Tổ chức hoạt động tháng 4 “Sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam”
(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 4 được tổ chức từ ngày 1/4 - 3/5/2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) với các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, sự kiện góp phần hưởng ứng tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4). Qua đó giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đa dạng phong phú các hoạt động thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ, hình thành điểm đến tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hoạt động tháng 4 với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Tp. Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hoà Bình); Thái (Sơn La); Khơ Mú (Nghệ An); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Xơ Đăng (Kon Tum); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Raglai, Chăm (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). Huy động khoảng 30 đồng bào dân tộc Tày, Nùng (tỉnh Thái Nguyên) ngày 08,09/4/2023); khoảng 20 đồng bào dân tộc M’nông (tỉnh Đắk Nông) huy động ngày 22,23/4/2023; 20 đồng bào dân tộc Thái (tỉnh Sơn La); 20 n đồng bào dân tộc Mông (huyện Mộc Châu, Sơn La); khoảng 40 đồng bào của 02 dân tộc Mông, Nùng (tỉnh Lào Cai) huy động từ ngày 29/4 - 02/5.
Bên cạnh các hoạt động đặc sắc của sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 4 (từ 15 - 19/4), điểm nhấn trong khuôn khổ hoạt động tháng 4 dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch và dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 với chủ đề “Ngày hội non sông thống nhất”.

Chợ vùng cao là một trong điểm nhấn hoạt động tháng 4 “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Chương trình hoạt động tháng 4 “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam" gồm các hoạt động như:
A. Hoạt động điểm nhấn “Ngày hội non sông thống nhất”
Tái hiện chợ phiên vùng cao với chủ đề “Sắc màu Lào Cai”
Chợ phiên vùng cao “Sắc màu Lào Cai”
Tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Sắc màu Lào Cai” tạo không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do chính những cộng đồng dân tộc thực hiện, giới thiệu phục vụ du khách. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày... Giới thiệu không gian văn hóa chợ của người Mông, Thái, Nùng... trong đó là các hoạt động tái hiện như không gian trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén chúc tụng chia vui, những cặp trai gái người Mông say sưa với những điệu khèn, không gian đồng bào Thái, Mông, Nùng,… Không gian chợ với 50 gian hàng (33 gian hàng chợ vùng cao, 10 gian nhà lá, khu vực nhà Phù Lá và các gian hàng nước) giới thiệu sắc màu văn hóa của các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc với khoảng 07 - 10 gian hàng của tỉnh Lào Cai gồm: rau củ quả, thịt trâu treo gác bếp, thịt gừng dân tộc Nùng..., không gian giới thiệu ẩm thực: Thắng cố, mèn mén, rượu ngô Bắc Hà, xôi màu bảy màu... đặc biệt là không gian điểm nhấn múa khèn bên chảo thắng cố do chính những chủ thể văn hóa - đồng bào dân tộc Mông tỉnh Lao Cai trình diễn; 02 gian hàng quảng bá du lịch với chủ đề “Vẻ đẹp Lào Cai”. Khoảng 10 - 15 gian hàng của tỉnh Sơn La; 20 gian hàng là giới thiệu các sản vật địa phương của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ba Vì (Hà Nội) với các sản vật đặc trưng địa phương như thổ cẩm, đồ mỹ nghệ, rượu, miến dong, mật ong… Giới thiệu không gian ảnh sắc màu văn hóa vùng cao với khoảng 80 bức ảnh được trưng bày giới thiệu dọc tuyến đường vào chợ vùng cao.
Chương trình “Sắc màu chợ phiên” của cộng đồng các dân tộc tại chợ vùng cao phía Bắc
Biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia tại Chợ vùng cao với các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền và các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như: Đánh quay (tu lu), leo cột, đánh pao, đánh yến, đu dây... của các dân tộc huy động tỉnh Lào Cai và các dân tộc đang hoạt động tại Làng tạo một không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng. Giới thiệu, trình diễn giã bánh dày của dân tộc Mông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Giới thiệu nghệ thuật khèn Mông của dân tộc Mông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018)
Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi thức lễ hội của dân tộc Mông. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mông gắn liền với chiếc khèn. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Với tiếng khèn vui người Mông mời bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn còn khi buồn tiếng khèn chậm và trầm. Tiếng khèn Mông thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khỏe khoắn. Những âm thanh của loại nhạc cụ này mang vẻ đẹp tự nhiên của vùng núi bao la, hùng vĩ nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Mông. Nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông vô cùng độc đáo thể hiến sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông, thân quen như thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với họ từ lúc sinh ra.
