Ngôi nhà chung"

(LVH) - Trong khuôn khổ các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2015 tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (từ 26 - 28/6/2015), với chủ đề "Văn hóa Tây Nguyên với truyền thống gia đình mẫu hệ", sáng ngày 27/6/2015 tại không gian làng dân tộc Ê Đê, Lễ cúng bến nước, một lễ cúng đặc sắc, lâu đời của người Ê Đê tỉnh Đăk Lăk đã được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Từ xa xưa, người Ê Đê đã coi trọng nguồn nước. Bởi vì có nước mới có sự sống, nước là tài sản chung quan trọng nhất của cộng đồng. Không có nước, cộng đồng không thể tồn tại. Do đó, người tìm ra bến nước được mọi người trong cộng đồng gọi là chủ bến nước (pô pin ê a). Chủ bến nước còn là chủ đất, rừng và chủ buôn. Hàng năm, sau mùa rẫy, chủ bến nước tổ chức lễ cúng bến nước để tạ ơn các vị thần linh, tạ ơn thần nước (yang êa) đã giúp dân làng có nguồn nước sạch sinh hoạt, có nguồn nước dồi dào cho lúa bắp xanh tốt, mùa màng bội thu, con người ấm no. Truyền thuyết của người Ê Đê tỉnh Đăk Lăk có câu chuyện kể lại quá trình tìm bến nước của bà H’Nang. Bà phải đi mất 7 mùa rẫy mới tìm được bến nước của cộng đồng. Khi bà tìm thấy bến nước cũng là khi bà kiệt sức. Để nhớ ơn công lao của bà, dân làng gọi bến nước này là Krông H’Nang (hiện nay thuộc huyện Krông Năng).

Lễ cúng bến nước được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam do các nghệ nhân dân tộc Ê Đê đến từ buôn Akô Dhông và buôn Kõ Siêr (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) cùng các học sinh, sinh viên trường Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk thực hiện.

Dọn dẹp bến nước, chuẩn bị cho lễ cúng bến nước

Trước khi tổ chức lễ cúng, bến nước được dọn dẹp và sửa sang, nạo vét. Việc dựng các máng nước được chính tay các nghệ nhân thực hiện.

Các nghệ nhân Ê Đê làm máng nước chuẩn bị Lễ cúng bến nước

Bắt đầu vào lễ cúng, thầy cúng Ay Lê tiến hành nghi thức đánh chiêng, báo hiệu với thần linh lễ cúng bắt đầu và dẫn bà con buôn làng từ nhà dài ra bến nước. Đi sau thầy cúng là các chàng trai khỏe mạnh mang các lễ vật ra cúng tại bến nước. Lễ vật được chọn đặt ngay dưới máng nước, trên một hòn đá lớn, gồm 1 bát tiết và 1 bát lòng và thịt heo. Khi thầy cúng cất tiếng cúng yang, cầu mong yang phù hộ cho buôn làng nguồn nước dồi dào trong lành, dân làng khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt thì ba người đàn ông khỏe mạnh múa khiên xung quanh để xua đuổi thần ác, với ý nghĩa không cho phá bến nước.

Thầy cúng Ay Lê dẫn bà con buôn làng từ nhà dài ra bến nước

Lễ cúng tại bến nước kết thúc, thầy cúng, bà chủ bến nước, phụ nữ và nam giới lần lượt lấy nước vào các vật dụng mang theo gồm những quả bầu khô và ống bương mang về. Các chàng trai cô gái té nước vào nhau cầu mong những điều tốt lành.

Thầy cúng thực hiện nghi thức cúng tại bến nước

 Sau lễ cúng tại bến nước, thày cúng dẫn bà con buôn làng trở về nhà dài, thực hiện nghi thức cúng yang trước cổng buôn và cúng thần đất. Nghi thức cúng trước cổng buôn được thực hiện khá đơn giản bằng việc khấn yang và đổ tiết heo hiến sinh để đuổi tà ma cho buôn làng.

Thầy cúng cúng trước cổng buôn

Tiếp đó, nghi thức cúng thần đất trước nhà dài được tiến hành với lễ vật là những dụng cụ sản xuất, nước được lấy về từ bến nước và 1 con gà luộc. Những lễ vật này cùng với nghi thức cúng yang là sự gửi gắm của người Ê Đê tới yang và thần linh, cầu mong cho sự bền vững của nguồn nước, sự yên bình cho buôn làng, sức khỏe cho mọi người và mùa màng tươi tốt.

Cúng thần đất trước nhà dài

Cuối cùng, thầy cúng chia lễ vật cho mọi người cùng thụ hưởng theo thứ tự: bà chủ bến nước, bà chủ đất, phụ nữ và nam giới.

Phụ nữ là người được chia đồ lễ trước tiên theo truyền thống của người Ê Đê

Sau lễ cúng bến nước là bữa cơm gia đình trong ngôi nhà dài Ê Đê. Các món ăn trong bữa cơm của đồng bào Ê Đê không thể thiếu những món ăn quen thuộc được chế biến từ cà đắng, ớt xanh, rau mì, củ nén…

Thầy cúng thực hiện nghi thức cúng yang trong nhà dài

Ngoài ý nghĩa tâm linh và nhân văn cao đẹp, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Lễ cúng bến nước còn mang tính cố kết cộng đồng và giáo dục trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn nguồn lợi cộng đồng, trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước và đất đai.

Tái hiện Lễ cúng bến nước tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một hoạt động thiết thực giới thiệu với nhân dân, du khách nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Ê Đê, khẳng định vai trò người phụ nữ trong gia đình luôn được coi trọng và tôn vinh.

Một số hình ảnh khác: 

Lấy nước từ bến nước mang về buôn

Phụ nữ trong buôn được ưu tiên lấy nước trước

Bữa cơm gia đình trong nhà dài Ê Đê

 Thu Loan