Tái hiện Lễ cúng lên nhà Rông mới của đồng bào Gia Rai
(LVH) - Sáng 14/6, đồng bào Gia rai đến từ huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đã tổ chức Lễ cúng lên nhà Rông mới, đây là một trong hoạt động tháng 6 "Ngày hội gia đình" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Lễ cúng lên nhà Rông mới là sự hân hoan, chia sẻ, chúc mừng thành viên của cộng đồng dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai về với "Ngôi nhà chung" tại Làng Văn hoa- Du lịch các dân tộc Việt Nam nhận ngôi nhà của mình để gửi gắm niềm tin của bà con vào Yang cầu mong sức khỏe, bình an no đủ, đoàn kết trong mọi gia đình.

Trong quan niệm của đồng bào Gia Rai ở Tây Nguyên nói chung và huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai nói riêng, nhà Rông là biểu tượng của cộng đồng vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh. Sau khi di dời hay tu sửa lại nhà Rông phải được tổ chức cúng Yàng cũng là dịp để cảm tạ thần linh đã ủng hộ, giúp dân làng trong thời gian qua, cầu xin được bình an và phát triển.

Để thực hiện nghi lễ cúng nhà Rông mới lễ vật gồm có một con lợn, con gà, ghè rượu. Trước tiên thầy cúng sẽ làm lễ xua đuổi thần xấu, thần không tốt còn bám trên cây gỗ để làm nhà, phần cúng thực hiện dưới nhà gần chân cầu thang. Đồng bào Gia Rai thui sống con lợn và mổ vật cúng lấy những bộ phận cần thiết dùng để cúng như đầu lợn, thịt vai, thịt thăn, tim gan để sống. Thầy cúng bắt đầu múc một ít nước vào bát đồng vừa đọc lời cúng vừa rót nhẹ vào ghè cúng đến khi hết nước trong bát thì cũng dứt lời cúng.

“Ơ Yàng, hôm nay nhà tôi có con dê, có ghè rượu xin kính dâng lên Yang, hãy đến đây với chúng tôi cùng uống rượu, cùng ăn gan gà, gan dê này mong yang xua đuổi Chơ Lí, Chơ Long những thứ không tốt cho nhà, trước gỗ này nếu là của yang xấu cai quản, nếu hươu có trồng, nai có chăm thì nay xin đừng theo, đừng bám lại gỗ này nữa, gỗ này nhà này không còn là của rừng, của rú nữa. Gỗ này, nhà này là có chủ rồi, hỡi yàng xấu, hãy về nơi mặt trời lặn, núi này, núi kia, nơi ở của Yàng đừng bám lại nhà này nữa. Cầu mong những người sống trong ngôi nhà này được ấm no, vui vẻ, sống hòa thuận, làm ăn phát đạt”.

Sau khi cúng dưới nhà xong, thầy cúng và hội đồng già làng lên trên nhà Rông bàn bạc các công việc tiếp theo bà con trong buôn tiếp tục chuẩn bị các lễ vật cho lễ cúng.
“Hỡi Yang, trước cúng lợn xua đuổi tà ma giờ đây lại có lễ vật và ghè rượu báo tin yang, hôm nay chủ nhà lên nhà mới xin báo tin Yang, nhờ Yang cầu mong cho con đàn cháu đống, mùa màng bội thu ấm no, hạnh phúc, được yêu thương của mội người, buôn làng. Hỡi Yang đây là nhà đã có chủ”. Xong thầy cúng rót rượu vào bát đồng, lấy một phần thịt bỏ vào bát ra cửa đổ rượu vừa độc lời cúng, sau đó ra cửa chính để cúng.

Tiếp đó, thầy cúng quay lại chỗ cúng ban đầu múc đầy nước vào bát tạt nước vào nhà và mọi người cầu mong ngôi nhà sống hòa thuận, ấm no, hạnh phúc. Thầy cúng vừa cúng, vừa đánh cồng chiêng, nhảy múa xung quanh rượu ghè. Kết thúc lễ cúng cả làng vui vẻ uống rượu cần và chúc mừng chủ nhà.

Sau phần nghi thức cúng dân tộc Gia Rai đồng bào sẽ cùng nhảy múa uống rượu cần, vui chiêng cùng vòng xoang trên nhà Rông sau đó di chuyển xuống cây nêu sân lễ hội cùng chung niềm vui mừng nhà mới.

