Hội nghị tổng kết 01 năm hoạt động thí điểm hàng ngày của đồng bào dân tộc tại “Làng”
(LVH) - Hội nghị đã diễn ra vào chiều ngày 29/10/2016, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã tới tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tới tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị: Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc), Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Vụ Văn hóa dân tộc, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Tổng cục Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở, đại diện Sở VHTTDL các địa phương, đại diện UBND huyện các địa phương có nghệ nhân đang tực tiếp hoạt động tại “Làng”; đại diện các công ty lữ hành.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Ban Quản lý "Làng": đồng chí Lâm Văn Khang, Quyền Trưởng ban; các đồng chí Phó Trưởng ban: Nguyễn Đình Lợi, Lê Quang Anh; đại diện 7 cộng đồng các dân tộc đang tham gia hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung”.
 |
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái và Quyền Trưởng Ban Quản lý
Làng VHDL các DTVN Lâm Văn Khang chủ trì Hội nghị
|
Báo cáo Tổng kết các kết quả đạt được sau 01 năm tổ chức thí điểm hoạt động hàng ngày của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nêu rõ: Sau 01 năm tổ chức thí điểm hoạt động hàng ngày của đồng bào dân tộc đã tạo bước chuyển biến tích cực trong khai thác và hoạt động du lịch tại Làng, tạo nên sức sống cho “Ngôi nhà chung” góp phần tích cực thu hút đông đảo khách tham quan đến Làng. Theo đó, số lượng khách du lịch trong một năm qua đã tăng đột biến, từ 250.000 lượt khách/năm 2015 tăng lên khoảng 450.000 lượt khách/năm 2016.
Mô hình thí điểm với cơ cấu đối tượng dân tộc theo vùng, miền tiêu biểu (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), với nhóm dân tộc đa dạng, nội dung phân theo khung thời gian, cơ chế tài chính mang tính hỗ trợ và bước đầu ổn định đời sống của đồng bào tại một số làng dân tộc. Tuy là mô hình chưa có trong tiền lệ, nhưng được đồng bào đón nhận, hưởng ứng.
 |
Trong 01 năm qua, hoạt động hàng ngày của cộng đồng các dân tộc tại "Làng" đã đạt được nhiều kết quả đáng kể
|
Các loại hình văn hóa, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống được bảo tồn, phát huy, giới thiệu, thực hành tại "Làng". Đặc biệt là một số lễ hội và phong tục tập quán truyền thống đã tạo điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của du khách, nhà nghiên cứu và tạo niềm phấn khởi, tự hào cho chính nhóm cộng đồng, địa phương. Từ khi có hoạt động thường xuyên, hàng ngày đã thu hút được sự quan tâm, trải nghiệm của khách du lịch. Số lượng khách có sự tăng trưởng lớn, từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2016 đạt khoảng 500.000 lượt khách tham quan, gấp 200%.
Hoạt động thí điểm với nhiều thuận lợi: Về chủ trương, được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL, Ủy ban Dân tộc; Lãnh đạo các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ nhóm cộng đồng hoạt động tại "Làng"; Hoạt động thí điểm hàng ngày có sức sống bởi chính sự đồng thuận và tham gia của nhóm cộng đồng; Với kho tàng phong phú, đa dạng về văn hóa, các nhóm cộng đồng có nhiều điều kiện giới thiệu, quảng bá văn hóa dân tộc mình với đông đảo du khách tham quan. Không khung cứng như bảo tàng, với tính mở và sự tương tác giữa chủ thể văn hóa và du khách, hoạt động hàng ngày có sức lôi cuốn tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của du khách. Tuy nhiên còn gặp một số khó khăn như: Thiếu đồng bộ cơ sở hạ tầng; chưa hoàn chỉnh không gian văn hóa; rào cản về phong tục, tập quán, tín ngưỡng; phương thức huy động phụ thuộc vào nhóm cộng đồng, chưa đề cao vai trò của địa phương; cơ chế kinh phí,…
 |
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị
|
Báo cáo cũng đưa ra Kế hoạch khung hoạt động của đồng bào trong năm 2017 và dự kiến năm 2017 sẽ có 15 cộng đồng dân tộc tham gia hoạt động hàng ngày tại “Làng”.
