Về “Làng” dự Lễ Cầu ngư truyền thống của ngư dân biển Đà Nẵng
(LVH) - Chiều ngày 29/6/2014 tại Quảng trường Khu các làng dân tộc II, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lần đầu tiên các ngư dân biển thành phố Đà Nẵng đã tái hiện Lễ Cầu ngư truyền thống của mình. Đây là một trong chuỗi các hoạt động “Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" diễn ra tại “Làng”.
Lễ Cầu ngư (còn được gọi là lễ tế Cá Voi) là một trong những sinh hoạt văn hoá mang đậm yếu tố tâm linh của ngư dân vùng biển thành phố Đà Nẵng nói riêng và ngư dân ven biển Việt Nam nói chung gắn với tín ngưỡng thờ Ngư Ông - cá Voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả. Lễ hội bày tỏ khát vọng lớn lao của bà con ngư dân - những con người luôn đối mặt với những bất trắc trên biển cả, cầu mong một mùa đánh bắt mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc.
 |
Bàn hương án được chuẩn bị trang trọng
|
Tham dự Lễ hội gồm có: Đồng chí Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng ban Ban Quản Lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức; cộng đồng các dân tộc được huy động; nhân dân quanh vùng; du khách và đông đảo các phóng viên báo chí, truyền thông.
 |
Đồng chí Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng ban Ban Quản Lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức phát biểu tại buổi lễ
|
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Đình Lợi nhấn mạnh “Đây là hoạt động có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, khi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đang bị xâm phạm, tuyên truyền tới đồng bào các dân tộc và bạn bè quốc tế về đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đồng thời khơi dậy và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”
 |
Lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn chở che của Cá Ông và các bậc tiền nhân
|
Phần lễ được mở đầu bằng lễ nghinh thần, lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn che chở của Cá Ông và các bậc tiền nhân khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi, lễ cầu an cho các vong hồn đã mất trên biển được thực hiện đúng nghi thức truyền thống, có chiêng, trống, bàn hương án bày đồ lễ cúng được trang hoàng hết sức trang trọng với đầy đủ các vật tế lễ như trái cây, rượu, xôi, gạo, các loại bánh, bỏng, nến, hoa... và nhạc lễ phụ họa, các cụ bô lão, thanh niên trai tráng mặc áo dài đầu đội mão đứng thành 2 hàng rất trang nghiêm.
 |
Chủ lễ và 2 ông tả hữu, ông tư lễ xướng đọc văn tế
|
Chủ lễ và 2 ông tả hữu, ông tư lễ xướng đọc văn tế với nghi thức truyền thống dân gian thể hiện tấm lòng tôn kính, biết ơn của ngư dân đối với sự che chở của cá Ông và các bậc tiền nhân có công xây dựng và truyền lại kinh nghiệm nghề biển cho thế hệ hôm nay và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.
.jpg) |
Cộng đồng dân tộc Thái đến tham dự buổi lễ
|
Lễ Cầu ngư đã và sẽ mãi là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng biển, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp mỗi ngư dân vùng biển luôn hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề. Việc tổ chức tái hiện Lễ Cầu ngư vừa góp phần quan trọng trong việc bảo tồn nét văn hoá truyền thống của các ngư dân biển Đà Nẵng nói riêng, đồng thời, tăng cường giao lưu văn hoá các dân tộc nói chung tại "ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Phạm Hương