Lễ Xử Ca của người Mông

(LVH) - Về tham gia các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Sáng ngày 30/4, đồng bào dân tộc Mông (bản Đề Hái, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) đã giới thiệu tới du khách Lễ Xử Ca, nghi lễ thờ cúng bàn thờ “Xử Ca” một trong những lễ cúng trong dịp Tết cổ truyền “Nào pê chầu” của đồng bào dân tộc Mông.

Vào ngày Tết cổ truyền “Nào pê chầu”, bên cạnh thờ cúng tổ tiên, hệ thống ma nhà, trong năm mới người Mông rất coi trọng việc thờ cúng bàn thờ “Xử Ca”. Bàn thờ “Xử Ca” là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống các ma nhà của người Mông, gắn liền với sự giàu có nhất là tiền bạc. Nơi thờ “Xử Ca” ở gian giữa nhà. Chỗ thờ được dán một miếng giấy màu trắng và cắm 3 hoặc 5 túm lông gà được bôi ít máu gà.
Mỗi năm cúng “Xử Ca” một lần vào đêm 30 Tết, đồ cúng là một con gà trống. Người Mông quan niệm ma "Xử Ca" là ma giữ tiền bạc, của cái trong nhà nên các gia đình của người Mông đều có bàn thờ “Xử Ca”.

Chủ nhà dán giấy mới lên bàn thờ "Xử Ca"

Với người Mông, "Xử, Ca, Lò, De" được coi là bốn vị thần quan trọng nhất mà bất kỳ gia đình nào cũng phải thờ, dù họ sinh sống ờ đâu hay thuộc nhóm Mông gì nếu không thờ "Xử, Ca, Lò, De" thì không phải là người Mông. Vì vậy, mỗi dịp tết đến các gia đình đều quét dọn nhà cửa, dán lại giấy tại bàn thờ “Xử Ca”. Việc dán lại giấy tại bàn thờ “Xử, Ca, Lò, De” với ý nghĩa làm cho bàn thờ mới hơn, gọn gang hơn và cầu mong năm mới gia đình sẽ được các vị thần che chở, phù hộ. Khi việc dán giấy tại bàn thờ đã xong, chủ nhà sẽ thắp hương và tay cầm một con gà trống (có lông màu đỏ) rồi khấn:

Năm cũ qua đi năm mới đến, hôm nay đầu Xuân năm mới tôi sẽ thay nhà cửa mới, trang phục mới, thắp hương thắp nến, có cơm, có gà mới cho “Xử Ca Lò De” về ăn Tết với gia đình”.
Khấn xong, chủ nhà mang gà đi cắt tiết và nhổ 3 hoặc 5 túm lông gà rồi nhúng vào tiết để dán lên mảnh giấy thờ “Xử Ca"với ý nghĩa đã dâng tặng con gà. Sau đó, mổ gà, luộc chín và bày lên mâm cùng với 2 bánh dày, 2 chén rượu rồi tiếp tục khấn:

Hôm nay đầu Xuân năm mới, gia đình có con gà trống của nhà để dâng tặng “Xử Ca Lò De” về đón nhận thành quả của gia đình, nhận rồi hãy phù hộ cho năm mới cho tròn một năm 12 tháng, phù hộ cho con cháu năm mới luôn khỏe mạnh, trông giữ nhà cửa không để ma tà, những cái xấu vào được nhà, canh nhà cửa tốt cho gia đình nhé”.

Chủ nhà nhổ 3 hoặc 5 túm lông gà rồi nhúng vào tiết để dán lên mảnh giấy thờ “Xử Ca"

Khi khấn xong bàn thờ “Xử Ca”, gia đình sẽ kê một cái bàn ở giữa nhà để đặt mâm cúng tổ tiên. Tối ngày 30 Tết người Mông ở tỉnh Điện Biên làm nhiều nghi lễ để dâng đồ cúng các loại ma, các vị thần, trong đó mâm cúng mời tổ tiên là mâm cúng mang nhiều ý nghĩa với đồng bào Mông, đây là lúc để nhớ về cội nguồn, những người đã khuất. Mâm lễ đặt trên một chiếc bàn, gồm có bánh dày, thịt gà, cơm và canh. Khi bày xong, chủ nhà ngồi vào bàn, một tay cầm thìa để chỉ vào đồ lễ và khấn:

Năm cũ qua đi năm mới đã về, gia đình làm mâm cỗ có cơm, thịt ngon chưa ăn, kính mời tổ tiên ông bà về ăn. Về cùng ăn, về cùng uống, ăn uống rồi phù hộ cho các thành viên trong gia đình luôn dược mạnh khỏe mạnh không ốm đau, bệnh tật. Phù hộ cho mùa màng luôn tốt tươi bội thu, phù hộ cho chăn nuôi phát triển, chồng trại đầy đàn. Phù hộ cho những cái may mắn, xua đuổi những điều xấu, rủi ro, bệnh tật theo năm cũ. Năm mới đến làm nương làm rẫy gặp nhiều thuận lợi, đi đường xa không gặp mưa gió, năm mới cơm mới được ăn, nước mới được uống, chăn nuôi không dịch bệnh, mùa màng thì làm ít được nhiều, làm nhiều không sẽ có của ăn, của để cho gia đình nha”.

Nghi lễ cúng mời tổ tiên về ăn Tết

Sau khi mời tổ tiên xong, chủ nhà mời tất cả các thành viên trong gia đình vào mâm uống chén rượu chúc nhau những lời chúc may mắn trong năm mới. Tại lễ Xử Ca, các đại biểu, du khách cũng đã cùng nhau giao lưu uống chén rượu chúc mừng năm mới với đồng bào Mông.
Cũng trong ngày hôm nay, các hoạt động tại chợ vùng cao phía Bắc với chủ đề “Về với Điện Biên” đã bắt đầu diễn ra. Điểm nhấn là các gian hàng giới thiệu sản vật, ẩm thực của Điện Biên và các tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Hòa Bình, Nghệ An,...Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc tham gia biểu diễn dân ca, dân vũ, tổ chức trò chơi dân gian, giới thiệu nghề thủ công truyền thống,... nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm và thương thức ẩm thực của đông đảo nhân dân và du khách nhân dịp nghỉ lễ.

Dưới đây là một số hình ảnh:

 

Đại biểu và du khách cùng chung vui với đồng bào Mông 

 

Sau khi kết thúc Lễ Xử Ca, đồng bào Mông cùng nhau xuống chợ vùng cao

 ';

Ông Đào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên phát biểu khai mạc chợ vùng cao

 

 

Nghệ nhân Sình A Tâu dân tộc Mông (tỉnh Điện Biên) phát biểu tại chợ vùng cao

 

Du khách mua sắm

 

Tiết mục biểu diễn của đồng bào dân tộc Mông

 

Du khách theo dõi các tiết mục biểu diễn dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc

 

Chợ vùng cao phía Bắc thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham quan, mua sắm

Hải Yến