Không gian Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên
(LVH) - Trong các ngày 23, 24/11/2019, du khách đến với với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) cùng hòa mình vào sắc màu văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên của đồng bào dân tộc Ba Na đến từ huyện K'Bang tỉnh Gia Lai.
 |
Tiếng cồng chiêng, thứ âm thanh vang vọng của núi rừng Tây Nguyên
|
Tây Nguyên hùng vỹ, Tây Nguyên đại ngàn, vùng đất của những núi rừng, ngọn thác, con suối, của những người dân tộc chân chất hiền hòa luôn luôn có sức hút mạnh mẽ với những người yêu thích du lịch khám phá. Nhưng điều thu hút tất cả những thứ kể trên chính là những âm thanh của núi rừng Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng và những điệu múa cuốn hút say đắm lòng người.
 |
Tiếng cồng chiêng vang lên trong niềm hân hoan của du khách tham quan
|
Có thể nói ngay trong lòng Hà Nội có một Tây Nguyên thu nhỏ đã mang đến cho những ai yêu mến tiếng cồng chiêng, thứ âm thanh vang vọng núi rừng ấy luôn mang đến cho khách tham quan một cảm xúc rạo rực khí thế và cả những người yêu cái hồn dân tộc đều cảm nhận được điều đó. Cồng chiêng chính là tiếng lòng của người dân tộc. Niềm vui, nỗi buồn, tiếng nói của tâm linh hay kể cả những sinh hoạt hàng ngày của họ đều được thanh âm của những cồng chiêng truyền tải một cách tinh tế. Âm thanh của cồng chiêng, những loại nhạc cụ gắn liền với nghệ thuật cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống, theo suốt cuộc đời con người của dân tộc Bana nói riêng và đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung.
 |
Các vũ điệu truyền thống của con người núi rừng
|
Không biết từ khi nào tiếng cồng chiêng đã được đánh lên để mừng lúa mới, mừng mùa “con ong đi tìm mật” với ước mong ngày mùa thuận lợi bội thu. Tiếng cồng chiêng có trong tất cả các lễ hội của người dân tộc ở Tây Nguyên, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh cầu mong sức khỏe, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu trong tiếng reo hò của cộng đồng khi những chàng trai đâm trâu để hiến tế thần linh ngày bỏ mả...
 |
Niềm vui nỗi buồn đều được truyền tải qua tiếng cồng chiêng
|
Âm thanh của cồng chiêng không chỉ đơn thuần là tiếng nhạc mà còn là sợi dây kết nối mọi người lại với nhau, kết nối các cộng đồng dân tộc lại với nhau một cách linh thiêng. Chính vì thế cồng chiêng và những điệu múa truyền thống đó đã trở thành biểu tượng cuộc sống các dân tộc Tây Nguyên. Văn hóa và âm nhạc cồng chiêng cũng thể hiện tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật ở đỉnh cao của các dân tộc Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, vào các dịp cuối tuần du khách đến tham quan “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam sẽ được cùng tham gia các hoạt động hàng ngày của đồng bào đang sinh sống tại đây, để được trải nghiệm, khám phá những nét phong tục, tập quán đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và Nam Bộ.

Du khách tham quan hòa chung điệu múa cùng đồng bào

Điệu múa truyền thống của các chàng trai, cô gái trong các lễ hội của đồng bào Tây Nguyên
Thúy Nga (Ảnh: KLDT)