Sau đó đồng bào di chuyển đến giọt nước Tây Nguyên để vui chung niềm vui mừng những giọt nước đầu tiên về với buôn làng. Tiếp đến thầy cúng cùng dàn cồng chiêng, đội múa xoang đồng bào, du khách cùng di chuyển đến giọt nước tại làng dân tộc Gia Rai vui cùng với các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên tại Làng. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại khu vực biểu diễn giọt nước sẽ cùng xoang trong âm hưởng của nền nhạc từ các nhạc cụ dân gian và nhạc cụ dân tộc .

Ở một phương diện nào đó, bến nước đồng nghĩa với Làng, là cùng những người uống chung một nguồn nước. Xa làng là xa bến nước, nhớ làng là nhớ bến nước, về làng là về với bến nước, làm lễ pơ thi là để người ta vĩnh biệt bến nước. Đồng bào Gia Rai quan niệm rằng: Yang Ia (Thần Nước) là vị thần cung cấp nguồn nước mát lành, sức khỏe và bình an cho dân làng. Hôm nay, về với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhận ngôi nhà của mình, cùng uống. chung một nguồn nước. Đồng bào Gia Rai tin rằng ở mỗi khúc sông có một vị thần cai quản. Những vị thần cai quản sông nước được người Gia Rai gọi chung là Yang Ia. Cầu Yang Ia ban nguồn nước dồi dào để phục vụ canh tác, sản xuất mùa vụ bội thu, dân làng được ấm no, khỏe mạnh.

Xin Yang đừng trách phạt, gây họa cho dân làng khi dân làng thực hiện việc dọn dẹp, vô tình động đến nơi cư ngụ của Yang Ia.
Lễ vật cúng Yang tại bến nước được đặt trong lá chuối gồm thịt heo, gan heo, gà được cắt nhỏ ra mỗi thứ một ít, phần thịt để cúng này để bên cạnh ghè rượu và ly bằng lô ô. Sau khi bài trí xong, thầy cúng lấy nước bằng lô ô đổ xuống ghè và bắt đầu khấn.
Tạm dịch:
Ơ người tôglô người thần nước, thần núi, sấm sét
Con jrai ở trong nước prao hueng, cua, tôm
Đẹp thể, đẹp người
Đừng chà đạp xin Yang đừng trách phạt
Chúng tôi vét nước chúng tôi dâng gà
Hỡi thần cây cối, tre nứa, thần núi rừng
Hãy đến đây với chúng tôi cùng uống rượu, cùng ăn gan gà này.
Hỡi thần suối núi Chan, hãy băng qua núi, qua rừng, Thần suối Ai hãy men theo bờ ruộng, thần suối Kleng theo hướng đôg, thần suối Tong Bra dọc theo khe suối, thần suối Pok hãy đến vơi giọt nước Ia Phí chúng tôi. Hôm nay chúng tôi làm lễ dâng lên các vị thần gan gà, rượu tưới lên bến nước
Chỉ cần thần muốn chúng tôi dâng
Cho dân làng nguồn nước dồi dào
Dân làng được ấm no, sức khỏe dồi dào
Con cháu không bị bệnh tật ốm đau
Xin hãy cho chúng tôi dòng nước trong trẻo, tràn trề

Kết thúc lời khấn già làng dùng 1 que nhỏ khơi thông những cặn bẩn, sau đó người giúp việc cho già làng nhận lấy quả bầu khô lấy nước đổ vào ghè rượu già làng là người đầu tiên uống rượu cần sau đó dân làng mới uống.

Đồng bào Tây Nguyên đã tạo dựng cho mình một nét văn hóa đẹp từ bến nước. Con suối chảy giữa rừng và làng là ranh giới giữa văn hóa và tự nhiên. Con suối chảy qua làng hay giọt nước đầu làng là tặng phẩm của rừng già cho con người, nó được chắt ra từ sự tinh túy của rừng để đem đến cho sự sống tốt đẹp cho con người. Âm thanh gợi nhớ của người Tây Nguyên là cồng chiêng , hình ảnh gợi nhớ của họ là bến nước dù đi xa đến đâu vẫn nhớ giọt nước buôn làng mình. Từ giọt nước ngôi làng chúng tôi đã tạo dựng một cuộc sống nghĩa tình. Giữ gìn giọt nước cũng như giữ gìn hồn mình, buôn làng mình.
Đồng bào các dân tộc anh em đang hoạt động hàng ngày tại "Làng" cùng đến để chúc mừng chào đón người anh em đồng bào dân tộc Gia Rai và đặc biệt là niềm vui của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên cùng chung bến nước tại Làng. Mọi người cùng quây quần bên nhau thể hiện niềm vui, cùng chia sẻ động viên đồng bào dân tộc Gia Rai. Đây cũng là một truyền thống được duy trì và phát huy tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Phạm Hương