Vui cùng lễ mừng cơm mới của người Thái
(LVH) - Sáng 29/10/2016, tại làng dân tộc Thái, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra lễ mừng cơm mới do chính chủ thể văn hóa đến từ Mai Châu, Hòa Bình và Con Cuông, Nghệ An thực hiện.
 |
Xôi tím được đồng bào chuẩn bị để mời khách
|
Đây là một nghi lễ nông nghiệp đã được các cộng đồng người Thái lưu truyền qua bao đời nay. Theo truyền thống, vào tháng 5 - 6 và tháng 9 - 10 dương lịch hàng năm, khi lúa chín rộ khắp ruộng nương, các gia đình ở làng trên, xóm dưới của người Thái lại rộn ràng chuẩn bị cho lễ mừng cơm mới.
 |
Thày cúng Hà Văn Dần sắp mâm lễ
|
Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bà con người Thái lo sửa soạn làm mâm lễ cúng ông bà, tổ tiên trong lễ mừng cơm mới với những gói xôi, thịt lợn luộc, rượu, trái cây từ sáng sớm.
 |
Thày cúng Hà Văn Dần thực hiện nghi thức khấn
|
Sau khi sắp 2 mâm lễ, thày cúng Hà Văn Dần đến từ xóm Vãng, Mai Châu, Hòa Bình trịnh trọng đọc bài khấn với nội dung “Lúa gạo, rượu và đồ ăn đã đến, mời ông bà, tổ tiên về cùng ăn cơm mới, uống rượu ... Tay trái vê nắm cơm dẻo con cháu trồng ở đầu bản, ở đầu ruộng, đầu mương, tay phải cầm đũa gắp đồ ăn. Có chén rượu ngon kèm mâm cơm, mời ông bà về hưởng phúc lộc để sum vầy cùng con cháu và ban phúc cho con cháu luôn mạnh khỏe, đi rừng, đi suối an toàn, gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển...”.
 |
Diễn tấu nhạc cụ truyền thống sau phần lễ
|
Trong lễ cơm mới, gia đình nào cũng mời 4 góc nhà, ba góc bếp (tức là anh em, làng xóm, bạn bè thân thiết) cùng đến chung vui với mong muốn có nhiều khách, vụ mùa sau sẽ có thêm nhiều niềm vui, phúc lộc. Những người khách mời nhất thiết không được mang tiền, quà mừng mà chỉ có những lời chúc tốt đẹp dành cho gia chủ.
Thày cúng Hà Văn Dần cho biết: “Người Thái ở Nghệ An và Hòa Bình đều có lễ này và các nghi thức giống nhau. Trong lễ mừng cơm này, mâm lễ chuẩn bị không cầu kỳ, các nghi thức cũng đơn giản. Thứ không thể thiếu trong mâm lễ là cơm nếp mới, thịt lợn, cá suối và trầu cau. Lễ này được tổ chức theo từng gia đình, khi lúa đã được thu hoạch xong. Gia chủ có thể tự thực hiện hoạc mời thày cúng làm lễ”.
 |
Đồng bào và du khách cùng nối tay nhau trong vòng xòe Thái
|
Sau khi nghi thức cúng kết thúc, chủ lễ mời chủ nhà và khách tham dự uống rượu, dùng đồ ăn và cùng nhảy sạp và tham gia vòng xòe dưới sân trước nhà.
Lễ mừng cơm mới của người Thái có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn của đồng bào với ông bà, tổ tiên và mong ước thuần hậu về một mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, an lành. Đây là dịp anh em họ hàng, bà con làng xóm sum vầy bên nhau và là dịp để dịp để các bậc ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết yêu lao động, quý trọng những thành quả lao động…. Vì thế, dù công việc bận rộn hay ở xa, con cháu đều cố gắng thu xếp để sum họp cùng gia đình trong ngày này.
Lễ mừng cơm mới là một trong những hoạt động thường xuyên của chủ thể văn hóa tại làng dân tộc Thái. Cùng với các hoạt động thường ngày và hoạt động dân ca dân vũ, các lễ hội được chủ thể văn hóa thực hiện không chỉ “tự giới thiệu về mình” mà còn góp phần tích cực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và thu hút du khách đến với “Làng”.
Thu Loan