Tái hiện Lễ đón dâu của người H’mông tỉnh Hà Giang

(LVH) - Chiều ngày 22/11/2013, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tái hiện Lễ đón dâu của người H'mông. Cô dâu Sùng Thị Mai và chú rể Hạng Mi Dé đều là người H’mông ở thôn Hợp Tiến, xã Lủng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Lễ cưới người H’mông thường được tổ chức vào mùa xuân vì họ quan niệm rằng mùa xuân là mùa vận vật sinh sôi nảy nở. Người H'mông kiêng kỵ tuyệt đối không tổ chức đám cưới vào mùa có sấm sét.

Theo phong tục của người H’mông thì thuốc lào và rượu ngô là hai thứ không thể thiếu khi mở đầu câu chuyện. Để tiến tới hôn nhân người H’mông phải trải qua các bước gạ hỏi, dẫn cưới và cuối cùng là lễ đón dâu. Lễ đón dâu phải được tổ chức vào một ngày lành tháng tốt.

Lễ vật chuẩn bị trước khi đi đón dâu

Để chuẩn bị cho đám cưới trước hết gia đình phải mời những người trong dòng họ về cùng bàn bạc và chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu tổ chức đến mua sắm đồ sính lễ. Lễ vật thường có: thịt lợn, thịt gà, rượu ngô, thuốc lào, tiền mặt, có cả những vật dụng như túi vải, ô đen… Lễ vật được đựng trong quầy tấu, rượu ngô được đựng trong chiếc chum nhỏ.

Khi mọi người đã có mặt đông đủ, nhà trai thống nhất chọn ra một người làm trưởng họ đại diện cho họ nhà trai. Công việc của trưởng họ là tìm một người có uy tín, có kinh nghiệm và có tài ca hát để làm ông mối. Ông mối sẽ dẫn dắt toàn bộ đoàn đón dâu trong suốt cuộc hành trình. Theo đó, đoàn đón dâu gồm có ông mối, chú rể, phù dâu, phù rể và những người đại diện cho họ nhà trai.

Hai bên thống nhất để chọn người làm trưởng họ

Trước khi đi đón dâu, trưởng họ bàn giao đồ lễ cho ông mối và cùng nhau kiểm tra đồ lễ thật chu đáo và thực hiện phân công công việc cho mọi người, sau đó, họ cùng nhau uống rượu. Trưởng họ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên để ông mối hướng dẫn chú rể cùng phù rể vái lạy tổ tiên trời đất. Chú rể vái 2 lạy phía trong để lạy tổ tiên, 2 lạy phía ngoài để lạy trời đất.. Họ cùng nhau uống rượu rồi đi một vòng quanh bàn để xin phép với tổ tiên, rồi lại cùng nhau uống rượu. Tiếp đó, đi quanh bàn một vòng nữa để chuẩn bị lên đường. Trước khi lên đường ông mối hát bài “Xin chiếc ô đen” và túi vải từ tay trưởng họ.

Ông mối và đoàn nhà trai đi đón dâu

Theo phong tục người H'mông, khi đoàn đón dâu đến cửa nhà gái nếu thấy cửa đóng thì ông mối sẽ phải hát bài "xin mở cửa” và thường thì nhà cô dâu đã mở cửa sẵn rồi, trong nhà mọi người đã sẵn sàng đón khách. Đoàn đón dâu bước vào trong nhà. Cô dâu Sùng Thị Mai, đại diện nhà gái ra đón tiếp, họ mời nhau thuốc lào. Ông mối cất lời hát bài “Xin bàn ghế”.

....trên đường đi sang nhà cô dâu

Ông mối dứt lời bài hát thì bàn rượu được bày ra và gia đình hai họ cùng nhau uống rượu. Ông mối tiến hành bàn giao đồ lễ cho nhà gái gồm thịt lợn, thịt gà, rượu ngô, mèn mén, cơm xôi, tiền mặt. Bàn giao đồ lễ xong họ lại tiếp tục uống rượu. Nhà gái cám ơn ông mối, ông mối xin phép cho phù dâu vào buồng và dắt cô dâu ra ngoài, bật ô che nắng cho cô dâu. Ông mối hướng dẫn chú rể và phù rể vái lạy cám ơn cha mẹ vợ, 2 lạy phía trong để lạy tổ tiên nhà vợ, 2 lạy phía ngoài để lạy trời đất, thổ công. Họ lại tiếp tục uống rượu, ông mối cám ơn nhà gái đã có công sinh thành và nuôi dưỡng con gái lớn khôn đến ngày hôm nay, cám ơn nhà gái đã có lễ vật biếu gửi rồi xin phép được đón cô dâu về.

Đoàn nhà trai vào nhà gái xin dâu

 Khi cô dâu, chú rể đã ra khỏi cửa thì không được quay đầu nhìn lại nhà cha mẹ cô dâu. Đoàn đón dâu đi đến nửa đường thì phải dừng chân nghỉ lại, bày đồ ăn thức uống ra để ông mối làm lễ mời các vị thần. Ông mối cất tiếng hát mời các vị thần núi, thần khe, thần đèo...

Nghi thức cúng trên đường trở về nhà trai

 Hát và ăn uống ở nơi dừng chân xong, đoàn nhà trai lại tiếp tục đi, đến cửa nhà trai, cô dâu, chú rể phải dừng lại ở trước cửa để họ nhà trai mang gà trống ra làm phép, quét bên phải 3 vòng, quét bên trái 3 vòng làm phép để xua đuổi những điều xấu, đón tiếp những điều may mắn và làm lễ nhập gia cho cô dâu mới.
Ông mối giao cô dâu mới cho họ nhà trai và sau đó ông mối báo cáo lại công việc đưa đoàn đón dâu của mình đã hoàn thành với trưởng họ. Trưởng họ cảm ơn ông mối bằng những chén rượu ngô nồng ấm.

Người H'mông quan niệm: của hồi môn của nhà gái cho con khi về nhà chồng phải qua 3 ngày mới được mở ra xem và đó thường là váy áo, vải vóc, chăn màn… Tuy nhiên, ở những gia đình khá giả có khi có cả bạc trắng hoặc tiền…

Xong các thủ tục đón dâu, nhà trai mở cỗ tiệc đã bày sẵn. Trưởng họ nhà trai sẽ mời tất cả mọi người cùng ăn uống để chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể.

Cô dâu chú rể rạng rỡ trong ngày cưới
Lễ đón dâu của người H’mông khá đơn giản, nhưng vẫn giữ những nét độc đáo và góp phần tích cực trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới tại thôn, bản vùng cao ở Hà Giang.

Thúy Nga