Tái hiện Lễ hội chơi núi (Say Sán) dân tộc Mông, tỉnh Lào Cai
Lễ Say Sán (dịch từ tiếng địa phương nghĩa là Hội Chơi núi), lễ gồm có 02 phần: lễ và hội, phần lễ diễn ra quanh cây nêu, thầy cúng làm lễ vừa đi vừa hát khấn cho mưa thuận gió hoà, mọi người, mọi gia đình đều khoẻ mạnh cùng với đó các đôi trai gái và người tham dự lễ hội cầm ô, cầm khèn đi quanh cây nêu bày tỏ lòng thành kính và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với bản làng mình. Phần hội với nững tiết mục văn nghệ như múa sinh tiền, múa khèn, hát giao duyên và những trò chơi truyền thống như kéo co, bắn nỏ, đánh quay, thi giã bánh giày...Chính vì vậy thông qua phần hội mà các chàng trai, cô gái có thể chọn cho mình những người vợ khéo tay và các cô gái cũng chọn cho mình những người bạn đời khoẻ mạnh. Lễ hội thực sự là Ngày hội sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể thao của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Giới thiệu một số món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Lào Cai.
Tái hiện Tết mừng chiến thắng của đồng bào dân tộc Nùng
Tết là dịp bà con dâng cúng thần linh thổ địa các món ăn từ chuối: quả chuối, hoa chuối, lõi chuối, xôi 7 màu với biểu tượng cây chuối và một đôi đũa màu đỏ, hát dân ca kể về sự tích chống giặc. Trong lễ ăn mừng chiến thắng, người Nùng đã làm xôi bảy màu. Từ đó, họ chọn ngày 1/7 âm lịch làm ngày Tết cổ truyền của người Nùng. Cũng từ đó, món xôi này trở nên không thể thiếu trong ngày mừng lễ chiến thắng. Theo những người cao tuổi ở đây, mỗi màu xôi mang một sắc thái của cuộc kháng chiến năm xưa. Chẳng hạn, xanh lá chuối là màu của mùa xuân; đỏ thẫm là màu máu của những người đã anh dũng hy sinh, vàng là biểu tượng cho sự đau thương ly tán, đỏ tươi tượng trưng cho chiến thắng hào hùng của người Nùng...Điều làm nên sự khác lạ của món xôi này chính là "bản hợp tấu" tài tình của màu sắc mà chỉ những người phụ nữ Nùng Dín khéo léo mới có thể tạo ra. Không dùng bất cứ một thứ phẩm màu cao cấp nào, chỉ tận dụng cây rừng có sẵn như lá cây đỏ đen, cây hoa vàng, lá câm hoa hay nghệ... nhưng bằng bí quyết gia truyền, họ đã tạo ra một món ăn hấp dẫn.