 |
Nghệ dân dân tộc Khơ Mú Quàng Văn Cá phát biểu tại Hội nghị
|
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: Làm sao để hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phải có “hồn”. Trong thời gian qua, Ban Quản lý tập trung xây dựng theo lộ trình đến năm 2020 sẽ hoàn chỉnh cơ bản. Mặc dù kinh phí còn khó khăn, nhưng làm sao khai thác Làng là một địa chỉ đẹp, ý nghĩa của các dân tộc tại thủ đô, không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế. Trong thời gian qua, Làng đã thực hiện thí điểm đưa 8 cộng đồng về tham gia hoạt động thường xuyên, 8 dân tộc với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các địa phương đã về sinh sống tại Làng cũng có những hạn chế, nhưng có những kết quả đáng ghi nhận, tạo được sức hút với du khách. Du khách tham quan từ 250.000 lượt khách/năm 2015, tăng lên khoảng 450.000 lượt khách/năm 2016, cho thấy được hiệu quả ban đầu. Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng hoan nghênh 8 cộng đồng dân tộc đã về sinh sống thể hiện nét văn hóa ở “Ngôi nhà chung”, hoan nghênh Ban Quản lý, Sở văn hóa các địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc đưa đồng bào về hoạt động tại Làng. Đến năm 2017, có 15 dân tộc về tham gia hoạt động với cơ chế hỗ trợ đồng bào dân tộc ăn ở đi lại để ngôi nhà các dân tộc trở nên có ‘hồn”.
 |
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các nghệ nhân có thành tích nổi bật trong công tác hoạt động thường xuyên tại "Làng"
|
Thứ trưởng cũng bày tỏ hy vọng sẽ đưa được 53 dân tộc về đây, đưa 'hồn" của dân tộc mình đến với du khách. Thứ trưởng đề nghị Hội nghị tiếp tục bàn kế hoạch chung tay thực hiện mô hình này, làm sao để Làng và các hoạt động tại đây có sức sống nhưng không lai căng mất đi bản sắc mà luôn giữ được bản sắc dân tộc.
 |
Đ/c Lâm Văn Khang và đ/c Nguyễn Đình Lợi trao Bằng khen của Ban Quản ly Làng VHDL các DTVN cho các nghệ nhân đã đạt thành tích nổi bật trong hoạt động hàng ngày tại "Làng"
|
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu đều nhất trí ủng hộ mô hình hoạt động này, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để mô hình hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Lâm Văn Khang, Quyền trưởng ban Ban Quản lý đã cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng chí nhấn mạnh: Phần lớn các ý kiến đều khẳng định tổ chức hoạt động thường xuyên là hướng đi đúng, là cố gắng rất lớn của Ban Quản lý, các địa phương. Đồng chí đã tổng kết 3 nội dung chính: "Cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp cao nhất giữa các Bộ, phối hợp giữa Ban Quản lý với các địa phương, phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ; Cần phải có một cơ chế phù hợp, tăng cường nguồn thu, đáp ứng yêu cầu tối thiểu, tạo sự an tâm cho đồng bào hoạt động tại “Làng”; Phải có biện pháp để hoạt động du lịch từng bước đi vào hoạt đông chuyên nghiệp". Đồng chí cũng ghi nhận và tiếp thu các ý kiến và mong muốn mô hình này sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hội nghị đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho các nghệ nhân đã có thành tích nổi bật trong việc tổ chức hoạt động hàng ngày tại "Ngôi nhà chung”.
Hải Yến (Ảnh: Thu Loan)