Tái hiện Lễ hội Xên Lẩu nó của người Thái tại “Làng”
(LVH) - Lễ hội do đồng bào Thái đến từ tỉnh Sơn La thực hiện vào ngày 24/3/2018 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Lễ hội được tổ chức với ý nghĩa cảm tạ tổ tiên, thần sông, thần núi và là dịp để tạ ơn công đức của thầy cúng (ông Một) đã chữa bệnh cho mọi người. Đây cũng là dịp để bà con dân tộc Thái thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.
Lễ Xên Lẩu nó kéo dài gần 3 ngày 3 đêm và được tổ chức trong ngôi nhà sàn của ông Một. Từ sáng sớm những người được ông Một chữa khỏi bệnh được coi là con nuôi của ông Một khắp bản trên, mường dưới trên vai mang gùi gạo, con gà …đổ về nhà ông Một để chuẩn bị làm lễ. Mọi người không kể già trẻ, gái trai, chung tay thu dọn nhà cửa, đưa chăn đệm lên cao, cùng nhau dựng cây Xăng bók (giàn hoa).
 |
Cây Xăng bók được dựng trên sàn ngôi nhà, cao gần 3m kết từ các loại cây quen thuộc và gần gũi với đời sống của người Thái
|
Cây Xăng bók được dựng trên sàn ngôi nhà, cao gần 3m kết từ các loại cây quen thuộc và gần gũi với đời sống của người dân bản như: Cây mía, cây móc, cây chuối đã trổ buồng…cùng với hoa Ban, hoa Píp. Trên cây còn treo thêm các “ngân nga” tượng trưng như vòng bạc làm từ các lạt tre cuộn tròn móc vào nhau thành dây dài cùng các hộp hình vuông kết từ các loại chỉ màu tượng trưng cho mặt trời. Dưới cây Xăng bók là bình rượu cần, hoa chuối và các đoạn lõi chuối.
 |
Đồng bào đang chuẩn bị mâm lễ gồm nhiều món được chế biến từ gà, cá, thịt, măng, hoa Ban...
|
Trong khi phụ nữ trang trí cho cây Xăng bók thì thanh niên trai tráng cùng nhau mổ lợn để chuẩn bị cho lễ “pông phí một” (cúng mời các thần linh). Sau khi mổ xong, lợn được cắt lấy các phần đầu, đuôi, lòng, tim gan mỗi thứ một ít rồi xếp lại thành hình con lợn để lên mâm cúng. Ngoài ra trên mâm lễ còn bày 3 bát gạo, 4 quả trứng gà, 7 chén rượu, trầu cau…
 |
Mâm lễ mời cúng các thần linh
|
Sau khi bày xong mâm cúng, Ông Một cầm bao kiếm đặt vào mâm, ngồi xuống lạy 3 lần rồi khấn: “Mời các tạo quan to mường trên xuống. Mời tạo một từ thời cụ, kị. Thầy cúng từ đời ông, đời cha cùng xuống. Ba trăm thầy cúng ca, năm trăm thầy cúng giỏi.Cùng chín trăm thầy mo. Tất cả cùng xuống ăn mừng lẩu nó…”
 |
Ông Một đang thực hiện nghi lễ
|
Bên cạnh đó, nhiều phần cúng khác cũng được thực hiện trong lễ hội như: “Tam phí hươn” (lễ cúng tổ tiên); Lễ cúng “đông tu xửa” (mời các thần linh về ăn cỗ, phù hộ cho dân bản, con cháu); Lễ “xống một” (tiễn đưa các thần linh về)… Phần quan trọng nhất của lễ hội là lễ cúng các con nuôi (tam khuốn lụk liệng). Các con nuôi sau khi mang lễ vật đến nhà ông Một, chia nhau ra mỗi gia đình một chỗ, tự mổ gà, vo gạo đồ xôi để chuẩn bị cho mâm lễ dâng lên cảm tạ ông Một đã chữa khỏi bệnh.
