Một số tư liệu và hình ảnh tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngày nay tại huyện đảo Lý Sơn đã trở thành ngày hội lớn không chỉ ở Quảng Ngãi mà còn là ngày hội của những người dân miền ven biển cả nước. Đây cũng là dịp thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các thế hệ cha ông ngày trước đã không tiếc máu xương để bảo vệ biển, đảo của quê hương và lần đầu tiên, ngày 29/6/2014, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
>>> Tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Theo dòng lịch sử, gần 400 năm trước, nhiều người con xứ Quảng đã vượt sóng gió ra Hoàng Sa khai thác hải vật, làm nên những cột mốc lịch sử, dựng bia chủ quyền lãnh thổ. Sử sách ghi lại: Từ đầu thế kỷ 17 các chúa Nguyễn đã ý thức đến việc xác lập chủ quyền lãnh thổ cũng như nguồn tài nguyên vô tận trên vùng biển Đông của nước ta nên hàng năm đã tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển tại vùng cửa biển Sa Kỳ và dân đinh ở phường An Vĩnh và phường An Hải trên đảo Lý Sơn, giương buồm nương theo gió nồm vượt sóng ra quần đảo Hoàng Sa vào tháng hai hoặc tháng 3 âm lịch. Và đến tháng tám trở về cửa Eo ở Thuận An để nộp cho kinh thành Huế các loại hải vật quý giá.
 |
 |
Tờ lệnh đi quần đảo Hoàng Sa của vua chúa nhà Nguyễn (Bản sao chép, phục dựng của cụ Võ Hiển Đạt ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn). Bản chụp tư liệu do cụ Võ Hiển Đạt cung cấp. Ảnh: H.Huyền
|
Trong gia phả, các bản khế ước, các sổ đinh và các văn bản định suất thuế khóa bằng chữ Hán của các dòng họ còn lưu giữ trên đảo Lý Sơn thì các suất đinh đi Hoàng Sa nhiều nhất vẫn là người của làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. 70 định suất (70 dân đinh) đó được phân đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, theo nguyên tắc luân phiên nhau và người đăng lính thường là con thứ (vì con trưởng phải ở nhà lo tế tự).Đội Hoàng Sa được thành lập chính thức vào thời đầu dựng nước của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và hoạt động liên tục suốt 4 thế kỷ. Đã có hàng vạn người phải vượt qua không biết bao nhiêu sóng gầm bão tố để đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển đảo theo lệnh của các chúa Nguyễn và các triều Nguyễn sau này. Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh Vua sai phải quyết lòng ra đi. Nhiều người trong số họ đã không trở về và Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm tại Lý Sơn, chính là để nhằm khao quân, tế sống, làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ và mặt khác, còn để tế lễ và tưởng nhớ, tri ân những người đi lính - các hùng binh Hoàng Sa đã khuất.
 |
 |
Long châu (thuyền rồng) và thuyền câu trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Bản vẽ phục dựng theo sách in mộc bản xưa của cụ Võ Hiển Đạt. Bản chụp tư liệu do cụ Võ Hiển Đạt cung cấp. Ảnh: H.Huyền
|
Theo cách giải thích của các bô lão Lý Sơn, "khao lề" là lệ khao định kỳ hàng năm, còn "thế lính" là nghi lễ tế sống. Bởi chỉ với những chiếc thuyền câu lênh đênh cùng sóng gió trên biển thì số phận những người lính Hoàng Sa rất mong manh. Do đó, để có cơ may xác mình còn được yên lành trôi về bản quán, trước khi ra đi mỗi người lính được chuẩn bị chiếu, một số đòn tre, dây mây và 1 thẻ bài đã ghi tên phiên hiệu. Dù số phận mong manh, nhưng khi ra đi họ vẫn hi vọng và tại nhà thờ tộc họ, người thân, tộc họ bàn soạn lễ vật, hương, hoa, quả, thầy pháp sư sẽ nặn hình nhân thế mạng bằng bột gạo hoặc đất sét, đặt cạnh linh vị đã ghi tên tuổi của người lính Hoàng Sa và thực hiện Lễ, với hi vọng, giữa bập bềnh sóng gió hình nhân sẽ thế mạng cho người đăng lính. Có bao nhiêu người đi lính sẽ có bấy nhiêu linh vị và hình nhân thế mạng. Trước khi đi, tộc họ sẽ tế lễ và những người lính đó sẽ luôn đứng hầu thần trong suốt buổi tế lễ bằng chính niềm tin là lời cầu nguyện của chính mình, của tộc họ cầu đấng linh thiêng và ngón nghề ấn quyết của thầy pháp sư sẽ xua được tà ma, quỷ ám trên dặm dài sông nước mênh mang.
