Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: 10 năm - Một chặng đường phát triển
(LVH) - Sáng 19/9, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đi vào hoạt động (19/9/2010 - 19/9/2020) với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm
Tới tham dự lễ kỷ niệm có đồng chí đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; các đồng chí cán bộ, nguyên cán bộ Bộ VHTTDL; các đồng chí nguyên lãnh đạo, cán bộ đã nghỉ hưu và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; đại diện 16 cộng đồng các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng và đông đảo cơ quan truyền thông, báo chí.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã báo cáo tóm tắt kết quả công tác đã đạt được trong 10 năm qua.
Theo đó, kể từ khi được thành lập và khởi công xây dựng, ngày 19/9/2010 Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chính thức khai trương đi vào hoạt động, với phương châm vừa vận hành khai thác cục bộ, vừa xây dựng. Ngay sau khai trương, ngoài việc tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn chú trọng công tác khai thác vận hành Khu các làng dân tộc bằng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đa dạng phong phú với sự tham gia của đồng bào các dân tộc.
Từ năm 2010 đến nay, có gần 30 sự kiện lớn được tổ chức, các sự kiện đã huy động hơn 7000 lượt đồng bào, trong đó có hơn 40 cộng đồng dân tộc về tham gia các hoạt động và thu hút gần 4 triệu lượt khách tham quan. Đặc biệt, hàng năm có ba sự kiện thường niên được tổ chức, đó là: sự kiện “Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”; “Chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4”; Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” từ 18/11 đến 23/11. Đây là các sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, góp phần hiện thực hóa chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt,luôn nhận được sự quan tâm động viên và trực tiếp tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội.

Đồng chí Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam báo cáo kết quả đã đạt được trong 10 năm qua.
Từ cuối năm 2015, hoạt động tại Làng đã có sự chuyển biến sâu sắc, đó là việc tổ chức đưa đồng bào về sinh sống, tính đến nay đã có hàng nghìn lượt đồng bào của 16 dân tộc về tham gia hoạt động thường xuyên tại Làng, gồm dân tộc: Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer. Góp phần làm cho không gian Làng Văn hóa càng thêm sinh động, là nơi văn hóa đa sắc màu giao lưu, hội tụ và tỏa sáng, nơi cộng đồng các dân tộc cùng chung mục tiêu bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cùng nhau quảng bá những giá trị đó đến với du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2016, Làng VHDL các DTVN chính thức thu phí tham quan, đây là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của Làng, là động lực thúc đẩy ngày càng hoàn thiện hơn cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa hoạt động từng bước đưa Làng VHDL các DTVN hướng tới sự chuyên nghiệp và hiệu quả, là điểm
Trong những năm gần đây, đã có một số đơn vị đầu tư các dịch vụ tại Làng và các nguồn từ xã hội hóa như dịch vụ xe điện, khu ẩm thực, hướng dẫn tour cho du khách, tạo sự chuyển biến trong việc tăng cường các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan. Nhiều tập đoàn lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các khu chức năng kêu gọi đầu tư tại Làng, công tác quảng bá xúc tiến du lịch ngày càng đẩy mạnh và có nhiều khởi sắc.
Làng VHDL các DTVN còn là địa điểm lý tưởng tổ chức các hoạt động dã ngoại, ngoại khóa, vừa vui chơi giải trí, vừa tìm hiểu văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đặc biệt được tiếp cận gần hơn với đồng bào các dân tộc, trải nghiệm văn hóa do chính đồng bào hướng dẫn, tạo sự hấp dẫn và thu hút du khách khi tới với Làng.
Quyền Trưởng ban Trịnh Ngọc Chung thay mặt Làng VHDL các DTVN đã trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Bộ, Ban, Ngành, Lãnh đạo Bộ VHTTDL, các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý qua các thời kỳ đã luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Làng trong những năm qua, đó là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại Làng, cũng như tập thể công chức, viên chức, người lao động Ban Quản lý vượt qua những khó khăn, thử thách trong chặng đường phía trước, tiếp tục đưa Làng VHDL các DTVN phát triển bền vững.

Đồng chí Lâm Văn Khang, nguyên Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Lâm Văn Khang, nguyên Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thay mặt các cán bộ, nhân viên đã công tác tại Làng đã bày tỏ sự xúc động, vui mừng và tự hào trước sự phát triển của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Với rất nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức quy mô, có chiều sâu, hi vọng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng là “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao cố gắng của tập thể lãnh đạo công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà Làng đã đạt được trong chặng đường 10 năm mở cửa, xây dựng và phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Trên cơ sở mục tiêu đã đề ra, trong tương lai gần Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam cần phấn đấu sẽ là “địa chỉ đỏ” của du lịch về văn hóa, về giáo dục, là nơi giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc văn hóa dân tộcvà con người Việt Nam. Để thực hiện được điều đó, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần phải: Quán triệt nghiêm túc mục tiêu xây dựng và phát triển Làng; Xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại Làng, chú trọng công tác chăm lo đời sống của cộng đồng các dân tộc sinh hoạt tại Làng; Tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới để thu hút khách tham quan; Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, kêu gọi xúc tiến đầu tư xây dựng các khu chức năng không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện mô hình quản lý để Làng khẳng định vị thế của mình trong giai đoạn mới.

Các đại biểu cắt băng khai trương cụm dịch vụ phục vụ khách du lịch tại khu vực cổng A
10 năm kể từ ngày khai trương, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với sự thay đổi cơ bản trong quá trình xây dựng và phát triển. Các hoạt động được tổ chức là dịp để Ban Quản lý nhìn lại, đánh giá hiệu quả quá trình tổ chức hoạt động, vận hành, khai thác Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong những năm qua. Đồng thời, cũng là dịp để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đoàn kết phát huy những kết đạt được, khắc phục mọi khó khăn, thách thức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng và tổ chức các hoạt động để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự là “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham quan cụm dịch vụ phục vụ khách du lịch tại cổng A
Sau Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cắt băng khai trương cụm dịch vụ phục vụ khách du lịch tại khu vực cổng A, tham quan không gian triển lãm ảnh "Hành trình 10 năm phát triển của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam". Đồng thời, tham dự, giao lưu với cộng đồng các dân tộc tại không gian làng dân tộc Thái, Ba Na và dự Lễ Sen Dolta tại quần thể chùa Khmer.
Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 10 năm Làng VHDL các DTVN đi vào hoạt động (19/9/2010-19/92020):







Phạm Hương