Tái hiện Lễ Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Sơn La
Hạn khuống là lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào Thái, lễ này đã có từ rất lâu đời và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hạn khuống được coi là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự phồn vinh, no ấm. Loại hình nghệ thuật Hạn khuống được tổ chức hàng năm và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Hạn Khuống là một trong những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của người Thái, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Loại hình nghệ thuật này được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái. Theo tiếng Thái, “Hạn” có nghĩa là tre, nứa và “Khuống” là sân, đất trong bản. Hạn khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời. Sàn được làm bằng những cây tre to ghép lại, dài khoảng 6 mét, rộng 4 mét và cao khoảng hơn 1 mét, xung quanh có những chấn song đan hình mắt cáo, có một cửa ra vào, lên xuống bằng cầu thang và có từ 3 đến 5 bậc. Ở giữa sàn có một bếp lửa, cạnh bếp lửa người ta dựng cây vũ trụ, tiếng Thái gọi là cây “Lắc say”. Cây này giống như cây nêu ngày Tết. Người tham gia chơi Hạn khuống phải làm sàn thật chắc bởi trên sàn còn bày đủ thứ đồ cho trai làng, gái bản trổ tài khéo tay như: Vòng quay, khéo sợi, đan lát, thêu thùa… Số lượng trai gái tham gia Hạn khuống không giới hạn, thường thì có khoảng từ 7 - 10 đôi. Các cô gái Thái duyên dáng trong trang phục váy áo cỏm truyền thống, vấn tóc đẹp, đội khăn piêu. Còn các chàng trai tay cầm nhạc cụ để đệm cho những câu khắp tình tứ lúc giao duyên. Ở Hạn khuống, lối hát giao duyên là lối hát chủ đạo, còn gọi là “Khắp báo xao”. Các câu khắp xin lên sàn với những câu từ trêu ghẹo tình tứ, tế nhị nhưng đậm chất nhân văn. Họ cứ hát như vậy cho đến khi người con trai khẳng định rằng mình chưa có vợ và chiếm được lòng tin cho người con gái thì người con gái mới thả thang cho người con trai lên sàn Hạn khuống.
Chương trình biểu diễn dân ca dân vũ “Lên Mộc Châu quê em” của đồng bào dân tộc Mông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Trình diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và kết hợp giới thiệu, trình diễn khèn Mông, dân ca, các bài hát ca khúc giới thiệu về Mộc Châu qua sắc màu văn hoá của dân tộc Mông huyện Mộc Châu.
B. Giới thiệu không gian văn hóa du lịch địa phương
Giới thiệu quảng bá văn hóa dân tộc đặc sắc tỉnh Thái Nguyên
Tái hiện nghi thức cúng Then của dân tộc Tày
Cúng Then là một trong những nghi lễ thiêng liêng vào bậc nhất trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc Tày. Đây là cầu nối tâm linh kết giao giữa con người và thần tiên để con người thể hiện những ước mơ cao đẹp trong cuộc sống. Nghi lễ cúng Then của đồng bào Tày là một nghi lễ đậm chất tâm linh, là sự hội tụ sinh động nhất các sắc màu văn hóa cổ truyền đặc trưng của người Tày như hát Then, đàn tính, âm nhạc, trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng. Và một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là giá trị nhân văn cao đẹp đậm sâu trong nghi lễ cúng Then. Đó là khát vọng muôn đời của con người về cuộc sống an vui, no đủ, là sự biết ơn các lực lượng siêu nhiên tối cao đã che chở, ban tài lộc cho con người, là sự tri ân công đức của tổ tiên được người Tày nơi đây gửi gắm trong nghi lễ.
Giới thiệu làn điệu dân ca dân vũ dân nhạc của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên
+ Giới thiệu các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống đàn Tính, hát Then, hát giao duyên, hát sli, hát lượn…
+ Trưng bày giới thiệu ẩm thực truyền thống sản vật địa phương như xôi ngũ sắc, cơm lam, bánh gio, bánh chuối…
+ Giới thiệu các vật dụng truyền thống sử dụng hàng ngày trong lao động sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tày.
+ Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như đẩy gậy, cà kheo, kéo co, ném còn...
