Hội thảo Xây dựng Đề án tổ chức các sự kiện thường niên tại “Làng” giai đoạn 2015-2020
(LVH) - Theo đó, Hội thảo được tổ chức vào sáng nay, 17/4/2014, tại trụ sở Bộ VHTTDL với sự tham gia của các đại biểu là các nhà quản lý, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực nhằm trao đổi, góp ý, bổ sung, làm phong phú hơn nội dung hoạt động của các sự kiện được tổ chức thường niên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Chỉ đạo Hồ Anh Tuấn chủ trì Hội thảo.
 |
Quang cảnh Hội thảo
|
Đây là một trong những hoạt động thiết thực được tổ chức nhân dịp 5 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4/2009 - 19/4/2014).
 |
Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Chỉ đạo Hồ Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo
|
Phát biểu đề dẫn khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo cũng như bày tỏ mong muốn các đại biểu tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho nội dung của bản Đề án, sao cho các hoạt động những năm tới đây của “Làng” thực sự mang lại nhiều lợi ích hơn nữa, có ý nghĩa thiết thực hơn nữa và nhằm khắc phục một số tồn tại trong việc tổ chức các hoạt động tại “Làng” trong thời gian vừa qua, đồng thời, góp phần hiệu chỉnh, bổ sung, làm phong phú các nội dung của Đề án, cũng là để việc tổ chức các hoạt động, sự kiện tại “Làng” sắp tới ngày càng đi vào chiều sâu, có kế hoạch, có tính hệ thống và dần thực sự trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Báo cáo nội dung Dự thảo Đề án, đồng chí Lâm Văn Khang, Phó Trưởng Ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức nêu rõ: Đề án tổ chức các sự kiện thường niên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2015-2020 gồm 3 nội dung chính: thực trạng hoạt động và kết quả tổ chức các hoạt động, sự kiện tại “Làng” trong 5 năm qua (2010-2014); những chủ đề trọng tâm và nội dung chính của các hoạt động, sự kiện tổ chức tại “Làng” trong giai đoạn 2015-2020 và cách thức tổ chức thực hiện.
Bản Đề án cũng nêu rõ giải pháp về nội dung, ý tưởng và hình thức tổ chức các sự kiện giai đoạn 2015-2020 chủ yếu vẫn phải bám sát các hoạt động do chính chủ thể văn hóa tự giới thiệu, đồng thời, cũng cần có nhiều ý tưởng mới, phong phú và hấp dẫn. Về định hướng chủ đề và nội dung chính cần hướng tới vẫn bám sát giải pháp, tiêu chí Đề án đã nêu, trong đó, bám sát ý tưởng, ý nghĩa, mục đích của 3 sự kiện thường niên đó là “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Bản sắc Văn hóa Việt Nam” và Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”. Theo đó, Đề án đề xuất chi tiết cụ thể nội dung, thời gian, địa điểm, hình thức và cách thức tổ chức thực hiện các sự kiện…
Phát biểu tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với bản Dự thảo Đề án, tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung, mở rộng và cụ thể chi tiết hơn nữa và đặc biệt quan tâm hơn nữa vấn đề định hướng nội dung các hoạt động, một số nguyên tắc cụ thể trong cách thức và hình thức tổ chức, vấn đề phát triển du lịch - văn hóa, các chương trình tham quan thực tế Làng Văn hóa…
Nhất trí với nội dung Đề án, TS. Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhấn mạnh: Đề án tổ chức các sự kiện thường niên tại “Làng” có ý nghĩa quyết định đối với sức sống, sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với “Làng”, do vậy, việc đầu tư vào các cụm không gian văn hóa ở “Làng” đòi hỏi nguồn lực vô cùng lớn, không chỉ tập trung vào các yếu tố vật thể… Đặc biệt, cần đầu tư chiều sâu cho các yếu tố phi vật thể để từng bước tạo nên tính linh thiêng cho “Làng”.
