Sắc màu văn hoá dân tộc H’rê tỉnh Quảng Ngãi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Tái hiện Lễ cúng bến nước, hòa tấu cồng chiêng, dân vũ Ta Clều, hát dân ca diễn xướng tín ngưỡng, trình diễn văn hóa phi vật thể Chiêng ba,…đó là một trong những sắc màu văn hóa được đồng bào dân tộc H’rê đến từ huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu tới cộng đồng các dân tộc và du khách tham quan tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Tái hiện Lễ cúng bến nước dân tộc H’rê huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Trong hai ngày 25-26/6, về tham gia hoạt động tháng 6 “Ngày hội gia đình” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong khuôn khổ hoạt động, sáng 25/6, đồng bào dân tộc H’rê đã tổ chức tái hiện Lễ cúng bến nước, bên cạnh đó, còn giới thiệu sắc màu văn hoá của dân tộc H’rê thông qua tổ chức Chương trình dân ca dân vũ “Giai điệu núi rừng” biểu diễn các tiết mục văn nghệ, loại hình trình diễn, diễn xướng dân gian qua đó phản ảnh vẻ đẹp về con người, mảnh đất nơi đây.
Nghệ nhân Phạm Thị Hết (bên phải) và nghệ nhân Phạm Thị Đế thực hiện diễn xướng tín ngưỡng Lễ cúng gọi hồn lúa
Diễn xướng tín ngưỡng Lễ cúng gọi hồn lúa, người H’rê quan niệm vạn vật hữu linh, từ đời xa xưa người H'rê đã tác ra những câu khấn mang âm hưởng diễn xướng để kết giao tiếp với thần linh bằng hình thức lễ cúng.
Trích đoạn diễn xướng trong Lễ cúng gọi hồn lúa
Diễn xướng văn hóa tín ngưỡng là các bài khấn cúng cổ xưa của người H'rê có từ rất lâu đời được lưu truyền xưa nay bằng hình thức truyền miệng của những thầy cúng voạc dầu qua nhiều thập kỷ. Với các lễ cúng như: gọi hồn, đâm trâu, cầu mưa, cúng mừng…được lưu trữ trong cộng đồng H'rê đến ngày nay gần như vẫn còn nguyên vẹn giá trị bản sắc tín ngưỡng riêng của người H’rê.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sây trình diễn Chiêng ba
Dân nhạc của đồng bào H’rê đa dạng với nhiều loại nhạc cụ như: Cồng chiêng, Chiêng ba, Chiêng Vlinh, Goang, Ding du,…trong đó, Chiêng ba Huyện Ba Tơ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2021. Chiêng ba được túc lên nhiều giai điệu như Hlay, ka oa, trù vục, hre…giai điệu được mô phỏng theo tiếng suối, thác,tiếng chim, ếch nhái ngoài đồng.
Nghệ nhân Phạm Thị Đế trình diễn Ca choi nội dung mừng được mùa
Trình diễn dân ca thể loại Ca choi Là loại hình dân ca bộc bạch tâm tư, tâm tình một mình hoặc đối đáp bằng lời ca tiếng hát, giai điệu luyến láy ngân dạo, tạo nên âm hưởng sắc thái buồn vui. Ca choi được người H’rê sử dụng trong các dịp lễ quan trọng của gia đình và ngày vui lễ hội. Nội dung các bài Ca choi như: ca choi Xui gia, đôi lứa yêu nhau, thăm hỏi, chúc phúc, mừng năm mới, vui được mùa....Thể loại dân ca Ca Choi này hiện nay gần như mai mọt chỉ còn ít nghệ nhân cảm thụ được, đa số lưu truyên bằng hình truyền miệng.
Trích đoạn trình diễn hòa tấu cồng chiêng và dân vũ Ta Clều
Trình diễn hòa tấu cồng chiêng và dân vũ Ta Clều, ngoài các dân nhạc, dân vũ theo nhịp chiêng cũng được biến tấu ngôn ngữ múa mô phỏng các hoạt động trong đời sống lao động sản xuất hằng ngày, múa, dân vũ Ta Clều ( múa hài, chọc ghẹo) thường người nam cải trang thành nữ, mang tượng trưng tính phồn thực mô phỏng tái hiện động tác lao động hằng ngày. Tấu hài băng ngôn ngữ hình thể, để tạo không khí vui tươi tràn đầy tiếng cười, tiếng cười càng nhiều thì báo hiệu mùa vụ tới dân làng lại được mùa vụ tốt tươi, ấm no hạnh phúc.
Đồng bào H'rê, Gia Rai hòa vào cùng vũ điệu Tung tung da dá của đồng bào dân tộc Cơ Tu
Bên cạnh đó, Chương trình còn có sự tham gia biểu diễn của đồng bào dân tộc Cơ Tu và Gia Rai đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Cùng hòa vào tiếng cồng chiêng và nhịp Xoang của đồng bào dân tộc Gia Rai
Đồng bào Cơ Tu đã mang đến Chương trình vũ điệu đặc trưng của dân tộc mình đó là điệu múa Tung tung da dá. “Tung tung da dá”, hay còn gọi là “Vũ điệu dâng trời”. Đây là điệu múa đặc trưng của người Cơ Tu mang tính tập thể rất cao, là sự kết hợp giữa nam và nữ, giữa âm thanh cồng chiêng cùng với tiếng “hú” vang xa, cao vút như nốt nhấn làm mạnh mẽ thêm cho ngôn ngữ múa. Ngoài ra còn biểu diễn các tiết mục múa Ơn Đảng ơn Bác hồ, Múa kiếm, múa tình anh em.
Đồng bào các dân tộc cùng hát vang bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Trình diễn cồng chiêng và múa xoang là nghệ thuật dân gian đặc sắc, là tiếng nói tâm linh, tâm hồn con người, diễn tả niềm vui nổi buồn và gắn liền với cuộc sống trong lao động, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào dân tộc Gia Rai nói riêng.
Du khách ấn tượng với những nét văn hóa của dân tộc H'rê cũng như dân tộc Cơ Tu, Gia Rai
Những bản sắc văn hóa được đồng bào H’rê trình diễn, giới thiệu tại "Ngôi nhà chung" là dịp để các dân tộc và du khách hiểu thêm văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc H’rê về phong tục tập quán cũng như về văn hóa nghệ thuật dân gian. Đồng thời, kết thúc chương trình đồng bào dân tộc H’rê, Cơ Tu, Gia Rai cùng hát vang bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, hòa vào âm vang của tiếng cồng chiêng, tiếng trống rộn ràng đã đem đến một không khí thân tình, gắn kết bền chặt của cộng đồng các dân tộc anh em, cũng như hòa vào không khí chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 tại gia đình lớn - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hải Yến