Chương trình giới thiệu lễ hội, văn hoá tỉnh Đắk Nông
Tái hiện lễ cưới của dân tộc M’nông tỉnh Đắk Nông
Người M’nông có nhiều phong tục, lễ hội văn hoá truyền thống đặc sắc, trong đó các nghi lễ cưới hỏi được đồng bào rất coi trọng. Lễ cưới truyền thống của dân tộc M’nông là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc riêng của cư dân vùng đất cao nguyên. Những mùa lễ hội đánh cồng chiêng, lễ cầu mưa, cầu mùa, mừng lúa mới, những đêm hát giao duyên…là cơ hội tuyệt vời để các chàng trai, cô gái M’nông tìm đến với nhau. Sau khi đã chọn được cô gái vừa ý, chàng trai thưa với cha mẹ nhờ ông cậu trong gia đình hoặc ông mối trong dòng họ đi đến nhà gái để ngỏ lời cho con trai mình. Theo quan niệm của đồng bào M’nông việc tìm được chàng rể quý như mang lại sự thịnh vượng, giàu có cho cả gia đình trước đây theo truyền thống của người M’nông, người con trai sẽ về nhà vợ ở rể, do vậy bên nhà trai được thách cưới và lễ vật thách cưới trước đây có thể là một con trâu và một số lễ vật khác và nhà gái phải đáp ứng đủ những yêu cầu điều kiện mà nhà trai đưa ra”. Sau phần nghi thức truyền thống sẽ là niềm vui chung của dòng họ, buôn làng chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Giới thiệu các món ăn truyền thống sau lễ hội của đồng bào M’nông.
Giới thiệu, trình diễn giao lưu dân ca dân vũ “Sắc màu Đắk Nông” qua nét văn hoá của đồng bào M’nông
- Biểu diễn các tiết mục dân gian, các hoạt động diễn xướng, giới thiệu nghề thủ công truyền thống, cồng chiêng M’nông qua đó giới thiệu về vẻ đẹp mảnh đất, con người Đắk Nông.
Giao lưu cùng người anh em đồng bào dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum).
Hoạt động cuối tuần
Tái hiện nghi thức dựng cây nêu của dân tộc Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên Huế
Cây nêu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Cơ Tu là nơi buộc trâu hiến tế mỗi khi tổ chức các lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng… Cây nêu thường được trang trí khá cầu kỳ gồm nhiều chi tiết, hoa văn với 4 màu chủ đạo là: đen, trắng, đỏ, vàng, thể hiện nét văn hóa truyền thống và yếu tố tâm linh trong tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu. Đồng bào Cơ Tu theo tín ngưỡng đa thần với các vị thần Yang đất, Yang Trời…và theo quan niệm của đồng bào, làm việc gì cũng phải xin phép Yang, nghi thức dựng cây nêu cũng vậy. Lễ cúng trong nghi thức dựng cây nêu của đồng bào dân tộc Cơ Tu thường diễn ra trong 2 bước: cúng tại nhà Gươl và cúng tại vị trí dựng cây nêu với các lễ vật như: lợn, gà, xôi, rượu…Thầy cúng làm lễ cúng tại nhà Gươl, sau đó cùng bà con làm lễ tại vị trí cây nêu và cột lễ. Sau khi hoàn thành phần lễ (kết thúc lời cúng khấn báo cáo Yang việc dựng cây nêu đã xong) bà con dân làng và mọi người tham dự lễ cùng múa hát xung quanh cây nêu mới vừa được dựng.
Chương trình giao lưu “Tình ca Tây Nguyên” tại Làng
- Thể hiện các loại hình diễn xướng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc của các dân tộc Tà Ôi, Xơ Đăng, Cơ Tu, Gia Rai, Raglai, Ê Đê. Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng: Thổi Đinh Năm hát ay ray, đàn Chapi, đàn đá, hát những ca khúc về Tây Nguyên…
- Giới thiệu không gian điểm nhấn mang sắc màu văn hóa Tây Nguyên như: Không gian chế tác nhạc cụ, đan lát, trình diễn các loại hình diễn xướng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Hoạt động hàng ngày
+ Đặc biệt trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương (Mùng 10/3 Âm lịch tức ngày 29/4/2023) tăng cường các hoạt động hướng tới ngày Giỗ Tổ.
+ Tái hiện cuộc sống hàng ngày tăng cường các hoạt động giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, các hoạt động trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của các nhóm đoàn, phục vụ du khách tham quan tuyến điểm.
+ Giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc.
+ Thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc.
+ Phục vụ du khách tham quan tuyến điểm.
+ Trải nghiệm các gói dịch vụ du lịch..
+ Trò chơi dân gian: Nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đánh yến, tó má lẹ...
