Sắc màu thổ cẩm tại “Ngôi nhà chung”

(LVH) - Trong những năm qua tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại đây luôn giữ gìn và phát triển nghề thủ công truyền thống, cùng với sự khéo léo, chăm chỉ của các nghệ nhân đã tạo nên những sắc màu văn hóa riêng với không gian trải nghiệm cho du khách tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Đồng bào dân tộc Tà Ôi với nghề dệt Zèng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam du khách sẽ được giới thiệu và trải nghiệm quy trình dệt thổ cẩm và tìm hiểu thêm về giá trị văn hóa của các cộng đồng tạo nên từ các sản phẩm.

Các em nhỏ chăm chú theo dõi từng chi tiết nhỏ qua bàn tay khéo léo được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Thái.



Từ cây bông qua các khâu chế tác ... người phụ nữ Thái khéo làm ra những tấm vải thổ cẩm mang đầy đủ yếu tố thẩm mỹ.

Trong quá trình cùng tạo nên những sản phẩm, du khách được nghe kể về đời sống văn hóa, những câu chuyện gắn với cộng đồng dân tộc. Đây cũng là dịp để du khách hiểu hơn về giá trị truyền thống các tộc người cũng như giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, khát khao tìm hiểu, trải nghiệm của du khách. Qua đó, giúp du khách tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo quan niệm của đồng bào Thái, những tấm vải thổ cẩm cũng là thước đo để đánh giá tài năng, sự khéo léo, giỏi giang của người phụ nữ.

Đến "Làng" du khách được tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái, dân tộc Mường, nghề se lanh dệt vải của dân tộc Mông; dân tộc Tà Ôi với nghề dệt Zèng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận…

Đồng bào dân tộc Mông khéo léo dệt lên những chiếc khăn, áo thật tinh tế

Tại đây, du khách không chỉ được tìm hiểu nghề dệt truyền thống trong việc bảo tồn nghề là bảo tồn tri thức bản địa, mà còn cảm nhận được mỗi một sản phẩm thủ công truyền thống đều có câu chuyện, gửi gắm trong đó những lời răn dạy, những kiến thức tích lũy từ đời sống của đồng bào... và bảo tồn nghề truyền thống là bảo tồn cả kho tàng văn hóa dân gian quý giá của đồng bào.

Đồng bào dân tộc Mường tỉ mỉ dệt lên những tấm thổ cẩm rất tinh tế và đa dạng 

 



Nghệ nhân Ê Đê dệt lên những tấm thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình 

Đặc biệt, đến tham quan "Làng" trong tháng 7 với chủ đề “Sắc màu thổ cẩm”, du khách còn được tìm hiểu về kiến trúc, trang phục, dân ca dân vũ, lễ hội... cùng với đó là các loại hình diễn xướng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống. Du khách được trải nghiệm, giao lưu cùng đồng bào trong các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại "Ngôi nhà chung" - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thúy Nga