Nhấn mạnh việc phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức các sự kiện tại “Làng”, đặc biệt là trong giai đoạn 2015-2020, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, cần lưu ý đến một số vấn đề mang tính căn bản như: cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, lên kế hoạch và tổ chức sự kiện; cộng đồng phải được tham gia vào quá trình đánh giá hiệu quả sự kiện và phải được lợi từ sự kiện… Muốn thế, việc huy động cộng đồng cần chú ý những vấn đề như: đặt cộng đồng trong bối cảnh văn hóa, xã hội của chính họ, chú ý hơn đến nghệ nhân, người có uy tín, già làng, trưởng bản và tôn trọng sự sáng tạo của cộng đồng trong tổ chức sự kiện…Có như thế, mới có thể tổ chức sự kiện được một cách thường niên, bền vững…
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguyên tắc cụ thể trong tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ tại “Làng", TS. Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai cho rằng qua thực tiễn cần nghiên cứu và đặc biệt quan tâm đến vấn đề nội dung, hình thức tổ chức, kết cấu và tính hệ thống của các sự kiện: lựa chọn chủ đề gì, loại hình nào, nhu cầu người xem ra sao, tổ chức hoạt động văn hóa theo không gian, địa điểm nào tại “Làng” để cho phù hợp, hiệu quả…
Về vấn đề liên kết và phát triển du lịch tại “Làng”, một số đại biểu cho rằng: từ bản đề án nên xây dựng thành kịch bản cho việc tổ chức từng sự kiện cho cả 5 năm và chia ra từng năm một theo hướng gợi mở dần dần và cần có sự phối hợp, liên kết cũng như tham gia, hỗ trợ của ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch để qua đó, tạo được các sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn du khách tham quan và đến với Làng Văn hóa… Trên quan điểm này, đại biểu Đỗ Đình Cương, Giám đốc Công ty cổ phần cung ứng nhân lực du lịch Việt Nam cho rằng: nên chú trọng thêm những hoạt động trong nhà, ngoài trời dành cho du khách như cắm trại, dã ngoại, tổ chức giao lưu tại “Làng” chắc chắn sẽ làm cho điểm đến này có ý nghĩa hơn, hấp dẫn và sôi động hơn. Chung quan điểm về nội dung này, bà Đinh Thị Vân Chi, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, có thể phối hợp được với các trường học, nơi có đối tượng là học sinh, sinh viên, tham quan, tham gia các hoạt động thực tế tại “Làng”, như thế cũng chính là góp phần đào tạo lớp trẻ ý thức gìn giữ văn hóa bản sắc của các dân tộc, chung tay cùng cộng đồng các dân tộc thổi hồn vào không gian văn hóa của đồng bào tại Làng…
GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng: trong vấn đề văn hóa - du lịch nên lưu ý không phải sản phẩm văn hóa nào cũng đưa vào làm du lịch và trong cách thức tổ chức cần hết sức tránh hình thức “sân khấu hóa” các hoạt động của đồng bào, đặc biệt là các hoạt động được tổ chức tại “Làng”… bởi đó là nơi để đồng bào tự giới thiệu về họ, đời sống, con người và văn hóa của họ. Các sự kiện được tổ chức tại "Làng" chính là tạo môi trường để các dân tộc giao lưu, chia sẻ, học hỏi, trao đổi, hiểu nhau và thêm gắn bó đoàn kết với nhau…
 |
GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
|
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý, trao đổi thẳng thắn, chân thành, tâm huyết của các đại biểu và đề nghị Ban Quản lý “Làng” cần tiếp thu, hiệu chỉnh, bổ sung các ý kiến đóng góp vào bản Đề án. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh của “Làng” hiện nay cũng như giai đoạn 2015-2020, ưu tiên trước hết tập trung vào việc vừa tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Khu các làng dân tộc - hồn cốt của "Làng", hoàn thiện hạ tầng, cảnh quan không gian các làng... cùng với đó là tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, đưa đồng bào về với "Làng của mình" ngay tại Thủ đô, qua đó, tạo điều kiện tăng cường giao lưu, trao đổi, sự hiểu biết lẫn nhau và củng cố khối đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong vấn đề khai thác cục bộ, Làng Văn hóa sẽ cố gắng tổ chức tốt các sự kiện thường niên, các hoạt động văn hóa và bước đầu hướng các hoạt động văn hóa gắn kết với du lịch, phấn đấu đưa "Làng" thực sự trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao quốc gia, nơi bảo tồn gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa và xây dựng "Làng" thực sự là "Ngôi nhà chung" của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hoàng Huyền (Ảnh: H. Yến)