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Chương trình tổng thể hoạt động tháng 4 với chủ đề “Sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam”:
Thời gian
|
Nội dung hoạt động
|
Địa điểm
|
Ngày 01/4/2023 (Thứ Bảy)
|
09h00 - 10h00
|
Tái hiện nghi thức dựng cây nêu của dân tộc Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên Huế đang hoạt động hàng ngày tại Làng
|
Không gian làng dân tộc Cơ Tu, khu các làng dân tộc II
|
14h30-16h00
|
Chương trình dân ca dân vũ “Tình ca Tây Nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại Làng
|
Không gian làng dân tộc Gia Rai, khu các làng dân tộc II
|
Ngày 02/4/2023 (Chủ Nhật)
|
09h00 - 10h30
-
14h30 - 16h00
|
Chương trình dân ca dân vũ “Tình ca Tây Nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại Làng
|
Không gian làng dân tộc Gia Rai, khu các làng dân tộc II
|
Ngày 08/4/2023 (thứ Bảy)
|
Buổi sáng:
9h00 - 11h00; Buổi chiều: 14h30 - 16h00
|
Chương trình quảng bá văn hoá dân tộc đặc sắc tỉnh Thái Nguyên
- Giới thiệu làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống: Hát sli, hát then… của đồng bào dân tộc Tày, Nùng.
- Tổ chức tái hiện giới thiệu trò chơi dân gian.
- Giới thiệu không gian văn hóa du lịch và sản vật địa phương gắn với văn hoá dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên.
|
Không gian sân lễ hội làng dân tộc Tày, Khu các làng dân tộc I
|
Ngày 09/4/2023 (Chủ Nhật)
|
09h00 - 10h30
|
Tái hiện nghi thức cúng Then của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại Làng
|
Không gian làng dân tộc Tày, khu các làng dân tộc I
|
Cả ngày
|
Chương trình quảng bá văn hoá dân tộc đặc sắc tỉnh Thái Nguyên
- Giới thiệu làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống: Hát sli, hát then… của đồng bào dân tộc Tày, Nùng.
- Tổ chức tái hiện giới thiệu trò chơi dân gian.
- Giới thiệu không gian văn hóa du lịch và sản vật địa phương gắn với văn hoá dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên.
|
Không gian sân lễ hội làng dân tộc Tày, Khu các làng dân tộc I
|
HOẠT ĐỘNG NGÀY VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM 19/4 NĂM 2023
(Theo Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
(từ ngày 14-19/4/2023)
|
Chương trình quảng bá nét văn hoá dân tộc đặc sắc tỉnh Đắk Nông
Ngày 22/4/2023 (thứ Bảy)
|
09h00 - 10h30
-
14h30 - 16h00
|
Chương trình giao lưu “Sắc màu Đắk Nông” của đồng bào dân tộc M’nông tỉnh Đắk Nông
|
Không gian làng dân tộc M’nông, khu các làng dân tộc II
|
Ngày 23/4/2023 (Chủ Nhật)
|
09h00 - 10h30
|
Tái hiện Lễ cưới của dân tộc M’nông tỉnh Đắk Nông
|
Không gian làng dân tộc M’nông, khu các làng dân tộc II
|
14h30 - 16h00
|
Chương trình giao lưu “Sắc màu Đắk Nông” của đồng bào dân tộc M’nông tỉnh Đắk Nông
|
CHƯƠNG TRÌNH ĐIỂM NHẤN “NGÀY HỘI NON SÔNG”
Từ ngày 29/4-03/5/2023 (thứ Bảy, Chủ Nhật, thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư)
|
Ngày 29/4/2023 (thứ Bảy)
|
Cả ngày
|
Các cộng đồng dân tộc hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3”
|
Tại không gian các làng dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, Chăm
|
Ngày 29/4/2023 (thứ Bảy)
|
09h00-10h00
|
Tái hiện Lễ hội chơi núi (Say Sán) dân tộc Mông tỉnh Lào Cai
|
Chợ phiên vùng cao phía Bắc, Khu các làng dân tộc I
|
Ngày 30/4/2023 (Chủ Nhật)
|
09h00-10h00
