Hoạt động văn nghệ thể thao trong Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì
(LVH) - Về tham gia các hoạt động Tết dương lịch chào năm mới 2021 vừa qua tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Hà Nhì tỉnh Điện Biên đã tái hiện Tết cố truyền của dân tộc mình, bên cạnh các nghi lễ, đồng bào còn tổ chức hoạt động văn nghệ thể thao vui chơi trong những ngày Tết.
Trong ngày diễn ra tết cổ truyền của người Hà Nhì, những hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian cũng được diễn ra song song, những người dân trong bản tập trung tại một địa điểm để tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí chung như: Đánh đu (a gừ gừ nhí); Bập bênh (a chú tộ mẹ); Đu quay (a chú); Chơi cù (đồ lộ); Ném còn (lên pô pè). Ngoài các trò chơi dân gian ra, còn có các điệu múa truyền thống của dân tộc Hà Nhì như: Điệu múa sản xuất (te ma ú chà khồ tố); Múa ngày đẹp (a mì sư); Múa ống nước (tum bò sò); Múa xòe (cá nhi nhi); Hát dân ca...Tất cả các thành viên trong bản, không kể già trẻ, gái trai...mọi người đều có thể tham gia.
Đánh cù (đồ lộ): Là một trò chơi dân gian của nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Hà Nhì. Cũng như một số dân tộc khác, đây là trò chơi chỉ dành riêng cho nam giới, vừa là trò chơi có tính thể thao, được các chàng trai thể hiện khéo léo, hào hứng trong cách chơi. Được sự cổ vũ của rất nhiều người tham gia lễ hội...

Ném còn (lên pô pè): Ném còn hay còn gọi là tung còn, là trò chơi dân gian không thể thiếu của nhiều tộc người trong các dịp lễ tết...Mỗi dân tộc có một cách chơi khác nhau. Đối với người Hà Nhì, họ không dựng cột tre mà chỉ tung qua tung lại với nhau. Quả còn được làm bằng vải, những mảnh vải vụn cắt thành hình ô vuông, có cạnh khoảng 18cm, gấp chéo 4 góc vào nhau, bên trong nhồi bằng hạt bông hay hạt thóc biểu thị của sự cầu mong nảy nở sinh sôi. Dây còn cũng được khâu bằng vải, dài độ nửa sải tay, một đầu đính vào điểm tâm giao của hình vuông quả còn. Tua còn được cắt bằng vải vụn, đủ màu sắc, sau đó đính vào 4 góc quả còn và đính so le điểm trên dây còn, tạo thành biểu tượng như hình con rồng bay.
Bên cạnh các trò chơi, thì các làn điệu ca múa nhạc là điều không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì.
Điệu múa sản xuất (te ma ú chà khồ tố): Trong điệu múa thể hiện rõ được các động tác vốn có của công việc đồng áng như: gieo hạt, tỉa lúa, gặt lúa, đóng lúa, đập lúa, quạt thóc, gùi thóc về nhà...Trong điệu múa của người Hà Nhì ở bản A Pa Chải, xã Sín Thầu được 04 chàng trai và 04 cô gái Hà Nhì biểu diễn, kết hợp trong bộ trang phục truyền thống của họ, các điệu múa trở nên uyển chuyển nhẹ nhàng hòa mình cùng với khung cảnh thiên nhiên của núi rừng. Khi múa, phụ nữ Hà Nhì sẽ nhún nhảy uyển chuyển và gõ ống nước xuống đất, tạo ra âm thanh giống tiếng trống rộn ràng theo điệu múa của vòng xòe.

Hát dân ca: Ngoài các trò chơi dân gian cùng các điệu múa dân ca, trong lễ cúng bản của người Hà Nhì. Nội dung của lời hát thể hiện sự vui mừng sau những ngày lao động vất vả, mô tả những thành quả lao động đã đạt được và mong muốn những vụ mùa sau sẽ thu hái được nhiều hơn nữa... Ngoài những làn điệu mừng mùa bội thu còn có những làn điệu khác như: Cầu mong cho dân bản được khỏe mạnh, những lời ca khuyên răn, dạy bảo con cháu những điều tốt đẹp.
Múa xòe (cá nhi nhi): Múa xòe là điệu múa được đông đảo mọi tầng lớp tham gia, trong điệu múa vừa thể hiện được sự mạnh mẽ, vừa thể hiện được sự rộn ràng. Trong vòng xòe, đôi lúc các chàng trai, cô gái thể hiện những động tác cử chỉ riêng tư của mình như với bạn tình: Tiến dần vào giữa vòng, tiếp đến điệu múa tình ý ở giữa vòng rồi lại từ từ tách ra trở về vị trí cũ của vòng xòe. Trong múa xòe có sự kết hợp của các nhạc cụ như: Tiếng chiêng, tiếng trống, chúm chọe, ống nước... Đã làm tăng thêm nét phong phú, đặc trưng riêng của điệu múa xòe Hà Nhì.

Lễ tết cổ truyền (Khù xừ chà) của dân tộc Hà Nhì xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên bên cạnh những nghi lễ độc đáo, hoạt động văn nghệ thể thao, các trò chơi dân gian thu hút đông đảo mọi người tham gia, vừa tạo không khí vui chơi trong những ngày Tết cổ truyền, vừa tăng cường sự giao lưu, kết nối và lưu giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Hà Nhì nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung.
Hải Yến