Giao lưu “Mãi mãi tình yêu biển đảo” tại Ngôi nhà chung

(LVH) - Sáng 25/3, tại không gian triển lãm Làng III đã diễn ra chương trình Giao lưu “Mãi mãi tình yêu biển đảo”. Đây là hoạt động điểm nhấn trong chuỗi hoạt động tháng 3 với chủ đề “Thanh niên và đồng bào các dân tộc với biển đảo quê hương” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Các hoạt động trong tháng 3 với nhiều nội dung phong phú, giới thiệu các hoạt động giao lưu, trình diễn, giới thiệu văn hóa dân tộc giữa tuổi trẻ với đồng bào các dân tộc và khách du lịch nhằm tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết cùng xây dựng quê hương, đất nước thiết thực kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3/1931 - 26/3/2018 cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Đây cũng là dịp để lắng nghe những chia sẻ, những câu chuyện, kỷ niệm về biển đảo quê hương.

Tham gia chương trình giao lưu là những khách mời đại diện đến từ Đoàn khối các cơ quan Trung ương, Đoàn thanh niên Quân chủng Hải quân, các nhà báo, nghệ sỹ đã đến Trường Sa, Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại "Làng" cùng cán bộ, chiến sỹ, học viên Trường Đại học Trần Quốc Tuấn; phóng viên báo chí truyền hình, Đoàn thanh niên Ban Quản lý "Làng" và du khách.

Tham gia buổi giao lưu, những khách mời hầu hết là những người đã từng nhiều lần ra Trường Sa hoặc đã có thời gian đóng quân trên đảo có dịp quay trở lại thấy sự đổi khác của Trường Sa. Tất cả họ đều thấy được sự thay đổi của Trường Sa, thấy được màu xanh đất liền và màu xanh Trường Sa mãi mãi gắn kết bền chặt bởi tình yêu Tổ quốc bất diệt.

 

Toàn cảnh buổi giao lưu

Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ đã được lắng nghe các đại biểu chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm về Trường Sa và bày tỏ tình yêu, tình cảm sâu sắc dành cho Trường Sa - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc được thể hiện qua những bài hát, bài thơ hay ghi lại những khoảng khắc về cuộc sống đời thường của người lính tại Trường Sa thông qua những bức ảnh... Qua đó, để du khách đặc biệt là thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu, thêm trách nhiệm đối với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Các khách mời trong buổi giao lưu

Để khẳng định 54 dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết, hướng về Trường Sa, anh Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương chia sẻ về việc làm ý nghĩa của Đoàn. Đó là việc mang lá cờ được treo ở Lũng Cú, Hà Giang trao tặng các chiến sỹ Trường Sa lớn. Rồi sau đó, mang lá cờ của đảo Trường Sa lớn cùng nhiều chữ ký của các chiến sĩ ngoài đảo xa về với đồng bào. Việc làm đó tượng trưng cho sự kết nối như anh em một nhà, như là máu thịt của cùng một mẹ cha Lạc Long Quân và Âu Cơ giữa đồng bào 54 dân tộc Việt Nam với chiến sỹ biển đảo. Nghệ nhân Hồ Văn Hạnh, dân tộc Tà Ôi vừa có chuyến đi về với biển cùng Đoàn thanh niên BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, thăm Bảo tàng Hải Quân, cột mốc không số, gặp những nhân chứng lịch sử đã tham gia giải phóng Trường Sa chia sẻ: Trước đây, chúng tôi ở vùng sâu vùng xa thấy biển đảo rất xa xôi, chưa hình dung được cuộc sống và bảo vệ Tổ quốc trên đảo như thế nào, nhưng sau chuyến đi vừa rồi và cuộc trò chuyện này tôi như thấy biển đảo rất gần gũi, thân thương trong lòng đồng bào chúng tôi.

Cựu chiến binh Lê Xuân Phát, người cắm cờ giải phóng đầu tiên trên đảo Song Tử Tây ngày 14/4/1975 mở đầu hàng loạt những trận chiến đấu giải phóng trên quần đảo Trường Sa xúc động, chia sẻ những kỷ niệm khi còn ở Trường Sa. Ông cũng vui mừng khi thấy không chỉ đồng bào miền xuôi mà cả đồng bào miền núi cũng luôn hướng về biển đảo Tổ quốc với tình yêu và lòng tự hào sâu sắc.

Sau những chia sẻ về những cảm xúc về tình yêu biển đảo quê hương, anh Trần Văn Đấu (ngoài cùng bên phải) hát giao lưu với đại diện Đoàn thanh niên Bộ VHTTDL và Đoàn khối các cơ quan TW

Buổi gặp mặt khép lại với những món quà từ đồng bào dân tộc gửi tới các chiến sỹ Hải quân là đại diện Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân. Những món quà nhỏ, giản dị nhưng mang ý nghĩa gửi gắm tình cảm vô cùng lớn lao của đồng bào cả nước sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân Hải Phòng để các chiến sỹ có thể tới thăm.

Buổi giao lưu, gặp mặt xen kẽ là những tiết mục nghệ thuật về biển đảo Trường Sa, những bài hát gợi nhớ kỷ niệm của chính những khách mời đã đem đến cho những ai có mặt một tình cảm đặc biệt, sự xúc động mạnh mẽ của những người đã từng được ra, chưa từng đặt chân tới Trường Sa thân yêu, đã để lại sự lưu luyến trong mỗi người, góp phần truyền thêm tình yêu, tình cảm thiêng liêng, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo, khẳng định “Trường Sa trong ta” đối với mỗi thế hệ con người Việt Nam.

Một số hình ảnh trong buổi giao lưu. 

Các đại biểu khách mời tham quan không gian biển đảo tại gian trưng bày triển lãm Làng III

Đồng bào dân tộc Thái trình diễn điệu múa truyền thống của dân tộc mình

Đoàn thanh niên Bộ VHTTDL thể tiết mục "Gần lắm Trường Sa ơi"

Đồng bào dân tộc Tày tặng quà cho đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Đồng bào dân tộc Khmer tặng quà 

Đại diện Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL tặng quà cho các khách mời

Đ/c Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc BQL Khu các làng dân tộc nhận Lá cờ Tổ quốc có chữ ký của các chiến sỹ Đảo Nam Yết từ Nhà báo Lê Vĩnh Phong trao tặng  

Bài hát "Bâng khuâng Trường Sa" với sự tham gia của các đại biểu, khách mời, các chiến sỹ, học viên, đoàn viên thanh niên đã để lại sự lưu luyến, xúc động trong mỗi người
              

 Thúy Nga