|
Tái hiện Tết mừng chiến thắng dân tộc Nùng tỉnh Lào Cai
|
Làng dân tộc Nùng, Khu các làng dân tộc I
|
09h30 - 11h00
-
15h00 - 16h30
|
Chương trình biểu diễn dân ca dân vũ “Lên Mộc Châu quê em” của dân tộc Mông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
|
Không gian bãi cỏ, Khu các làng dân tộc III
|
Ngày 01/5/2023 (thứ Hai)
|
09h00-10h00
|
Tái hiện Lễ Hạn khuống của dân tộc Thái tỉnh Sơn La
|
Làng dân tộc Thái, Khu các làng dân tộc I
|
09h30 - 11h00
-
15h00 - 16h30
|
Chương trình biểu diễn dân ca dân vũ “Lên Mộc Châu quê em” của dân tộc Mông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
|
Không gian bãi cỏ, Khu các làng dân tộc III
|
Ngày 29,30/4 - 03/5/2023 (Thứ Bảy, Chủ Nhật, thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư)
|
Cả ngày
|
Chợ vùng cao chủ đề “Sắc màu Lào Cai” Hoạt động điểm nhấn
- Giới thiệu không gian văn hóa đặc trưng không gian chợ vùng cao đậm sắc màu văn hóa tỉnh Lào Cai, Sơn La, huyện Mộc Châu
- Giới thiệu không gian điểm nhấn tại chợ vùng cao với sắc màu đặc trưng của các dân tộc và có sự tương tác trình diễn của các chủ thể văn hóa.
- Giới thiệu ẩm thực dân tộc: Thắng cố, mèn mén, xôi nếp bảy màu, gà quay dân tộc, lợn quay, nấu rượu ngô người Mông, cá nướng, canh vón vén…
- Giới thiệu, bán các sản vật đặc trưng địa phương như: Thổ cẩm, nhạc cụ, đồ khô sản vật, rượu, măng, miến, rau, củ, quả tươi...
- Giới thiệu các nghề thủ công truyền thống: Đan lát, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ, nấu rượu…
- Hoạt động dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông, Nùng tỉnh Lào Cai; dân tộc Mông, Thái tỉnh Sơn La và các cộng đồng đang hoạt động hàng ngày tại Làng thực hiện.
|
Không gian chợ vùng cao phía Bắc, Khu các làng dân tộc I
|
9h00 - 10h30, 14h30 - 16h00; các ngày 29,30/4-01,02, 03/5/2023
|
Chương trình “Sắc màu chợ phiên”
của đoàn nghệ nhân dân tộc tỉnh Lào Cai, Sơn La
và các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng
|
Không gian chợ vùng cao phía Bắc, Khu các làng dân tộc I
|
09h00 - 09h30; 14h00 - 14h30 các ngày 29/4-02/5/2023
|
Giới thiệu nghệ thuật Khèn Mông của dân tộc Mông (Mộc Châu) tỉnh Sơn La - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2018
|
Không gian chợ vùng cao phía Bắc, Khu các làng dân tộc I
|
Cả ngày
|
Trưng bày, giới thiệu khoảng 80 bức ảnh với chủ đề
“Sắc màu vùng cao”
|
Không gian chợ vùng cao phía Bắc, Khu các làng dân tộc I
|
Hoạt động hàng ngày tại các làng dân tộc
từ ngày 01-30/4/- 03/5/2023
|
Ngày
01-30/4/2023 - 03/5/2023
|
- Hoạt động hàng ngày: Tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, Chăm.
|
Không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, Chăm.
|
Dịp cuối tuần
Ngày (01, 02; 08,09; 15,16; 22,23; 29,30/4; 01-03/5/2023)
(các thứ Bảy,
Chủ Nhật và ngày lễ).
|
- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc
- Chương trình dân ca, dân vũ: Các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Mường; ..
- Các trò chơi dân gian: ném còn, đi cà kheo, bập bênh, ném pao ...
- Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, làm thuốc...
- Chương trình du lịch để du khách trải nghiệm tại không gian Khu các làng dân tộc.
|
Không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, Chăm, chùa Khmer, chùa Pháp Ấn.
|
Phạm Hương