Những Lễ hội đặc sắc sắp diễn ra trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”

(LVH) - Trong 3 ngày từ 14 - 16/02/2025 (tức ngày 17 - 19 tháng Giêng) tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, sẽ diễn ra Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.

Ngày hội sẽ có sự tham gia của hơn 200 đồng bào, thuộc 28 cộng đồng dân tộc ở 14 địa phương như: Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (thành phố Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Thái (Thanh Hóa); Tà Ôi, Cơ Tu (Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Chăm Bà-la-môn, Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng)…


 

Thông qua các hoạt động lễ hội, trình diễn theo phương châm "để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình" nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc của cộng đồng 54 dân tộc, mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc phục vụ khách du lịch những ngày đầu xuân tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2025 sẽ có hai nhóm hoạt động chính: Chương trình bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Ất Tỵ, mừng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - lãnh đạo Đảng, nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc.

Bên cạnh đó, ngày hội nhằm tái hiện, giới thiệu các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, qua đó để mọi người dân, du khách hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hoá, truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong hoạt động đón Tết vui xuân đặc trưng đã có từ ngàn đời nay. Đồng thời tăng cường kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca dân vũ đặc biệt của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; nâng cao sự cố kết cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển, qua đó giáo dục thế hệ người Việt Nam ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Nghi thức mở cửa tháp của dân tộc Chăm, hay lễ (Pơh băng yang) là lễ mở đầu cho cúng tế đền tháp của người Chăm mong muốn sức khỏe, sự bình an, con cháu làm ăn phát đạt. Mục đích của lễ mở cửa tháp của dân tộc Chăm nhằm dâng lễ vật cầu xin các vị thần đền tháp cho mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh, được phép khai trương, đắp đập, chuẩn bị cho việc gieo cấy.

Tái hiện Lễ hội khai hạ: Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hay còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của văn minh Việt cổ. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng Mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động. Với những ý nghĩa và giá trị sâu sắc đó, năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2023 được tổ chức quy mô cấp tỉnh tại Mường Bi (Tân Lạc). Đây cũng chính là nét văn hóa đặc sắc riêng của người Mường Hòa Bình, là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Giới thiệu trình diễn Lịch Tre của người Mường Hòa Bình: Dựa vào các phân kỳ thời gian trong một năm và cách tính toán trên cơ sở sự vận động của mặt trăng kết hợp với các sao, người Mường Hòa Bình khám phá ra những quy luật tự nhiên, ứng dụng trong trong đời sống hàng ngày.Để bộ lịch độc đáo này không bị mai một, thất truyền, tỉnh đã lập hồ sơ khoa học về di sản văn hóa. Cùng với Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, tri thức dân gian lịch Tre của người Mường Hòa Bình được chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Tái hiện trích đoạn hát múa dưới cây bông của dân tộc Thái, Thanh Hóa: Lễ hát múa ăn mừng dưới cây bông (Kin Chiêng Boọc Mạy) là một nét đẹp văn hóa tinh thần độc đáo, lâu đời của cộng đồng người dân tộc Thái, lễ hát múa để nhân dân bày tỏ tấm lòng với tổ tiên, trời đất, mong muốn mưa thuận, gió hòa và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân trong vùng. Với độc đáo riêng có một không hai, Lễ hát múa ăn mừng dưới cây bông (Kin Chiêng Boọc Mạy) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là nguồn cổ vũ động viên lớn đối với chính quyền và nhân dân huyện Như Thanh phấn đấu xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống tinh thần của nhân dân, cũng như phục vụ phát triển du lịch.

Trích đoạn lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình: Lễ hội Khai hạ của người Mường tỉnh Hoà Bình là Di sản thứ tư của tỉnh Hòa Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, của người dân 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động; góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Hòa Bình.

Tái hiện Lễ ăn mừng đầu lúa mới của dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận: Lễ ăn mừng đầu lúa mới chứa đựng nhiều giá trị về nhân sinh quan và thế giới quan của tộc người Raglai. Qua đó phản ánh rõ nét đời sống kinh tế, văn hóa của người Raglai thông qua văn hóa ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên; giữa người sống với người đã khuất và với thế giới thần linh. Ngoài ra, các loại hình văn hóa nghệ thuật trong nghi lễ ăn mừng đầu lúa mới như: hát sử thi, dân ca, dân vũ, hòa tấu các loại hình nhạc cụ truyền thống góp phần làm phong phú cho văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Raglai thể hiện lòng biết ơn, tôn kính đối với thần linh và các đấng sinh thành đã phù hộ cho họ có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglay”, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vao danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai, được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số: 149/QĐ-BVHTTDL ngày 2/2/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngoài ra du khách đến “Ngôi nhà chung” trong dịp này sẽ được trải nghiệm các hoạt động “Hội Xuân”: giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc; dân ca dân vũ, thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc, ẩm thực dân tộc…trò chơi dân gian: nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đánh yến, tó má lẹ…chương trình du lịch trải nghiệm vui xuân tại Khu các làng dân tộc, và đây cũng là dịp cộng đồng các dân tộc cùng nhau gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu bản sắc dân tộc trong những ngày đầu Xuân tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thúy Nga