Tái hiện Lễ Ok Om Bok của dân tộc Khmer

(LVH) - Buổi lễ diễn ra vào chiều 19/11 do đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng đang tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng thực hiện. Đây cũng là một trong lễ hội trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2017 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Lễ hội Ok Om Bok là lễ hội lớn nhất và được chờ đợi nhiều nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ (ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch). Người Khmer làm lễ Cúng Trăng nhằm cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng được hưởng hạnh phúc. Đối với người Khmer, mặt trăng được xem như một vị thần điều tiết mùa màng, phù hộ cho dân làm kinh tế khá giả trong năm, nên trong ngày này, mọi nhà đều tham gia lễ Cúng Trăng. Lễ hội thường diễn ra tại các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng…, nơi đồng bào dân tộc người Khmer sinh sống đông đúc. Trong ngày này, dân làng có thể tập trung ở sân chùa hoặc làm lễ cúng ngay ở sân nhà mình.

Đồng bào thắp nhang chuẩn bị làm lễ

Theo truyền thuyết, ngày xưa người Khmer có hai cái Tết: Âm lịch và Dương lịch. Theo Hô ra (nhà thiê văn) ngày 15 tháng Kắt Đấk (tức 12 âm lịch Khmer, đúng vào ngày kết thúc một chu kỳ của mặt trăng quay xung quanh trái đất, vào 0h thì bóng trăng không xê dịch cột trụ trồng thẳng đứng ngoài trời người ta cho đó là ngày bước sang năm mới âm lịch. Hằng năm, cứ đúng vào ngày 15 tháng Kắt Đấk (nhằm ngày 15 tháng 10 âm lịch Việt), người Khmer tổ chức lễ hội lớn họi là Ok Om Bok - Cúng trăng và đua nghe ngo.
Cúng trăng còn liên quan đến sự tích “Con thỏ và mặt trăng”. Con thỏ kết bạn với khỉ, rái cá và chó rừng nhưng thỏ lại có hiểu biết cao hơn. Có quy định thống nhất với nhau vào ngày rằm phải nhịn ăn, ngồi thiền, nhưng trước ngày đó phân công nhau phải đi tìm mồi dành cho người ăn xin. Rái cá bắt được vài con cá; chó rừng tìm được vò sữa, hũ mỡ, gói cơm; con khỉ hái được vài trái xoài chín. Riêng con thỏ là tiền kiếp của Đức Phật không đi kiếm mồi mà ngồi thiền. Ý định tốt đẹp của các con vật làm động lòng trời. Thần Sak ka tê vah reach (Vua của chư tiên) xuống trần giả làm người ăn xin để thử lòng các con vật. Cả ba con vật rái cá, chó rừng, khỉ đều mời người ăn xin dùng bữa và người ăn xin cảm ơn. Đến lượt thỏ, thỏ bảo chờ đốt lửa, sau đó sẽ có miếng mồi ngon dâng lên người ăn xin. Khi lửa cháy bùng lên, thỏ nhảy vào nhưng không thấy nóng, lúc dó người ăn xin biến mất, Thần Sak ka tê vah reach hiện thân khen ngợi sự hy sinh cao cả của con thỏ, Thần biến mình cao lớn đến tận mây, tay trái vịn vào vách núi, tay phải vẽ hình con thỏ lên mặt trăng làm kỷ niệm để tưởng nhớ con thỏ - tiền kiếp của Đức Phật mãi cho đến ngày nay.

Vị Achard chủ trì buổi lễ

Nghi thức buổi lễ được tổ chức ở ngoài sân trống, không bóng cây che khuất mặt trăng. Thức cúng gồm: cốm dẹp, môn, khoai, mía, các loại trái cây, chè đậu…(trong đó cốm dẹp là thức cúng chính). Đồng bào cắm hai cây trúc hoặc tầm vông làm như cổng có treo vài trái cau tươi cắt lột thành hai cánh gọi là con Long (ong bầu) trang trí hoa kiểng. Dưới cổng có kê một cái bàn, trên bàn có sla thor đôông và các thức cúng. Sau đó, trải chiếu mời mọi người ngồi, chắp tay hướng về phía mặt trăng. Khi mặt trăng lên khỏi rặng cây, lên nhang đèn, rót trà mời ông Achard làm chủ buổi lễ, khấn vái xin thần mặt trăng tiếp nhận và ban phúc cho mọi người đạt thành quả trong một năm cao hơn.

Đút cốm dẹp cho mọi người tham gia lễ cúng

Cúng xong, trước tiên vị Achard tụ tập trẻ con thiếu nhi lại, ngồi xếp chân chắp tay hướng lên Thần mặt trăng, rồi vị Achard nắm lấy cốm dẹp cùng các thức cúng, mỗi thứ một ít đút vào miệng của các em, còn tay kia thì đấm nhè nhẹ vào lưng và hỏi các em ước nguyện điều gì trong dịp này? những câu trả lời của các em chính là kết quả tương lai. Tiếp đó, mời bà con ăn chung thức cúng và cùng chung vui múa hát, thả lồng đèn gió và lồng đèn nước tới khuya mới chấm dứt (thả lồng gió người Khmer gọi là Bong hóh Kôôm cho bay tới nơi bảo lưu tóc và hàm răng của Đức Phật mà chư tiên đang lưu giữ ở Thiên đình và thả bóng đèn nước người Khmer gọi là Lôy pro tip cho trôi đến nơi bảo lưu hàm răng dưới của Đức Phật mà Long vương đang lưu giữ ở Long triều).

Kết thúc buổi lễ tái hiện, đồng bào Khmer đã mời du khách cùng thương thức cốm dẹp, thả lồng gió và hòa chung vào bản nhạc Niềm vui Ok Om Bok do dàn nhạc ngũ âm tấu cùng với những điệu múa hát các ca khúc truyền thống của dân tộc Khmer tạo không khí rộn ràng tại không gian làng dân tộc Khemr, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Một số hình ảnh tại lễ tái hiện:

 

Các thức cúng chuẩn bị tại lễ tái hiện

 

Du khách nước ngoài thưởng thức cốm dẹp

Hải Yến