 |
Thể thức bày biện thờ tự trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Bản vẽ lại của cụ Võ Hiển Đạt. Bản chụp tư liệu do cụ Võ Hiển Đạt cung cấp. Ảnh: H.Huyền
|
Khi lễ tế lính xong, người lính coi như đã "có một lần chết" và người lính đó có quyền tin rằng mình sẽ không còn phải chết nữa khi ra khơi. Và như thế, lễ tế tại nhà thờ tộc họ có người lính đứng hầu, có thể xem như một lễ tế sống người đó...
Kế tục nghi lễ truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, hàng năm cứ đến tháng hai (ba), ngư dân Lý Sơn lại tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, với ý nghĩa tri ân các thế hệ cha ông ngày trước và giáo dục con cháu ngày nay sống kiên cường, bất khuất, bám biển, không ngại gian nan, giữ vững từng tấc đất, hàng cây, ngọn cỏ... mà ông cha để lại.
Ngày 29/6/2014, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn lần đầu tiên được tái hiện tại "Ngôi nhà chung" của các dân tộc Việt Nam. Các nội dung thực hiện Lễ tuân thủ theo nghi thức của địa phương, nhưng nội dung và thời gian tổ chức tái hiện được các cụ bô lão Lý Sơn thực hiện cô đọng nhất. Trong đó, phần chuẩn bị Lễ vật đảm bảo đầy đủ các linh vị, thuyền khao lề, heo, gà, xôi, chè, hương, hoa quả, gạo, muối…v.v..
Trước khi vào thực hiện lễ tại lễ đài (Quảng trường Khu các làng dân tộc II), các bô lão thực hiện rước kiệu, mô phỏng lễ cung nghinh các binh phu Hoàng Sa từ các đình, Âm linh tự về nơi tổ chức Lễ (khu vực lễ đài).
 |
Các bô lão thực hiện rước kiệu
|
Tại lễ đài, mở đầu các nghệ nhân thực hiện nghi thức hát múa bá trạo hầu thần (nghênh thỉnh các thần về).
 |
Hát múa bá trạo hầu thần (nghênh thỉnh các thần về)
|
Tiếp đó, tuần tự các lễ được thực hiện, bao gồm có các lễ chính: Lễ tế chánh điện, Lễ tế ngoại đàn, Lễ thế lính, Lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng… Các bô lão thực hiện lễ tế chính trước các bàn thờ, có 2 vị chầu lễ thắp nhang và chước tửu. Lễ được thực hiện với ý nghĩa tưởng nhớ tiên tổ, kính cáo các vị tiền hiền, cúng giỗ cho những người không trở về và nguyện cầu chư vị tiền hiền chở che cho những người đi được bình an, sóng yên biển lặng.
 |
Các bô lão thực hiện lễ tế chính
|
Thầy pháp sư
khấn vái thần (Thủy Long), thực hiện lễ cúng với ý nghĩa gửi linh hồn người chết về cho tổ tiên và linh hồn người sống vào hình nhân thế mạng cho thuyền giả trôi ra biển để họ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ.
 |
Thầy pháp sư thực hiện lễ cúng
|
 |
Lễ thả thuyền lễ và hình nhân thế mạng với ý nghĩa cầu bình an cho các binh phu Hoàng Sa
|
Ngày nay, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn đã trở thành ngày hội lớn không chỉ ở Quảng Ngãi mà còn là ngày hội của những người dân miền ven biển cả nước.
H. Huyền (Ảnh: P.Hương)