Các con nuôi chuẩn bị một mâm lễ vật gồm : 01 con gà để ngửa, 01 nải chuối, 01 gói xôi, 01 cặp bánh chưng, 02 sợi dây, 02 đoạn mía, 03 cái măng đắng, 01 bát gạo, 02 chén rượu, 03 con cá; 03m vải, 01 chai rượu. Mâm được phủ một tấm vải ở trên. Sau đó các con nuôi xếp hàng lần lượt chuẩn bị vào dâng lễ. (Nếu mâm có lợn là bệnh nặng. Nếu mâm có 01 con gà là cúng bình thường, bệnh nhẹ)
 |
Ông Một và các con nuôi cùng uông rượu
|
Thứ tự các con nuôi dâng lễ. Thầy cúng xem lễ cúng, bẻ đôi con gà xem, lấy một ít thịt ăn thử rồi nếm mỗi thứ một ít. Sau đó ông sẽ cho một số lời khuyên với con nuôi về bệnh tật, khu ăn ở và xử lý các hoạt động trong cuộc sống. Khi kết thúc, ông nhận 1/2 lễ đưa lên cho thần linh, 1/2 lễ trả lại con nuôi. Sau khi xong việc, người giúp việc rót 03 chén rượu cùng uống cảm ơn (Cứ như vậy cho đến hết lượt các con nuôi). Thời gian làm lễ phụ thuộc vào số lượng con nuôi nhiều hay ít vì mỗi con nuôi làm lễ hết khoảng 15 - 20 phút. Ông Một khấn cho các con nuôi như sau: “Con nuôi ngoan, được ăn không quên đũa; Được ở không quên công ơn, lại còn yêu quí thầy, có mâm cơm to cỗ đầy về nộp thờ quân vương mời tạo quân ăn mâm cơm ăn xong rồi phù hộ cho các con nuôi ai ai cũng được mạnh khỏe an lành”.
 |
Các con nuôi nhảy múa quanh cây Xăng bók
|
Sau khi thầy cúng làm xong thủ tục cho các con nuôi, nghe tâm tư, kể bệnh, thầy cúng căn dặn cách làm rồi mọi người đưa vòng tay, vòng cổ để thầy cúng làm bùa cho không bị ốm đau hoặc buộc chỉ cổ tay cầu không ốm, không đau, một đầu dây ông ngậm, một tay cầm kéo căng ra, làm các động tác thần linh, rồi ông đọc thần chú, sau đó buộc vào cổ, cổ tay, cầu….Sau khi cúng “Pỏn phí hươn” xong, các con nuôi ai cũng phải cầm khăn để nhảy múa quanh cây Xăng bók mang ý nghĩa tiễn đưa các thần linh về như: múa tung khăn, cầm tay nhau xoè quanh cây Xăng bók theo nhịp trống chiêng tất cả mọi người mọi người đều vui chơi nhảy múa.
 |
Các con nuôi biểu diễn với điệu múa tung khăn
|
Phần lễ và phần hội của “Xên lẩu nó” có sự đan xen với nhau, sau khi hoàn thành một phần lễ mọi người lại cùng nhau nhảy múa xung quanh cây Xăng bók. Ông Một trong trang phục lễ hội giả làm con khỉ chèo lên cây Xăng bók diễn trò bứt chuối ném xuống cho mọi người ăn, ông phá phách, giật tung mọi thứ trên cây Xăng bók, rồi ông nhảy xuống sàn nhà múa theo điệu ngửa 2 bàn tay tung lên biểu hiện tiến đưa các thần linh về trời cứ như thế được khoảng 20 - 30 phút rồi ông giật lấy khăn quận mấy vòng vào cây Xăng bók rồi buộc lại báo hiệu kết thúc lễ hội lúc này mọi người đều bỏ khăn và đạo cụ khác vào gốc cây Xăng bók rồi vỗ tay nhảy múa quanh cây.
 |
Ông Một và các con nuôi nhảy múa quanh cây Xăng bók
|
Lễ hội Xên Lẩu nó của dân tộc Thái tỉnh Sơn La là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, là phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả. Đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu nét phong tục tốt đẹp của người Thái tại “Ngôi nhà chung” và cũng là cơ hội để đồng bào Thái quảng bá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình để lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Phạm Hương