Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”
(LVH) - Sáng 15/4, Bộ VHTTDL đã tổ chức Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đây là một trong hoạt động chính chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Tham dự Diễn đàn gồm có: Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; Thứ trưởng, Phó Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông; Bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đại diện Lãnh đạo các cơ quan Trung ương; Các Chuyên gia, Nhà khoa học về lĩnh vực văn hóa; Lãnh đạo các đơn vị các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương; Lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; đại diện nghệ nhân, đồng bào các dân tộc đang sinh sống và hoạt động tại “Làng” và các cơ quan thông tấn báo chí.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Diễn đàn của đồng bào dân tộc Mạ
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết vào những ngày tháng 4 lịch sử này, cả dân tộc Việt Nam đang sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để hướng về nguồn cội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Trong chuỗi hoạt động lần này, toàn ngành văn hoá đã đặt lên vai mình trách nhiệm, cùng với nhân dân nhìn lại sức mạnh của văn hoá Việt Nam theo quan điểm, đường lối của Đảng.
“Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu Văn hoá soi đường cho quốc dân đi, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc Văn hoá còn thì dân tộc còn, để mất văn hoá thì dân tộc sẽ mất và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực văn hoá, thời gian qua, Bộ VHTTDL nói riêng và ngành VHTTDL cả nước nói chung đã triển khai nhiều giải pháp phát triển nguồn lực văn hoá. Quá trình thực hiện nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân. Từ đó, toàn ngành càng nỗ lực hơn trong xây dựng, chấn hưng và phát triển văn hoá Việt Nam”,

Đại biểu tham dự Diễn đàn
Cũng theo Bộ trưởng, chỉ cách đây 2 tháng, toàn ngành văn hoá đã tham mưu đúng và trúng cho lãnh đạo Đảng để tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam, văn kiện đầu tiên của Đảng ta về văn hoá. Trong đó, có việc tổ chức thành công trên nhiều phương diện Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam: Khởi nguồn và động lực phát triển. Sau Hội thảo, toàn ngành đã nhận thức đầy đủ hơn về thực hiện các quan điểm của Đảng, chủ trương, đường lối đúng đắn, tư tưởng của Bác Hồ về lĩnh vực văn hoá; gắn phát triển văn hoá với thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay để tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp lớn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra tại Hội nghị văn hoá toàn quốc.
Đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh Trần Huấn
Bộ trưởng tiếp tục khẳng định, đất nước Việt Nam hết sức tươi đẹp, có nền văn hoá lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển. 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên dải đất hình chữ S đã đồng lòng tạo nên lịch sử dựng nước, giữ nước qua hàng nghìn năm và có sự gắn kết cộng đồng, đồng hành rất chặt chẽ. Trong đó, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hoá riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hoá Việt Nam. Đó là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển của văn hoá nước nhà; làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và sức hấp dẫn của nền văn hoá Việt Nam; góp phần định vị bản sắc văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh Trần Huấn
Ngoài những gì đã làm được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu khai thác, phát huy nguồn lực văn hoá cộng đồng các dân tộc là việc cần phải làm theo hướng bền vững, thực hiện theo từng bước, nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm. Qua đây, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành văn hoá phải quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng, làm tốt công tác quản lý của nhà nước; đề cao vai trò của nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng và huy động sự tham gia của tất các bên liên quan, đóng góp vào sự phát triển nguồn lực văn hoá các dân tộc, vì sự phát triển chung của đất nước.
Cũng theo cách tiếp cận này, ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ trưởng mong muốn các Ban, Bộ, ngành, chính quyền địa phương… phải nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hoá; bảo vệ, phát huy các giá trị văn hoá; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt đầu tư, khai thác nguồn lực văn hoá của các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, phát triển du lịch gắn với tăng cường quảng bá văn hoá, đào tạo nhân lực văn hoá cũng phải được chú trọng.

GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tham luận tại Diễn đàn
Các Ban, Bộ, ngành, địa phương… cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Bộ VHTTDL để đánh giá tổng thể về tiềm năng, trữ lượng nguồn tài nguyên văn hoá, đặc biệt là những giá trị văn hoá tiêu biểu của đồng bào DTTS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong số hoá những di sản đang có nguy cơ mai một; triển khai thực hiện chiến lược đề án quy hoạch, chương trình phát triển các loại hình du lịch văn hoá, dịch vụ văn hoá ở cộng đồng các dân tộc; biến những giá trị văn hoá trở thành tài sản về văn hoá, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Về phía cộng đồng các dân tộc, với tư cách là chủ thể sáng tạo, Bộ trưởng yêu cầu đồng bào phải đề cao trách nhiệm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; tham gia tích cực vào các hoạt động sáng tạo, truyền dạy, kế thừa; thực hành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; tiếp thu và bổ sung những giá trị mới để xây dựng con người Việt Nam với những giá trị phù hợp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ngoài ra, Bộ VHTTDL mong muốn các doanh nghiệp thông qua diễn đàn sẽ phát huy sức mạnh nội sinh của văn hoá, chủ động xây dựng văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân hãy phấn đấu để trở thành đại sứ quảng bá các giá trị văn hoá, con người Việt Nam.


Các Đại biểu tham gia tọa đàm, trao đổi tại Diễn đàn
Các tổ chức chính trị và xã hội nghề nghiệp tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình cần tổ chức thêm các hoạt động sáng tạo phù hợp với phát triển văn hoá; phát huy vai trò cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp và các tầng lớp xã hội, nhân dân trong tuyên truyền, quảng bá văn hoá và phản biện xã hội.
Đồng thời, tại Diễn đàn này, Ban tổ chức mong muốn các đại biểu tham dự sẽ có những ý kiến gợi mở, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền những sáng kiến, giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và sử dụng nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam trong phát triển đất nước.
Tại Diễn đàn, các nhà Khoa học, nhà Nghiên cứu văn hóa trình bày bài tham luận một số nội dung như: Sự đa dạng của văn hóa dân tộc và một số vấn đề đặt ra hiện nay; Phát huy nguồn lực văn hoá các dân tộc thiểu số trong phát triển đất nước: một số nhận thức căn bản; Đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong bối cảnh phát triển hiện nay; Hai quan niệm về bảo tổn và phát huy văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, tại phiên thảo luận bàn tròn, các Đại biểu đã trao đổi về Giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và sử dụng nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam trong phát triển đất nước. Nguồn lực văn hóa các dân tộc có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; Phục dựng lễ hội truyền thống cho phát triển du lịch - câu chuyện từ cộng đồng; Tài nguyên văn hóa khởi đầu từ biểu tượng - họa tiết; Bảo tồn và phát huy giá trị Khèn của người Mông; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tổng kết Diễn đàn. Ảnh Trần Huấn
Đồng thời, các ý kiến tham luận tại Diễn đàn cũng nêu lên tầm quan trọng của văn hóa dân tộc, nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển bền vững đất nước, bên cạnh các yếu tố trụ cột như kinh tế, xã hội và môi trường.
Ngoài ra, Diễn đàn còn nhận được nhiều ý kiến thiết thực về tình hình thực tiễn triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa dân tộc, việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu tổng kết Diễn đàn, thay mặt Ban Tổ chức, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh sẽ tiếp thu những ý kiến phát biểu, trao đổi quý báu của các Nhà khoa học, các đại biểu tại Diễn đàn và sẽ nghiên cứu tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL về những đề xuất, giải pháp, những chia sẻ, quan tâm của các nhà khoa học, các đại biểu đối với Bộ VHTTDL. Các ý kiến quý báu trong Diễn đàn ngày hôm nay, góp phần triển khai, thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24/11/2021), Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, hướng tới bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Phạm Hương (Ảnh Phạm Minh)